Mỗi thí sinh chỉ cần đăng ký 1 bộ hồ sơ cho nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT, một thí sinh có nhiều nguyện vọng chỉ cần làm một bộ hồ sơ, nộp đăng ký tại một nơi, thống nhất một kiểu mẫu, cơ bản ổn định như các năm trước. Tuy nhiên, các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm rõ được các quy định về thời gian và phương thức.
Việc mỗi thí sinh chỉ cần nộp một bộ hồ sơ cho nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học giúp các sĩ tử không phải tốn, công sức, thời gian, tiết kiệm kinh phí đi lại. Quy định này cũng nhằm hạn chế việc gây ra xáo trộn trong quá trình xét tuyển khi thí sinh liên tiếp nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng…
Trên cơ sở quy định 5 bài thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH), Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện quy chế tuyển sinh trong đó có việc quy định các tổ hợp xét tuyển đáp ứng yêu cầu của các ngành đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh muốn xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp.
Về lịch thi tốt nghiệp THPT, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, chậm nhất là giữa tháng 5 tới, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa để học sinh, giáo viên yên tâm có định hướng ôn tập.
5 phương thức tuyển sinh của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM
Theo thông báo mới đây của ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhà trường dự kiến tuyển sinh năm học 2020 - 2021 theo 5 phương thức:
- Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
- Ưu tiên xét tuyển theo quy chế của ĐH Quốc gia TP.HCM.
- Xét tuyển điểm của Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP. HCM tổ chức.
- Xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
- Xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi quốc tế như SAT, ACT…
Riêng phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhà trường sẽ thông báo khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức. Chỉ tiêu từng phương thức sẽ được công bố cụ thể sau.
Đề thi Đại học không được ra vào phần kiến thức đã tinh giản
Trao đổi với báo chí, PGS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đã quy định nội dung chương trình được tinh giản, cụ thể là nội dung được ghi chú "không dạy", "không làm", "không thực hiện", “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc" và sẽ không kiểm tra đánh giá, không đưa vào đề thi. Do vậy, bất kể kỳ thi nào dành cho đối tượng học sinh THPT, từ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi riêng của các trường ĐH đều phải thực hiện nghiêm quy định đó.
Thông tin này đã “gỡ đá tảng” cho không ít teen 12 đang hoang mang, lo lắng không biết các trường ĐH nếu tuyển sinh riêng sẽ ra đề như thế nào, có “động chạm” đến phần kiến thức đã tinh giản hay không.