Làm quen với dạy học online
COVID-19 rồi đến bão lũ, để kịp chương trình học, hình thức dạy online được nhà trường phổ biến cho thầy và trò. Chuyển sang cách dạy mới, thầy cô phải tốn thời gian nghiên cứu, thiết kế bài giảng sao cho phù hợp để có tiết học hiệu quả. Hơn thế, việc dạy và học dưới hình thức trực tuyến còn bị gián đoạn bởi điều kiện bên ngoài khiến cả thầy lẫn trò lao đao.
Cô Ngọc Hà - giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tâm sự: “Dạy online mặc dù đảm bảo tiến độ nhưng cũng có nhiều bất lợi. Khi cô trò làm việc qua một phần mềm thì sự tương tác sẽ không phong phú. Nói qua màn hình đôi khi khiến cô cảm giác như nói một mình, bản thân người dạy cũng cảm thấy chán. Nhất là khi chữa bài tập thì rất hạn chế, mọi người không thoải mái đóng góp ý kiến. Người người nhà nhà đều dùng Internet thì chất lượng đường truyền cũng không được đảm bảo, gián đoạn bài học. Quan điểm của cô là vẫn thích dạy trực tiếp hơn. Khi đó người dạy dễ truyền lửa cho sinh viên hơn, chất lượng kiến thức được đảm bảo.”
Những thầy cô xắn quần dọn dẹp bùn sau lũ
Hình ảnh sân Trường Mầm non - Tiểu học - Trung học Cơ sở Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngập sâu trong bùn do sạt lở núi đã khiến cộng đồng mạng cực kỳ quan tâm. Các em học sinh trong trường hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả đều là con em người dân tộc Vân Kiều, có em phải leo núi, đi bộ mất 2 tiếng mới đến được trường học. Thầy cô ở đây không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn cố gắng chăm lo từng bữa ăn để các em không bỏ học. Nhiều khi thầy cô còn nhường phần cơm của mình, miễn là các em no bụng, chịu ở lại trường.
Khi lũ rút, chưa kịp ổn định cuộc sống của bản thân, các thầy cô đã đến trường dọn dẹp bùn đất, đi đến từng thôn bản để động viên học trò quay trở lại trường học. Tiếp đến là công tác dọn dẹp trường sạch sẽ, lau chùi bàn ghế, khử khuẩn lớp học, kêu gọi ủng hộ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh vì những thứ đó đã bị lũ cuốn trôi…
Tâm thư của người thầy vùng lũ
Còn nhớ cuối tháng 10 vừa qua, tâm thư thầy giáo gửi đến học sinh vùng rốn lũ Quảng Bình nhân ngày trở lại trường khiến nhiều người xúc động.
Trong bức thư, thầy Hà Văn Quý - Hiệu trưởng trường THPT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dặn dò học trò trong ngày đầu đi học trở lại không nhất thiết phải mặc đồng phục, áo có ố vàng thì cũng đừng tự ti miễn là đủ ấm, cũng không nhất thiết đi dép quai hậu, miễn chân các em không bị gai đâm, nếu vì xe hỏng thì đến trễ chút cũng được miễn các em an toàn.
"Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi. Và nhớ đừng chê cười nếu như crush của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được “mốt”…".
Những lời thư gần gũi, đầy sự thấu hiểu, yêu thương nhưng sao xúc động đến thế. Từng nhắn nhủ của thầy như chạm đến trái tim của mỗi người đọc. Bất chợt kỉ niệm về người thầy, người cô năm xưa ùa về.
Thầy cô cùng chung sức hỗ trợ nạn nhân bão lũ miền Trung
Hết dịch rồi đến bão lũ, thầy cô miền Trung sẵn sàng đứng ra kêu gọi quyên góp rồi cùng xắn tay áo gói bánh gửi về cho vùng lũ. Cô Phạm Thị Thu Hà - hiện đang công tác tại trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã kêu gọi quyên góp từ anh chị em đồng nghiệp, hàng xóm.
“Đợt bão lũ trước, mọi người không ai bảo ai, cả khu phố Khánh An 2, Đà Nẵng cùng tụ lại để gói bánh chưng gửi đến bà con vùng lũ. Thành quả là hơn 300 chiếc bánh. Nhiều gia đình trong khu phố cũng đã góp công, góp của và quần áo cũ để kịp chuyển đi. Thật ấm lòng!” - cô Hà chia sẻ.
Cảm ơn thầy cô đã quên mình, luôn nghĩ về học trò trước nhất. Cảm ơn cô thầy vì luôn vượt lên hoàn cảnh để mang đến những điều kiện học tập tốt nhất cho chúng em. Cảm ơn thầy cô vì luôn thấu hiểu và thương yêu để không học trò nào vì khó khăn mà bị bỏ lại, để trường học luôn là ngôi nhà thứ hai ấm áp, thắp lên hy vọng và niềm lạc quan, tin tưởng về tương lai.