Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (11/4) cho biết, Đức sẽ cung cấp 4 hệ thống phòng không IRIS-T, 15 xe tăng Leopard 1A5, 300 máy bay trinh sát không người lái và 100.000 viên đạn cho Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới.
Theo ông, Đức có kế hoạch gửi thêm các hệ thống IRIS-T, đồng thời xác nhận việc chuyển giao thêm 1.100 radar giám sát mặt đất trong những năm tới.
Sự hỗ trợ của Đức cũng bao gồm 120 hệ thống phòng không vác vai MANPADS, 25 xe chiến đấu bộ binh Marder, 14 khẩu pháo và 30 tên lửa phòng không Patriot.
Thông báo được Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đưa ra bên lề cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (còn gọi là nhóm Ramstein), tổ chức tại Brussels (Bỉ) ngày 11/4, dưới sự chủ trì của Anh và Đức.
Đức là một trong những nhà tài trợ quân sự hàng đầu của Ukraine tại châu Âu. Ngày 19/3, Bộ Tài chính Đức xác nhận sẽ phân bổ thêm 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) cho Ukraine ngoài 4 tỷ euro (4,36 tỷ USD) đã được dành cho năm 2025.
Tháng 9/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức đã đặt mua 22 hệ thống phòng không IRIS-T từ Diehl Defense, 5 trong số đó dành cho Bundeswehr (quân đội Đức) và 17 hệ thống dành cho Ukraine (trong đó bao gồm 8 hệ thống tầm trung (SLM) và 9 hệ thống tầm ngắn (SLS)).
IRIS-T được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái.
Bệ phóng có thể dựa trên khung gầm bánh lốp (MAN 8×8) hoặc bánh xích (xe địa hình BvS10) và mang theo bốn hoặc tám thùng chứa tên lửa để phóng thẳng đứng.
IRIS-T có hai chế độ bắn: Khoá trước khi phóng và khóa sau khi phóng, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Phiên bản SLM cho phép bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 40 km, còn với phiên bản SLS ngắn hơn, khoảng 25 km.