Văn nghệ sỹ trong 'mùa' mất điện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà văn ngừng viết, ngừng đọc. Hoạ sỹ ngừng vẽ vì thiếu ánh sáng… Nhưng còn một thứ đáng sợ hơn cái nóng của mùa hè, mà cứ khi mất điện người ta phải đối mặt, đó là tiếng ồn.

Tác giả “Bến không chồng” đã ngoài 70 tuổi, ông tâm sự: “Với những người già như tôi, tiếng ồn từ động cơ máy nổ còn kinh khủng hơn cả cái nóng. Cứ mất điện nhà trên, nhà dưới, nhà bên cạnh đua nhau chạy máy nổ rầm rầm”.

Thở không xong, sức đâu mà viết!

Nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam, đang sống ở Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Nhắc đến sự cố mất điện, ông trút nỗi lòng: “Mấy hôm nay thì không mất điện. Nhưng mấy tuần trước mất liên tục. Một ngày mất từ sáng đến tối, có khi mất cả đêm luôn. Có hôm “tha” cho được chút buổi tối thì 21 giờ cắt cho đến sáng. Có hôm cả tối không cắt thì 1-2 giờ sáng cắt. Nếu đêm không cắt thì ngày cắt. Cắt một mạch từ 8 giờ sáng tới tận 5 giờ chiều”.

Gia đình nhà văn phải xoay xở để chống đỡ cái nóng: “Nhà tôi may còn được tầng 1 tương đối mát. Chúng tôi phải trải chiếu xuống mặt bể nước ở tầng 1, rồi mở cửa trước, mở cửa sau cho thông thoáng”, ông chia sẻ.

Văn nghệ sỹ trong 'mùa' mất điện ảnh 1

Nhà văn Dương Hướng: “Đêm mất điện thì mất ngủ cả đêm, sáng hôm sau phờ phạc”.

Tác giả “Bến không chồng” than rằng, từ ngày ông về Hạ Long sống đến nay, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng mất điện liên tục làm cuộc sống đảo điên thế này: “Tắt đột ngột, vô tội vạ. Cô không tưởng tượng được ngày chủ nhật, các nhà nghỉ ở đây ồn ào vì các đoàn khách du lịch đã vào ở nhưng khi thấy mất điện lại nhao nhao đòi về. Nhà nghỉ cũng đành phải thanh toán tiền cho khách, không thể giữ chân họ được”.

Ở thời điểm hay mất điện, việc thường làm nhất của nhà văn là ngó điện thoại để xem lịch cắt điện: “Cứ quên dòm lịch cắt điện là mệt ngay. Nếu biết bị cắt điện thì bà con, trong đó có nhà tôi, chuẩn bị nấu cơm từ sớm. Chẳng hạn, 9 giờ sáng mất điện thì ngay từ sáng sớm chúng tôi đã nấu luôn cơm trưa. Có hôm bà xã tôi bỏ cả lớp khiêu vũ về nhà để chuẩn bị cơm nước ứng phó với tình trạng mất điện. Còn tôi tới câu lạc bộ khiêu vũ sinh hoạt, mới nhảy vài điệu đã lại mất điện, đành giải tán, dù mua vé rồi”.

Mất điện khiến nhà văn thấy hoang mang, bất ổn: “Có hôm đang sinh hoạt bình thường, gần đến bữa ăn lại mất điện, đành ra quán cơm bụi, mua cơm bụi về ăn. Chán cơm bụi thì mua bún chả về nhà ăn mà phải đi xa, vì hàng ở gần nhà cũng đóng cửa vì mất điện. Đêm mất điện thì mất ngủ cả đêm, sáng hôm sau phờ phạc”.

Tôi hỏi nhà văn Dương Hướng: Vì sao ông không mua máy nổ để tự cứu mình? Câu hỏi này khiến tác giả “Bến không chồng” càng thêm chán nản: “Nhiều người đi mua máy nổ. Nhưng máy nổ cũng tra tấn kinh khủng, có khi còn hơn cả nóng. Cứ mất điện là xung quanh nổ rầm rầm, điếc cả tai. Đằng trước nổ, đằng sau nổ, bên cạnh nổ… Người già cả như tôi cứ nghe tiếng nổ là kinh hãi. Có những nhà khi đêm mất điện họ dùng máy nổ rồi ngủ quên luôn, cứ để máy nổ chạy đến sáng. Chỉ khổ hàng xóm”.

Tác giả “Bến không chồng” đang viết cuốn sách mới. Tôi hỏi, trong tình hình mất điện ông có viết được không? Ông đáp: “Mất điện thì ngồi thở còn không xong, cảm hứng đâu mà viết? Muốn viết thì máy tính cũng chẳng có điện”. Dương Hướng còn phàn nàn một loại tiếng ồn khác: “Dân thì ngoa. Cứ mất điện lại chửi um lên”.

Trở về thời 1988?

Một bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ trên trang cá nhân thu hút gần 1.500 lượt bày tỏ cảm xúc “thích”, “thả tim” và “rơi nước mắt”, cùng 94 lượt chia sẻ. Những ngày mất điện làm chị nhớ đến thời 1988, thời mà, mỗi khi có điện người ta “vỗ tay reo hò như đội Việt Nam tranh huy chương Vàng SEA Games…”. Người lớn khổ sở khi mất điện đã đành nhưng đối tượng đáng thương nhất là trẻ nhỏ. Nhiều người rơi nước mắt trước cảnh nhà văn nuôi con nhỏ trong căn hộ chật hẹp, đã vậy còn thường xuyên mất điện.

Xin trích một đoạn trong bài viết trên trang cá nhân của chị: “Mất điện, tôi thường bế con ra cửa, đứng ở hành lang nhỏ chung của 4 nhà. Tất cả ngưng đọng. Đến thở còn nghe thấy sự nặng nhọc. Và con khóc. Khóc ngằn ngặt vì nóng quá. Thằng bé hai tháng tuổi khi sinh là 3,3 kg sau 1 tháng được 4,8 kg nhưng sang tháng thứ 2, nóng và khóc nên chỉ tăng vài lạng”. Sau 35 năm, cảnh mất điện trở lại khiến nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ “thảng thốt không lý giải nổi”.

Nhiều đứa trẻ của hôm nay cũng chịu nỗi khổ như bao đứa trẻ thời 1988. Tôi sực nhớ đến cô con gái nhỏ bị bại não của diễn viên Đặng Minh Cúc. Là diễn viên nên Minh Cúc hay phải đi công tác xa. “Mùa” mất điện, cô thấp thỏm, lo lắng gọi điện về nhà vì không biết cô con gái nhỏ chịu đựng thế nào trước cái nóng hầm hập của mùa hè oi ả? Nhưng cô bất ngờ vì con gái không khóc khi mất điện mà còn cười vui vẻ, bởi quạt điện nhà cô vẫn chạy.

Hoá ra, bố Minh Cúc, ông ngoại của cô bé vì thương cháu nên đã nghĩ ra “chiêu” độc lạ: “Ông đấu điện xe máy vào quạt. Xe máy nổ liên tục, quạt chạy vù vù, để bà bón cháo cho cháu. Cháu nghe tiếng nổ xe máy lại không sợ mà cười khanh khách, cười không ngớt”.

Nhưng giải pháp kiếm nguồn điện bất đắc dĩ của bố Minh Cúc không xua được lo lắng trong cô. Mỗi khi xa nhà trong mùa hè, cô vẫn không an tâm: “Nóng nực thế này bà còn phải chăm cô nhóc, khổ cả bà lẫn cháu”, cô tâm sự.

Văn nghệ sỹ trong 'mùa' mất điện ảnh 2

Mất điện, người dân phải ra sân hóng mát giữa đêm. Ảnh: Viên Minh

Mùa nóng bị cắt điện thì diễn viên hài cũng khó có thể pha trò. Quang Tèo hiện có hai cơ ngơi, một căn hộ chung cư ở Mỹ Đình (Hà Nội) và một nhà vườn ở ngoại ô thành phố. Anh thường dùng nhà vườn làm nơi để tụ tập, tiếp đón anh em, bạn bè thân quý.

Sự cố mất điện xảy ra khiến Quang Tèo dở khóc, dở cười: “Hôm ấy, chúng tôi tổ chức ăn uống, đồ ăn đã chuẩn bị rồi nhưng đến lúc vào bữa lại mất điện. Nhà tôi còn mấy cái bóng đèn chạy năng lượng mặt trời nhưng vẫn không thể ngồi được vì nóng quá. Cuối cùng lại kéo nhau khoảng chục cây số đến nhà hàng có điện”.

Nhớ thời “sống nhờ đèn”

Mùa nóng mất điện, khiến Quang Tèo nhớ lại ngày xưa: “Đó là cái thời “sống nhờ đèn”. Hồi ấy làm gì có điện, thắp đèn dầu triền miên. Gia đình tôi sống trong ngôi nhà cổ 5 gian, khổ nhất là cuối giờ chiều, phải dọn dẹp, quét sân cho sạch, sau đó múc nước giếng dội sân cho hạ nhiệt để tối đến cả nhà còn ngồi ăn cơm”.

Nhà quay phim Trần Hùng trong “mùa” mất điện lại nhớ thời làm phim bao cấp: “Tôi hay đi theo NSND Phạm Văn Khoa làm phim sân khấu. Phải chờ đêm khuya không còn tiếng ồn, tiếng tàu điện leng keng thì mới bắt đầu công việc được. Đang quay có khi lại mất điện. Cả đoàn ra ngoài sân chờ đợi, mấy diễn viến cất giọng hát vài câu í ới cho khuây khoả. Còn đạo diễn Phạm Văn Khoa lại bắt đầu “phát” tiếu lâm”.

Không chỉ khi sự cố mất điện xảy ra gia đình anh mới có tinh thần tiết kiệm điện: “Ngày thường chúng tôi cũng tiết kiệm điện như một thói quen. Trước hết vì chính mình. Nguồn sống của cả nhà chỉ trông vào lương hưu và những suất diễn của tôi, nên không thể hoang phí. Mùa hè năm nay, khi tình trạng thiếu điện diễn ra căng thẳng, đến bể bơi tôi cũng không thay nước nữa, không sử dụng để bơi nữa, đỡ tốn nước, tốn điện. Nếu tháo hết nước thì đá bị nổ nên tôi vẫn cứ để nước trong bể, dùng nước đó tưới cây, tiết kiệm triệt để”.

Quang Tèo không than, không trách trước sự cố mất điện vừa qua. Anh kể: “Hôm đó, tôi đi quay phim ở Sa Pa, trên đường về tôi thấy con suối lộ đá chỏng chơ. Còn một con sông khác, bình thường nước lớn, mênh mang mà giờ chỉ như cái rãnh, cái mương. Thiên nhiên khắc nghiệt quá. Nắng cháy cả người, đất đai khô hạn. Vườn cây nhà tôi lá còn héo cả đi”.

Văn nghệ sỹ trong 'mùa' mất điện ảnh 3

Diễn viên Quang Tèo trong một cảnh phim

Nhà thơ dân tộc Tày Dương Thuấn đang sống ở Hà Nội thấm cảnh mất điện. Ông nhớ tới bản Hon (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn) nơi ông sinh ra và lớn lên: “Hồi ở quê cũng không có điện nhưng bản Hon của tôi mát lắm, không nóng và bí như ở thủ đô bây giờ”. Ông bày tỏ thái độ: “Người ta bảo thiếu điện phải biết thông cảm và chia sẻ nhưng tôi không thông cảm được đâu. Nóng thế này cơ mà!”.

Hoạ sỹ Đặng Tiến ở Hải Phòng, chưa phải “nếm” cảnh mất điện. Nhưng nếu sự cố xảy ra hoạ sỹ đang “ăn khách” cũng không lo vì đã chuẩn bị sẵn máy phát điện. Nhưng không phải hoạ sỹ nào cũng có điều kiện như Đặng Tiến.

Hoạ sỹ Từ Ninh ở Hà Nội kêu: “Nóng quá mà điện đóm phập phà phập phù”. Anh cũng làm quen với việc vẽ trong cái nóng song không thể vẽ trong điều kiện thiếu ánh sáng: “Từ sáng đến trưa tôi còn vẽ được nhưng đến chiều đành nghỉ, vì trong nhà tối quá”.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.