Giỏi Lí nhờ một tí... khéo tay
Để Vật Lí không còn là “Vật lộn với Lý thuyết”, teen cứ thử biểu diễn các công thức bằng tranh ảnh sẽ thấy chúng bớt khô khan hơn nhiều. Mở cuốn vở ghi ra thấy sơ đồ tư duy dễ hiểu, hình minh họa đáng yêu, chỉ nhìn thôi chúng mình đã có động lực học Vật Lí ngay và luôn í chứ.
Sang Lương (TP.HCM) khi mượn vở Lí của em trai để kiểm tra việc học tập đã phải "ố á" vì cách trình bày cực sáng tạo. Ví dụ như định luật Newton được bạn í minh họa bằng hình vẽ Newton và trái táo nè, tiết học Lí đúng dịp Giáng sinh thì vở ghi sẽ có hình ông già Noel, tuần lộc cho đúng chuẩn "mùa nào thức ấy"...
"Mình thấy vẽ sơ đồ tư duy hay tranh minh họa cho vở ghi là một cách rất thú vị giúp ghi nhớ bài vở. Tất nhiên bạn cần phải khéo tay một chút nếu không muốn mất nhiều công sức và thời gian. Nhưng đảm bảo càng làm sẽ càng bị lôi cuốn hơn, như mình ban đầu chỉ vẽ sơ đồ tư duy cho các môn tự nhiên, bây giờ lại áp dụng cả cho cả soạn Văn và ghi Sử luôn đó!" - Phương Nguyên (Hà Nội) hào hứng kể.
"Vật Lí không phải môn học yêu thích của mình, nhưng nếu có cuốn vở ghi tô vẽ xinh xắn thế này, không học Lí chăm chỉ thì thật là có lỗi" - bạn Vũ Minh (TP.HCM) chia sẻ.
Mix công thức Lý với một muỗng "meme"
Không ít teen thà làm hai tờ đề Toán dài ngoằng hoặc viết liền tù tì mấy bài Văn còn hơn phải ngồi quay cuồng bên đống công thức Lí. Chỉ cần nhầm lẫn những khái niệm như điện dung, điện trường, hay quên mất tiêu ký hiệu của đơn vị này là in hoa hay viết thường... là coi như "cả bầu trời rơi nghiêng trôi theo màu nước mắt"!
"A = q . E . d" = "Anh quên em đi"
"U = A/q" = "Ừ anh quên"
"U = E . d" = "Ừ em đi"
Nguyên một câu chuyện tình lâm ly được biến hóa từ những công thức khô khan và dễ lẫn. Tương tự vẫn còn rất nhiều biến tấu công thức hài hước khác được teen sáng tạo cho mau thuộc và không dễ quên.
"Nội dung nhiều khi hơi “xàm xí” nhưng không sao, quan trọng là vui vui và dễ nhớ. Kiểu như: "Phi = S.N.B.Cos(n,B)" là “phi sang Nhật Bản cùng nhỏ bạn”, "aht = v^2/r" dịch là "anh hớt tóc vui vẻ trên rừng"" - bạn Trần Hoài (Nam Định) bật mí.
Học Lí trong khi “chế” đồ chơi
Phương pháp này được biết tới nhờ sự sáng tạo và tìm tòi trong cách giảng dạy của thầy giáo Vật Lý Trần Văn Hải - trường THPT Phú Hòa (huyện Củ Chi, TP.HCM). Với quan điểm "các bạn teen đã phải học thuộc lòng Văn, Sử, Địa rồi, đến Vật lý cũng bắt học thuộc lòng thì làm khó học trò quá", thầy Hải nghĩ ra cách dạy học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế để làm đồ chơi.
“Tiết học tư duy sáng tạo” - chế tạo mô hình đồ chơi yêu thích bằng cách vận dụng những kiến thức vật lý từ đó ra đời và được teen Phú Hòa ủng hộ nhiệt tình luôn nhé! Các bạn í sẽ được tự đăng ký món đồ chơi mình thích, sau đó bắt tay vào thiết kế, tìm nguyên liệu, chế tạo, thử nghiệm và ghi hình lại toàn bộ quá trình. Sau một tuần, bước vào tiết Vật lý thì lớp học đã trở thành một cửa hàng đồ chơi với vô số máy bay, xe đua, bóng rổ, bóng bàn... bày khắp phòng học.
Tất nhiên "học ra học, chơi ra chơi", để sáng tạo ra được cả một gian hàng đồ chơi như lớp của thầy Hải, chúng mình phải chăm chỉ và hiểu sâu kiến thức. Đâu thể vận dụng lý thuyết khi chúng mình còn lơ mơ, "gà mờ" chẳng biết công thức đó áp dụng để làm gì đúng không nào!