“U là trời” về mặt ý nghĩa thì chính là cụm từ "Úi trời" ("Úi trời" -> "Uis trời" -> "U is trời" -> U là trời) và được Gen Z sử dụng để bày tỏ cảm xúc của bản thân, mang cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Chứng kiến một chuyện bất ngờ, gặp một “chiếc visual” quá đỉnh khi lướt TikTok, bỗng dưng được "hít drama" trên Facebook hoặc ngay cả khi chán nản, “cạn lời” trước một điều gì đó thì giới trẻ đều có thể thốt lên: "U là trời" để bộc lộ cảm xúc.
Và mới đây, cụm thừ này còn được Gen Z vận dụng để ghi nhớ công thức Vật Lý. Cụ thể, đó là công thức tính công của dòng điện chạy qua một đoạn mạch A = U.q = U.I.t (J).
Khi sử dụng công thức này, các bạn học sinh cần biết: Công của dòng điện là công của lực điện thực hiện khi làm di chuyển các điện tích tự do trong đoạn mạch. Công này chính là điện năng mà đoạn mạch tiêu thụ và được tính bởi: A = U.q = U.I.t (J). Trong đó, U là hiệu điện thế (V), I là cường độ dòng điện (A); q là điện lượng (C); t là thời gian (s).
Và để cho dễ nhớ các bạn học sinh đã nhanh trí dịch luôn U.I.t là "U là trời". Đúng là tưởng không hợp lý mà lại vô cùng thuyết phục.
Tuy nhiên, một số bạn cũng lưu ý chữ I ở giữa là chữ "i" (cường độ dòng điện) chứ không phải chứ "L". Vì thế, nếu áp dụng cách này để nhớ công thức thì cũng cần cẩn trọng tránh nhầm lẫn.
Đây cũng không phải lần đầu tiên các bạn học sinh có cách ghi nhớ công thức bá đạo như thế này. Trước đó cũng có rất nhiều từ hot trend được vận dụng để ghi nhớ công thức. Điển hình phải kể đến từ "Crush" được dùng để ghi nhớ các nguyên tố Hóa học. Hay như các công thức Vật lý sau đây: "Q = m.c.Dt" là "qua cầu mới tới" hay "Phi = S.N.B.Cos (n,B)" là "phi sang Nhật Bản cùng nhỏ bạn", "A=q.E.d" là "Anh quên em đi"…
Đúng là học sinh hiện nay không chỉ thông minh mà còn vô cùng sáng tạo. Chính vì vậy, nhiều dân mạng tỏ ra tiếc nuối "tại sao ngày xưa mình không phát hiện ra cách ghi nhớ này sớm hơn?". Như vậy có phải việc học trở nên dễ dàng hơn một chút rồi không?