Từ hiện tượng Baby shark: Âm nhạc thiếu nhi Việt bị bỏ ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Danh hiệu video được xem nhiều nhất thế giới tại YouTube mấy năm nay chưa ai qua nổi Baby shark (Cá mập con). Video dài hai phút mốt do kênh Pinkfong (Hàn Quốc) sản xuất này vừa đạt con số 10 tỷ lượt xem. Sự kiện chắc chắn là cú hích để kênh này tiếp tục phủ sóng toàn cầu.

Baby shark giai điệu cực kỳ đơn giản chỉ một câu nhạc. Bài hát này còn không có cả tác giả nên các nhà sản xuất có thể thoải mái khai thác. Nó bắt đầu phổ biến vào 2007 qua sự thể hiện của nghệ sĩ người Đức Alemuel.

Trong Top 10 các video có lượt xem cao nhất YouTube có tới 6 sản phẩm dành cho thiếu nhi từ độ tuổi mẫu giáo. Xếp thứ 11 với 4,31 tỷ lượt xem chính là Gangnam style - bài hát vốn cũng thu hút cả người lớn và trẻ em. Có thể thấy thị trường âm nhạc giải trí cho trẻ em dường như đem lại lợi nhuận cực kỳ cao vì tốn rất ít chi phí sản xuất so với MV nhạc người lớn. Tuy nhiên để đạt được lượng người xem lên tới hàng tỷ, các video cho trẻ em đều thuộc về những kênh giải trí giáo dục quốc tế đa ngôn ngữ được đầu tư sản xuất bài bản.

Pinkfong đang có 54,9 triệu lượt đăng ký cho 18 kênh thành viên, trong đó nhiều kênh đã được dịch ra các thứ tiếng khác nhau, bao gồm tiếng Việt. Trong khi kênh Pinkfong tiếng Hàn đạt 10,1 triệu lượt đăng ký, tiếng Tây Ban Nha cũng đạt con số xấp xỉ, thì tiếng Việt hiện có 346 ngàn lượt.

Thử xem qua mấy video được chuyển ngữ qua tiếng Việt thì thấy việc đặt lời chưa thực sự trau chuốt. Giai điệu nhiều khi không tương hợp với dấu thanh. Chẳng hạn trong video mới nhất của kênh này Chơi trốn tìm trong rừng cùng gia đình cá mập, câu hát “Bạn có thấy không cá mập ba, đuôi xanh, cá mập ba” đặt vào nhạc trở thành: “Bạn có thấy không ca mập bà, đuồi xanh, cá mập bá”. Tất nhiên giai điệu quen thuộc của Baby shark không thể thiếu trong video hoạt hình dài gần 6 phút này. Tự hào vì sở hữu phiên bản Baby shark vô địch, kênh này gắn luôn tên bài hát vào tên của kênh thành Pinkfong! Cá mập con - Nhạc thiếu nhi.

Các kênh âm nhạc hoạt hình giải trí cho thiếu nhi có video nằm trong top 10 tiếp theo là Looloo kids của Mỹ với 47,7 triệu lượt đăng ký; Cocomelon (Mỹ) - tới 127 triệu đăng ký; Miroshka TV (Nga)- 18 triệu lượt; Get Movie (Nga, chuyên về phim hoạt hình)- 37,4 triệu lượt và Chuchu TV (Ấn Độ) - 53,7 triệu lượt.

Việt Nam cũng có các kênh tương tự cho thiếu nhi với lượt đăng ký từ vài trăm ngàn tới chục triệu nhưng đáng tiếc là nội dung xây dựng thường khá chắp vá. Thường họ lấy những hình ảnh hoạt hình hoặc ghi hình có sẵn và ghép với các bản thu âm ca khúc chứ không tự sáng tạo nội dung hoàn chỉnh. Đáng ngại là một số clip sử dụng nhạc nền thiếu nhi nhưng hình ảnh lại có dấu hiệu quảng cáo, kích cầu cho các món đồ chơi trẻ em. Một trong vài kênh nội thuộc hàng chuyên nghiệp hơn cả với 14,1 triệu đăng ký và tổng lượt xem là 9,3 tỷ nhưng lại bao gồm nội dung dành cho cả tuổi thiếu niên chứ không thuần về “mầm chồi lá” như các kênh nước ngoài kể trên.

Với tình trạng này, nhiều khả năng các bậc phụ huynh sẽ chọn các kênh giải trí nước ngoài có chất lượng cho con mình, chưa kể cũng là một cách để trẻ làm quen với tiếng Anh từ tuổi mầm non.

BỎ NGỎ ÂM NHẠC TUỔI MẦM

Việt Nam gần đây cũng có một bản nhạc tạm coi là thiếu nhi thành công đình đám. Đó là bài Bống bống bang bang- nhạc phim Tấm Cám. Cộng lượt xem của hai MV do nhóm 365 và bé Bào Ngư thể hiện cũng được tròm trèm gần 1 tỷ. “Bống bống bang bang thành công do đi kèm với dự án lớn cộng hưởng với tình trạng đói nhạc thiếu nhi”, nhà sản xuất, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phân tích.

Từ hiện tượng Baby shark: Âm nhạc thiếu nhi Việt bị bỏ ngỏ ảnh 1

Một cảnh trong video 10 tỷ lượt xem Baby shark do Hàn Quốc sản xuất

Những “con số biết nói” từ YouTube cho chúng ta biết âm nhạc tuổi mầm non là một thị trường khổng lồ đáp ứng không chỉ nhu cầu giải trí mà còn dạy cho trẻ em những bài học đầu đời hoặc trang bị nền tảng văn hóa thẩm mỹ. Nhưng ở Việt Nam các nhà sản xuất vẫn dè dặt khi đầu tư vào mảng này.

“Bản thân người làm âm nhạc cũng ngại đụng vào thị trường đấy. Nó chưa có đời sống. Người viết nhạc giờ cũng phải kiếm sống, viết bài ra phải bán được ngay chứ lao vào làm nhạc thiếu nhi thì... đói. Ngoài ra còn phải tính đến sự thay đổi về ý thức, về tai nghe của trẻ em bây giờ. Vì chúng đã quen nghe nhạc nước ngoài với âm thanh khác, tinh thần khác”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nói.

“Baby shark thành công vì nó rất dễ nghe, hình ngộ nghĩnh. Người lớn cứ bật lên cho trẻ con vừa ăn vừa xem. Cái đó theo tôi chỉ là video giải trí thôi. Không có giá trị gì với trẻ con về âm nhạc đâu”. Ca sĩ Mỹ Linh

Hồ Hoài Anh cho hay anh khá yên tâm về khía cạnh văn thể mỹ tại các trường quốc tế mà con mình theo học. Những thiếu hụt về văn hóa truyền thống thì anh- một giảng viên đàn bầu-có thể bù đắp được. Tuy nhiên anh cũng thừa nhận các con mình chủ yếu nghe nhạc nước ngoài, hiện nhóm Black Pink (Hàn Quốc) và Taylor Swift là thực đơn hằng ngày.

“Để cho trẻ em Việt Nam toàn phải xem chương trình người lớn đúng là quá thiếu sót, làm già hóa tư duy của đứa trẻ. Đứa trẻ tầm 10 tuổi bây giờ nói năng hành động chẳng khác gì người lớn, chỉ có cơ thể chưa lớn thôi. Thiếu sự hồn nhiên cùng tình yêu dành cho cỏ cây, động vật, thiên nhiên mà đáng ra chúng phải có được thông qua âm nhạc, nghệ thuật giải trí”, Hồ Hoài Anh nhận định.

Ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Anh Quân chủ động tạo môi trường âm nhạc chất lượng, “an toàn” cho các con ngay từ trong bụng mẹ. Cả ba con của họ đều nghe chung nhạc với bố mẹ, chứ không biết đến nhạc thiếu nhi hay các clip giải trí trôi nổi trên mạng.

Từ hiện tượng Baby shark: Âm nhạc thiếu nhi Việt bị bỏ ngỏ ảnh 2

Lấy tên "Nhạc thiếu nhi vui nhộn" nhưng clip 200 ngàn lượt xem này lại toàn là cảnh mở hộp đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

Các bài hát thiếu nhi quen thuộc với các thế hệ trước như Đưa cơm cho mẹ đi cày hay Em đi giữa biển vàng phải đến khi thu trong album Bài hát cho Bi, Mỹ Anh mới được biết. Nhiều bài trong đĩa này cô bé hát hoàn toàn theo đặt hàng của bố mẹ. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng đồng ý những bài hát thiếu nhi kinh điển này vẫn còn tồn tại đến hôm nay thực ra vì nó nằm trong ký ức của người lớn.

Việt Nam có đầy đủ nguyên liệu để có thể làm các sản phẩm giải trí hấp dẫn cho trẻ em, Hồ Hoài Anh nhận định. Từ bản sắc văn hóa vùng miền đa dạng tới tố chất con người cần cù, nhạy bén… Nhưng do không có một hệ thống để kết nối các yếu tố lại với nhau. Khả năng Việt Nam xuất khẩu được âm nhạc thiếu nhi may ra phải đến thế hệ sau. “Hy vọng nhà sản xuất nào đấy thức tỉnh và đầu tư cho lĩnh vực mạo hiểm này, chứ trông chờ thu lại tiền của YouTube có mà lỗ vốn”, anh khẳng định.

“Chúng ta biết âm nhạc thiếu nhi là một thị trường lớn hẳn hoi bắt đầu từ thời của Xuân Mai và một số bé khác. Nhưng từ khi mạng internet đem nhạc nước ngoài vào, nhạc thiếu nhi trong nước không có cửa. Mình không cạnh tranh được nữa vì họ làm màu sắc âm thanh chuẩn quá. Đánh đúng tâm lý bọn trẻ. Hiện vẫn có nhạc thiếu nhi Việt Nam trên mạng nhưng ít được dùng nên không phát triển kinh doanh được”, Mỹ Linh nhận định.

Đang quản lý một số cơ sở giáo dục âm nhạc cho trẻ em từ 3 tuổi, Mỹ Linh cho biết thường xuyên sử dụng học liệu do các đơn vị nước ngoài sản xuất. “Hiện các nhà sản xuất trong nước không chú trọng sản xuất cho trẻ em hoặc sản xuất rất tệ, chất lượng dưới chuẩn”, chị nhận xét. Nhạc thời nào thời đấy nghe là quan điểm của Mỹ Linh. “Bọn trẻ con không nghe nhạc trẻ con cũng chả làm sao. Nghe âm nhạc có tính nghệ thuật cao ngay từ bé chả tốt sao?!”, chị nói.

Tất nhiên đấy chỉ là lựa chọn riêng của một gia đình có truyền thống âm nhạc. Còn biết bao nhiêu gia đình vẫn phải trông chờ vào các kênh giải trí nước ngoài hoặc tệ hơn các clip trôi nổi trên mạng để giải trí cho con. Còn những sản phẩm đó dạy bọn trẻ từ trứng nước những gì ai mà biết được!

MỚI - NÓNG