Tuyển sinh ngành Chip - Vi mạch bán dẫn: Đầu vào 'nóng', đầu ra có 'lạnh'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước những thông tin dự báo được đưa ra, nhiều trường đại học (ĐH) năm nay đã đón đầu nhu cầu nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới bằng cách mở ngành đào tạo để tuyển sinh. Nhưng giữa mong muốn và điều kiện đào tạo vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cho biết đơn vị đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.

Trong giai đoạn 2023-2030, ĐH Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch với chỉ tiêu 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Mùa tuyển sinh năm 2024, ĐH Quốc gia TPHCM đi đầu trong việc mở ngành đào tạo lĩnh vực Vi mạch bán dẫn với 3 đơn vị là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ Thông tin. ĐH Đà Nẵng có các đơn vị tuyển sinh ngành này gồm: Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật.

Các cơ sở giáo dục ĐH khác cũng tuyển sinh ngành Vi mạch - Bán dẫn như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp).

Khát nhân lực

Tuyển sinh ngành Chip - Vi mạch bán dẫn: Đầu vào 'nóng', đầu ra có 'lạnh'? ảnh 1

Sinh viên làm quen với vi mạch Ảnh: CMC

Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2023, từ khóa Chip - Vi mạch bán dẫn bắt đầu nóng với hàng loạt con số dự báo nhu cầu nhân lực được đưa ra.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện tại, khối trường ĐH kĩ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã sẵn sàng đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực Bán dẫn - Vi mạch.

Trong đó, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về Hóa học, Vật lí, Vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có Kĩ thuật điện tử, Điện tử-Viễn thông cùng các ngành gần với ngành này bao gồm Kĩ thuật điện, Điều khiển và Tự động hóa, Cơ điện tử…

Theo bà Thủy, ngoài việc mở trực tiếp ngành Vi mạch bán dẫn, rất nhiều trường ĐH ở Việt Nam đang đào tạo những ngành rất gần với ngành này. Sinh viên theo học có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo vài tháng hoặc 1 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

“Cơn sốt” ngành Vi mạch bán dẫn khiến nhiều ý kiến lo ngại, thời gian tới, các trường có thể ồ ạt mở ngành học này mà lơ là chất lượng đào tạo. Nếu không có định hướng, kiểm soát đầu vào sẽ dẫn đến đào tạo không sát nhu cầu thị trường, hoặc không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về nguồn nhân lực chất lượng cao mà ngành đang cần.

Việt Nam xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Đây là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ thiết kế, chế tạo đến đóng gói, kiểm thử.

Trước băn khoăn này, bà Thủy chia sẻ ngành Vi mạch bán dẫn, hay các ngành gần với ngành này đều đang “khát” nhân lực và phục vụ cho chính quá trình chuyển đổi số của đất nước, nên sẽ không lo dư thừa.

Còn việc đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đang hoạt động ở lĩnh vực bán dẫn là bài toán đặt ra với các trường ĐH, từ việc nâng cao chất lượng đầu vào, đến chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra.

GS.TS Nguyễn Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ và Khoa học Hà Nội cho hay bài học về đề án phát triển điện hạt nhân trước đây đang đặt ra những băn khoăn khi Việt Nam triển khai đào tạo nhân lực ngành Chíp - Vi mạch bán dẫn.

Tuy nhiên, khi xây dựng chương trình đào tạo ngành này, Trường ĐH Công nghệ và Khoa học Hà Nội phải trả lời được câu hỏi của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (đơn vị chủ quản của trường) là nếu có những thay đổi (như điện hạt nhân trước đây) thì những sinh viên được trường đào tạo ra sẽ làm gì, làm việc ở đâu.

Bà Thanh khẳng định với chương trình hiện nay, sinh viên tốt nghiệp những ngành này không chỉ làm việc trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mà hoàn toàn có thể làm việc ở các doanh nghiệp khác liên quan đến công nghệ.

MỚI - NÓNG