Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Rồng là linh vật duy nhất trong 12 con giáp, xuất hiện từ trí tưởng tượng của người xưa, biểu tượng cho sức mạnh, phát triển, sung túc. Do đó, năm 2024 - linh vật quyền lực gõ cửa, bà con thủ phủ cà phê háo hức, ước cầu mọi sự hanh thông, vụ mùa bội thu…

Nông sản thăng hoa

Những ngày này, đi khắp Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước, ta dễ dàng cảm nhận được mùa xuân đang về. Từ phố thị cho đến tận vùng quê và ngay trước cổng nhà dân, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới.

Những băng rôn “Chúc mừng năm mới”, “Mừng Đảng, Mừng Xuân”…, được treo trang trọng trước các cổng chào. Khắp đường tràn ngập sắc hoa, tiếng nhạc xuân rộn ràng. Người người nô nức đi chợ mua sắm, chuẩn bị cho một cái Tết truyền thống ấm cúng, sum vầy bên gia đình.

Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê ảnh 1

Bảng hiệu "Chúc mừng năm mới" 2024 xuất hiện trên cổng chào

Năm 2023 vừa qua, đối với người nông dân Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, được xem là một năm thành công khi giá nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, thậm chí lập kỷ lục.

Đầu tiên phải kể đến sầu riêng - loại quả được ví “Vua trái cây” đã mang về doanh thu tỷ đô cho trái cây Việt Nam. Năm 2023, sầu riêng có giá cao chưa từng có (thời điểm trên 90 nghìn đồng/kg). Tiếp đến là cà phê - loại cây đưa Đắk Lắk vang danh khắp cả nước và thế giới cũng lập kỷ lục về giá trong vòng 30 năm trở lại đây, khiến nông dân phấn chấn.

Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê ảnh 2

Giá sầu riêng cao ngất ngưởng trong năm 2023

Một thắng lợi tiếp theo trong ngành nông sản Đắk Lắk chính là hồ tiêu. Dù mới đầu vụ nhưng giá của “vàng đen” được niêm yết ở mức 70-80 nghìn đồng/kg, tạo tín hiệu lạc quan, báo hiệu một vụ mùa bội thu sau nhiều năm ảm đạm vì trượt giá không phanh.

Ước vọng nông sản ‘bay theo’ năm rồng

Ông Trần Quang Tá (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) - chủ vườn sầu riêng rộng 2ha chia sẻ, năm qua gia đình thu được hơn 40 tấn sầu riêng. Bán với mức giá từ 80-85 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng, đem đến cuộc sống ấm no. Để giữ được thương hiệu, mức giá sầu riêng, ông Tá mong muốn sợi dây liên kết giữa người nông dân, thương lái, đơn vị xuất khẩu… thêm bền chặt.

Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê ảnh 3

Giá hồ tiêu quay đầu tăng sau nhiều năm trượt dốc

Cũng mừng vì năm qua, giá nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, ông Y Hẽn Niê (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) hồ hởi cho biết, đang tất bật chuẩn bị đón Tết. Hòa chung không khí của ngày xuân, gia đình ông Y Hẽn cũng gói bánh chưng, mua bánh kẹo và tậu vài chậu hoa cảnh về chơi Tết.

Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê ảnh 4

Ông Y Hẽn Niê, vui mừng vì giá nông sản tăng cao

Nhà ông Y Hẽn có hơn 1,2 ha cà phê xen canh hồ tiêu và sầu riêng. Năm 2023, ông rất vui vì cà phê, sầu riêng đều tăng giá cao, giúp gia đình ông có một cái Tết vui vẻ. Sau Tết, gia đình ông sẽ bắt tay thu hoạch hồ tiêu. Dẫu quả còn ở trên cây song ông cũng phấn khởi khi khảo sát giá thấy hồ tiêu được mua trên 70 nghìn đồng/kg.

Năm mới, ông Y Hẽn mong ước, giá các loại nông sản như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng… tiếp tục ở mức cao. Gia đình ông sẽ mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác hiện đại vừa tăng năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường…

Tranh thủ tưới nước cho những cây mai vàng đang khoe sắc trước hiên nhà, anh Phan Ngọc Tuấn (thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến) tâm sự, gia đình đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón một cái Tết ấm áp bên gia đình.

Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê ảnh 5

Anh Phan Ngọc Tuấn mong muốn năm tới mùa màng bội thu

Theo anh Tuấn, năm nay giá cà phê, hồ tiêu tăng cao khiến bản thân và nông dân xung quanh rất phấn khởi. Năm 2024 - năm linh vật rồng gõ cửa, anh Tuấn mong cầu sức khỏe, may mắn và bình an. Đặc biệt, anh mong mọi khó khăn của năm cũ sẽ qua đi, công việc làm ăn hanh thông, giá cả nông sản tăng và ổn định.

Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê ảnh 6

Người người đi sắm Tết

Ông Y Wem Hwing - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, sắc xuân 2024 đã về với địa phương. Bà con khắp các thôn, buôn đã nô nức sắm Tết, không khí tưng bừng hơn mọi năm.

Huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với hơn 28.000 ha, sản lượng hằng năm hơn 800.000 tấn. Ngoài cà phê, hồ tiêu, sầu riêng của địa phương cũng mang về nguồn thu nhập cao cho bà con.

Ước vọng ‘năm rồng’ của nông dân thủ phủ cà phê ảnh 7

Mang Tết về nhà

“Tôi gắn bó với cây cà phê từ năm lớp 6 nên chứng kiến mọi thăng trầm của loại cây này. Năm mới đến, tôi và bà con trên địa bàn rất mong cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác tiếp tục được giá, được mùa để có cuộc sống ấm no, sang năm lại đón Tết to hơn”, ông Y Wem Hwing - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar.

MỚI - NÓNG
Người dân KĐT Thanh Hà phải lấy nước từ xe stec trong đợt khủng hoảng nước sạch năm 2023
Mở giếng khoan, bổ sung nước ngầm mùa nắng nóng
TP - Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giấy phép nâng cấp công suất khai thác nước dưới đất cho bãi giếng Mai Dịch. Cùng với nguồn nước ngầm dự phòng sẽ cung cấp thêm cho thành phố khoảng 100.000m3/ngđ để phục vụ người dân cao điểm nắng nóng năm nay.