Từ vụ kiện “Thần Đồng Đất Việt”: Những điều teen cần biết để “đánh dấu chủ quyền”

Từ vụ kiện “Thần Đồng Đất Việt”: Những điều teen cần biết để “đánh dấu chủ quyền”
HHT - Fan của bộ truyện tranh“Thần đồng đất Việt” hẳn đều biết vụ kiện 12 năm giữa công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh thời gian qua. Tuy phần thắng đã nghiêng về Lê Linh, nhưng không phải bao giờ công lý cũng thuộc về tác giả.

Câu chuyện bản quyền “kết thúc có hậu” hiếm hoi

Giữa bối cảnh các tác phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm ưu thế, thành công của Thần đồng đất Việt “made in Việt Nam” từ đầu những năm 2000 cứ như một “phép màu”.

Nhưng đằng sau bộ truyện gần gũi, dí dỏm, gắn liền với tuổi thơ cả một thế hệ đó là một vụ kiện kéo dài 12 năm. Khoảng cuối năm ngoái, bộ tranh với nét vẽ “cộp mác” Thần đồng đất Việt do họa sĩ Lê Linh phác họa, tái hiện lại toàn bộ sự việc tranh chấp quyền sở hữu bộ truyện này đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng mạng.

Từ vụ kiện “Thần Đồng Đất Việt”: Những điều teen cần biết để “đánh dấu chủ quyền” ảnh 1

Cụ thể, trong vụ kiện, nguyên đơn là họa sĩ Lê Phong Linh, tác giả của bộ truyện từ tập 1 đến tập 78, phát hiện bị đơn là công ty Phan Thị và giám đốc Phan Thị Mỹ Hạnh đã sử dụng những hình tượng nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong truyện (mà theo nguyên đơn là chính mình đã sáng tạo ra) để làm tiếp từ tập 79 trở đi, phát hành và thu lợi nhuận. Mâu thuẫn xảy ra khi phía bị đơn cho rằng bị đơn cũng là tác giả, nên được toàn quyền quyết định, còn họa sĩ Lê Linh muốn được Tòa án công nhận là tác giả duy nhất đối với hình tượng nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo.

Sau 12 năm kiên trì với vụ kiện, sáng 18/2, Tòa án nhân dân Q.1 TP.HCM cuối cùng đã đưa ra phán quyết công nhận họa sĩ Lê Phong Linh là tác giả duy nhất của bốn hình tượng nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện Thần đồng đất Việt. Kết quả này đã nhận được sự ủng hộ từ cư dân mạng.

“Cuộc chiến chất xám” đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu

Mấu chốt của vụ kiện là: Họa sĩ Lê Linh đòi quyền tác giả duy nhất đối với bốn hình tượng nhân vật chính (Tí, Sửu, Dần, Mẹo), còn công ty Phan Thị (công ty cũ của họa sĩ Lê Linh) thì khẳng định mình cũng là tác giả của bộ truyện nên được dùng lại bốn hình tượng nhân vật để sản xuất và phát hành tiếp.

Theo Khoản 7, Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ 2009, việc làm tác phẩm phái sinh mà không xin phép tác giả có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trên thực tế, nhiều bạn độc giả tinh ý đã nhận ra nét vẽ và nội dung từ tập 79 trở đi của bộ truyện đã có phần dễ dãi.

Từ vụ kiện “Thần Đồng Đất Việt”: Những điều teen cần biết để “đánh dấu chủ quyền” ảnh 2

Phía bị đơn khẳng định mình cũng là tác giả vì bà Mỹ Hạnh cho rằng mình có công góp ý cho bốn hình tượng nhân vật. Tuy nhiên, theo Điều 1, Nghị định 76/1996 (luật được áp dụng tại thời điểm xảy ra tranh chấp giữa hai bên) nêu rõ: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Nếu chỉ góp ý, hỗ trợ trong quá trình sáng tác vẫn không được công nhận là tác giả.

Trên thế giới cũng đã có nhiều trường hợp tranh chấp giữa tác giả và chủ sở hữu. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, ngay từ lúc bạn cho tác phẩm ra đời. Còn chủ sở hữu là người cung cấp các điều kiện, cơ sở vật chất... để tác phẩm được ra đời, được phát hành..., căn cứ Điều 37, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam lẫn đa số các nước trên thế giới đều quy định, người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hiển nhiên được công nhận là tác giả, và quyền tác giả được phát sinh ngay khi tác phẩm được sáng tạo ra dưới hình thức vật chất, không phân biệt đã đăng ký hay chưa đăng ký (Khoản 1, Điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ 2009). Tuy nhiên, câu “đăng ký bản quyền cho chắc ăn” được nghe khá nhiều trong thời đại hiện nay vì việc đánh cắp chất xám xảy ra như cơm bữa.

Tháng 8/2016, Instagram (công ty con của Facebook) đã ra mắt tính năng Story, ngày nay được teen vô cùng yêu thích. Thật ra đằng sau nó là cuộc chiến giữa Facebook và Snapchat. Sau khi thương lượng mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD (gần 70.000 tỷ VNĐ) không thành công, Facebook đã quyết tâm “đè bẹp” đối thủ bằng cách ăn cắp luôn tính năng Story vốn là “con cưng” của Snapchat, và khiến ứng dụng này giảm lượng người dùng thảm hại (theo Recode - một trang web tin tức của Mỹ), trong khi đó, số lượng người dùng Instagram tăng 100 triệu người sau mỗi 9 tháng.

Từ vụ kiện “Thần Đồng Đất Việt”: Những điều teen cần biết để “đánh dấu chủ quyền” ảnh 3

Các vụ tranh chấp không chỉ xảy ra giữa các ông lớn. Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, không còn quá khó để teen tự mình làm một “nhà xuất bản online” cho chính các tác phẩm sáng tạo của mình, như trên Instagram, Pinterest, hay trên các diễn đàn cho team nghệ thuật. Tuy vậy, mạng xã hội cũng chính là con dao hai lưỡi tiếp tay cho việc đánh cắp chất xám, mà chính những công ty “tai to mặt lớn” cũng ngang nhiên làm thủ phạm.

Nhiều hãng thời trang đình đám bị tố ăn cắp mẫu thiết kế của các nghệ sĩ tự do, nhưng do tài chính quá mạnh nên các nghệ sĩ đã không thể đòi lại công bằng cho chính mình. Hãng thời trang đình đám Zara vào năm 2016 đã từng bị kiện vì ăn cắp mẫu thiết kế mà nữ họa sĩ Tuesday Bassen đăng tải trên Instagram cá nhân, và cô bức xúc: “Ngay cả việc thuê luật sư để có lá thư chia sẻ trên báo chí cũng tốn mất 2000 USD. Thật vô lý và chán ngán khi phải trả toàn bộ số tiền mà tôi có chỉ để bảo vệ cái theo đúng luật thuộc về tôi”.

“Cái gì của mình sẽ là của mình” - nhưng cẩn thận vẫn hơn

Có câu: không có cái gì mới hoàn toàn, mà chỉ biến từ dạng này sang dạng khác. Đó cũng là lý do có các hiện tượng “ý tưởng lớn gặp nhau”.

Vậy nên, dù quyền tác giả phát sinh ngay từ khi tác phẩm ra đời và không cần đăng ký, việc tác giả có hành động tự bảo vệ là cần thiết. Việc đăng ký bản quyền đã “cứu” nhiều tác giả khỏi tình huống phải chịu ấm ức. Hãng thời trang Gucci từng kiện hãng Forever 21 năm 2017, yêu cầu hãng thời trang bình dân này ngừng sản xuất sản phẩm có sử dụng biểu tượng ba sọc mà Gucci đã đăng ký bản quyền trước đó.

Từ vụ kiện “Thần Đồng Đất Việt”: Những điều teen cần biết để “đánh dấu chủ quyền” ảnh 4

Ngay lập tức, Forever 21 đã đề đơn khiếu nại ngược lại với nội dung khẳng định: Đây chỉ là những màu sắc cơ bản mà bất kì thương hiệu nào cũng có thể sử dụng và không hề liên quan đến nét đặc trưng lâu năm của nhà mốt Italy Gucci. Tuy nhiên, tòa án đã phủ nhận hoàn toàn lập luận này vì Gucci đã có đăng ký bản quyền.

Ngoài ra, trong trường hợp bạn là tác giả và làm việc với một công ty chủ sở hữu như trường hợp của chú Lê Linh và công ty Phan Thị, luật sư Phạm Đại Lợi (luật sư bảo vệ hoạ sĩ Lê Linh) chia sẻ với bạn đọc báo Hoa Học Trò, nếu thấy mình không rành về luật, hãy nhờ một luật sư tư vấn về việc làm hợp đồng cho mình khi ký kết hợp đồng với công ty.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm