V-League nghỉ vì đội tuyển trẻ: Nên hay không?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh lịch thi đấu V-League mùa này bị ngắt quãng nhường chỗ cho đội tuyển trẻ. Nó sẽ còn tiếp tục trong tương lai và tất cả nên sớm tìm ra giải pháp.

Mùa giải V-League 2023/24 đánh dấu bước ngoặt của bóng đá Việt Nam khi chuyển sang mô hình châu Âu, với thời gian kéo dài gần 9 tháng và vắt qua hai năm dương lịch. Trong Hội thảo công tác chuẩn bị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia mùa giải 2023/24 được Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức mới đây, thời gian dự kiến từ ngày 20/10/2023 đến 6/7/2024. Giải sẽ có 7 quãng nghỉ, 5 dành cho FIFA Days và 2 cho các giải quốc tế (Asian Cup 2024, VCK U23 châu Á).

V-League nghỉ vì đội tuyển trẻ: Nên hay không? ảnh 1

Cầu thủ CAHN đá giao hữu với U23 Việt Nam trong dịp FIFA Days. Ảnh: Anh Tú

Việc giải đấu tạm dừng vì FIFA Days và Asian Cup 2024 đương nhiên là bắt buộc, song có nên ưu tiên VCK U23 châu Á khiến nhiều người câu hỏi. Ở mùa giải hiện tại, tranh cãi đã nổi lên khi V-League liên tục bị ngắt quãng nhường chỗ cho U20 tham dự VCK U20 châu Á và U22 tranh tài ở SEA Games 32. Một số CLB ủng hộ, coi đây là cơ hội để tái thiết đội hình. Với số khác, lý do phản đối được đưa ra liên quan tới sự suy giảm phong độ, tinh thần và thể lực cầu thủ.

V-League 2023 có 3 quãng nghỉ nhường chỗ cho VCK U20 châu Á, SEA Games 32 và FIFA Days. Tổng thời gian lên đến 90 ngày, tương đương 3 tháng, chiếm 66% trong tổng thời gian tính từ ngày khai mạc (ngày 3/2/2023) đến nay (135 ngày).

Trên thực tế, phần lớn các cầu thủ trẻ tham dự VCK U20, U23 châu Á hoặc SEA Games chưa xác lập chỗ đứng ở CLB. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng dừng giải đấu là không cần thiết. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngay cả khi cầu thủ trẻ không thường xuyên đá chính ở đội một, liệu CLB có sẵn sàng nhả cầu thủ cho đội tuyển nếu V-League vẫn diễn ra? Và trong trường hợp phải ở lại CLB, đó có phải quyết định tốt cho cầu thủ khi họ bỏ lỡ cơ hội cọ xát quốc tế, cải thiện bản thân?

Lưu ý rằng công tác đào tạo trẻ không đồng đều ở các CLB. Ví dụ trước mùa này, CLB Hải Phòng tiếp tục xin cấp phép ngoại lệ để dự giải bởi không đáp ứng tiêu chí phát triển bóng đá trẻ. Trong tình trạng chung, các cầu thủ trẻ cũng ít khi được đặt niềm tin và các giải trẻ quốc tế giúp họ trở nên tốt hơn. Tất cả đã thấy Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường, Vũ Tiến Long, Nguyễn Văn Tùng hay Nguyễn Quốc Việt trưởng thành rất nhiều từ các giải quốc tế, trước khi chuyển lên đội một CLB.

Điều tương tự cũng xảy ra với lứa U23 Thường Châu 2018. Đó là giải đấu tạo nên cơn sốt bóng đá hiếm thấy ở Việt Nam, tạo ra những người hùng sau này đóng vai trò trụ cột ở CLB. Những trái ngọt liên tiếp gặt hái ở ĐTQG những năm qua cũng dựa phần nhiều vào thế hệ ấy, sự hưng phấn ấy. Và để có được thành công, V-League 2018 phải lùi ngày khai mạc sang tận tháng 3, rồi tiếp tục nghỉ nhường chỗ cho ASIAD, kỳ Đại hội Olympic Việt Nam vào đến bán kết. Thời điểm đó, câu hỏi “tại sao lại nghỉ” gần như không được đặt ra.

Trong một nền bóng đá, giải vô địch quốc gia là căn bản. Dĩ nhiên nó phải được coi trọng và đảm bảo tính liên tục. Nhưng ở Việt Nam với nhiều đặc thù, đồng thời ĐTQG vẫn chưa thể cạnh tranh tầm châu lục, đội trẻ cũng nên được quan tâm.

Chỉ có điều chúng ta nên xác định giải nào được ưu tiên, đồng thời lên lịch trình hợp lý để V-League không bị ngắt quãng quá lâu. Bên cạnh đó, các phương án sử dụng cầu thủ trẻ từ độ tuổi từ 16-20 tuổi tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nên được chốt sớm và đề cao tính thực tế, tránh rơi vào tình trạng đối phó. Khi mọi thứ diễn ra đồng bộ, bóng đá Việt Nam mới thực sự chuyên nghiệp và tự tin hướng đến mục tiêu cao.

MỚI - NÓNG