Tự làm khó

Tự làm khó
TP - Điều chờ đợi lớn nhất của người lao động sau một năm làm việc là thưởng Tết. Song không phải người lao động nào cũng có được giây phút hân hoan khi nhận tiền thưởng cuối năm.

Lao động trong các doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa và nhỏ thuộc các ngành như da giày, may mặc…có mức thưởng phổ biến là một tháng lương thu nhập (tháng lương 13), trong khi mức lương của họ rất thấp. Nhiều khi, mức thưởng tính bằng trăm nghìn đồng. Mức thưởng ấy quá khiêm tốn so với công sức họ bỏ ra và so với nhu cầu chi tiêu.

Người lao động luôn phải đắn đo tiêu gì, sắm gì với đồng tiền ít ỏi ấy. Họ cũng luôn đắn do đến đâu để chi tiêu. Địa điểm những công nhân nghèo lui tới mua sắm không phải trung tâm thương mại hay siêu thị, mà thường là những chợ cóc ngay trước cổng khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy nơi họ làm việc.

Mặc dù trực tiếp làm ra những sản phẩm tốt và tốt nhất cho xã hội, nhưng họ luôn phải tìm cho mình những sản phẩm khiêm nhường cả về chất lượng, mẫu mã lẫn giá cả. Một đôi giày, dép, chiếc áo, quần, thỏi son… có giá dăm, ba chục nghìn là những món hàng phổ biến được công nhân lựa chọn. Đến những khu chợ cóc hay khu nhà trọ công nhân mới cảm nhận hết sự cám cảnh của lao động nghèo.

Nhìn vào tiền thưởng cũng dễ dàng nhận ra sự tương phản, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm lao động ngày càng rõ nét. Điều đó là bình thường trong xã hội. Nhưng sẽ không bình thường khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, lợi nhuận ngày một nhiều nhưng lương thưởng của đa phần người lao động rất thấp; nói cách khác, người lao động không được hưởng thành quả lao động tương xứng.

Và, cũng sẽ không bình thường khi trong cùng một doanh nghiệp nhưng chỉ một nhóm người lao động có lương thưởng rất cao, trong khi đa phần người lao động còn lại lương thưởng rất hạn chế. Không ít doanh nghiệp có mức chênh lệch thưởng giữa các nhóm lao động lên đến hàng trăm lần.

Những bất hợp lý này sẽ dẫn đến hệ quả xấu, đó là tình trạng đình công hay người công nhân phải rời bỏ nhà máy xí nghiệp. Các doanh nghiệp thường phải lựa chọn cách tăng ca, kíp nhưng vẫn không kịp đáp ứng các đơn hàng đã ký đang đến gần ngày giao hàng. Điều đó cũng có nghĩa uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Khan hiếm lao động là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong những năm gần đây.

Không chỉ thiếu vào lúc cao điểm mà còn thiếu ngay khi thấp điểm. Nhiều công nhân không trở lại làm việc sau Tết. Nguyên nhân sâu xa được nhìn nhận do chính doanh nghiệp gây nên. Khi không quan tâm đúng mức đến thu nhập, cuộc sống người lao động, doanh nghiệp không chỉ tự làm khó mình mà còn làm khó cho sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG