Tự mình đưa ra quyết định - kỹ năng tưởng không dễ mà dễ không tưởng!

HHT - Khi chúng ta càng trưởng thành thì càng có nhiều quyết định mà chúng ta phải tự mình đưa ra mỗi ngày, thay vì chờ bố mẹ cầm tay chỉ việc. Nhưng chính “quyền được đưa ra quyết định” này đôi khi lại trở thành một… gánh nặng. Bởi, nếu bạn giống như hầu hết những người khác cùng độ tuổi, thì trong phần lớn các trường hợp cần quyết đoán, thì bạn lại khá là lúng túng.

Mỗi ngày chúng ta đều đưa ra vô vàn quyết định

Đúng vậy, đưa ra quyết định là một kỹ năng cần được học và tập luyện hẳn hoi! Vì vậy, bạn nên đọc hết bài viết này, bởi nó sẽ giúp bạn biết cách đưa ra những quyết định (dù khó khăn) một cách dễ dàng hơn.

Không cần nói đến những quyết định lớn, mà những quyết định đơn giản nhất, phải đưa ra gần như là mỗi ngày, thì lại dễ gây căng thẳng nhất. Đối với tôi, và có thể cả với bạn nữa, thì đó là những quyết định như: “Hôm nay mặc đồ gì?”, “Sáng nay ăn gì?”, “Tối nay ăn gì?”.

Tự mình đưa ra quyết định - kỹ năng tưởng không dễ mà dễ không tưởng! ảnh 1

Khi tôi đi học đại học xa nhà, không thiếu những buổi trưa, tôi ngồi bần thần nhìn vào điện thoại, kéo màn hình lia lịa để tìm “bữa ăn hoàn hảo” cho mình. Và loáng một cái, tôi đã tốn nửa giờ đồng hồ, trong khi vẫn đói và chưa có thức ăn!

Nỗi sợ có lựa chọn tốt hơn

Bạn nghe có quen không? Hội chứng này gọi là “FOBO” đấy! Nó có nghĩa là “Fear of Better Options”, tức là “Sợ rằng còn có những lựa chọn tốt hơn”. Đó là một vấn đề đặc biệt hay có ở tuổi mới lớn hoặc ở những người mới sống xa bố mẹ - khi tâm lý thay đổi và không chắc chắn về quá nhiều điều!

Còn các nhà nghiên cứu thì thích gọi hiện tượng này là “tối đa hóa”, hay “tột độ hóa”. Đó là cách mà chúng ta cứ cố xem xét tất cả các tùy chọn có thể, vì sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ mất tùy chọn “tốt nhất”. Giống như khi bạn mở một ứng dụng mua sắm online, tìm món đồ mình cần, và rồi bạn ngồi xem rất, rất nhiều món đồ đó ở các shop khác nhau, và cả những món đồ tương tự nữa, bởi vì bạn sợ rằng sẽ có thứ gì đó tốt hơn, hoặc shop nào đó bán rẻ hơn… Và nếu bỏ lỡ thì sau này mình sẽ vừa tiếc, vừa hối hận, vừa bớt vui!

Tự mình đưa ra quyết định - kỹ năng tưởng không dễ mà dễ không tưởng! ảnh 2

 Vấn đề của việc “tối đa hóa” là thế này: Khi bạn cố gắng “tối đa hóa” quyết định của mình, thì đúng là bạn thường sẽ đưa ra được quyết định tốt hơn, nhưng bạn lại ÍT hài lòng hơn với những quyết định đó - nếu so với những người đưa ra những quyết định nhanh, do xem xét ít hơn (gọi là những người dễ hài lòng).

Với lại, mục tiêu của việc “tối đa hóa” là… bất khả thi, bởi bạn sẽ chẳng bao giờ có thể xem xét được hết tất cả các tùy chọn trước khi đưa ra quyết định.

Chấp nhận quyết định tốt nhất có thể!

Vậy, làm sao để chúng ta chấm dứt cái vòng luẩn quẩn này? Giải pháp rơi vào khoảng giữa mức “tối đa hóa” và mức “quá dễ dãi”. Ở mức đó, người ta gọi là MFD, tức là “Mostly Fine Decision” - “quyết định gần như ổn”. MFD là kết quả tối thiểu mà bạn sẵn sàng chấp nhận đối với một quyết định. Nó là kết quả mà bạn thấy “cũng được”, dù không hẳn là lựa chọn tốt nhất.

Ví dụ, bạn là tôi, ngồi trong phòng ký túc xá, xem đủ thứ món ăn trên điện thoại trong suốt 30 phút. Để không bị rơi vào vòng luẩn quẩn tốn thời gian của tâm lý “tối đa hóa”, thì tôi cần nghĩ xem mình sẽ chấp nhận được những điều gì ở quyết định chọn thức ăn: Làm sao để mình hết đói, không phải tiêu quá nhiều tiền, và đó là món mà mình không ghét! Với các điều kiện đó, giờ tôi đã có một giới hạn cụ thể cho quyết định của mình. Ngay khi tôi chọn được một món đáp ứng đủ những điều kiện đó, thì đó là MFD rồi!

Tự mình đưa ra quyết định - kỹ năng tưởng không dễ mà dễ không tưởng! ảnh 3

Bạn có thể áp dụng cách này với hầu như tất cả các quyết định khác. Rồi bạn sẽ thấy, đây là một kỹ năng cực kỳ cần thiết và có ích khi bạn trưởng thành.

À, nhân tiện, hôm đó tôi đã đặt món sushi, và tôi thấy hài lòng!

Tự mình đưa ra quyết định - kỹ năng tưởng không dễ mà dễ không tưởng! ảnh 4
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm