Áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn ở miền Trung nước ta, dẫn đến ngập lụt, thậm chí các thành phố lớn ở miền Bắc cũng có mưa kéo dài vài ngày. Ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), áp thấp này cũng khiến đường phố ngập nặng, dự báo còn mưa to đến thứ Sáu hoặc thứ Bảy, tùy khu vực.
Tại sao còn chưa phải là bão mà áp thấp nhiệt đới mới đây lại gây ảnh hưởng nhiều đến như vậy? Hóa ra, đây là sự thay đổi chung của các áp thấp nhiệt đới trong những năm gần đây, theo trang ABC News ở Úc.
Mưa to ngập đường ở Bangkok (Thái Lan) vào tối 26/9. Ảnh: Pete_K63 via Reuters. |
Theo đó, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature (Thiên nhiên) cho biết có mối liên hệ giữa tình trạng biến đổi khí hậu với mức độ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/ bão. Các nhà nghiên cứu ở Berkeley (California, Mỹ) đã phân tích cường độ của những cơn bão lớn dựa vào các mô phỏng trên máy tính và so sánh chúng trong điều kiện khí hậu hiện tại với điều kiện khí hậu của thời tiền công nghiệp (nhiệt độ thấp hơn bây giờ).
Họ thấy về tốc độ gió thì có rất ít khác biệt nhưng lượng mưa đi kèm với các áp thấp nhiệt đới hoặc bão ở hiện tại là cao hơn, theo nhà nghiên cứu Christina Patricola.
Tiến sĩ Patricola nói: “Cho đến nay, sự biến đổi khí hậu tạo ra lượng mưa (đi kèm các áp thấp/ bão) tăng 5 - 10% so với trước kia”.
Mà thực tế, chính ngập lụt do mưa lớn kéo dài - chứ không phải là gió to - mới là yếu tố gây thiệt hại nhiều nhất của các áp thấp nhiệt đới và bão, sau đó còn dễ dẫn tới những vấn đề khác như bệnh dịch.
Xe máy trong nước ngập ở Bangkok (Thái Lan) do áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Weather.com |
Một giáo sư ở Úc tên là Ritchie-Tyo tuy không tham gia vào nghiên cứu nói trên nhưng cũng có cùng nhận định: “Nhiệt độ càng cao (tức là Trái Đất càng ấm lên) thì trong khí quyển càng nhiều nước, nên khi mưa sẽ mưa nhiều hơn. Nhiệt độ trung bình cứ tăng một độ thì thường lượng hơi nước trong khí quyển sẽ tăng 7%”.
Nhưng biến đổi khí hậu không phải là lý do duy nhất khiến áp thấp nhiệt đới và bão gây mưa lớn kéo dài hơn, mà sự đô thị hóa cũng đóng góp đáng kể vào lượng mưa thế này.
Một số khu vực ở Houston (Mỹ) từng hứng lượng mưa hơn 1.300 mm do bão. Ảnh: Mark Mulligan/ Houston Chronicle. |
Theo nhà nghiên cứu Gabriele Villarini ở ĐH Iowa (Mỹ), sự “gồ ghề lởm chởm” của các thành phố lớn - do các tòa nhà và cơ sở hạ tầng - tạo lực cản với các áp thấp và bão, khiến chúng di chuyển chậm hơn, kết quả là chúng “gom” nhiều nước hơn. Từ đó, chúng đổ nhiều mưa xuống các thành phố hơn. Mà áp thấp di chuyển chậm thì cũng có nhiều thời gian hơn nên gây mưa kéo dài hơn.
“Khi bạn có một bề mặt gồ ghề, trong trường hợp này là các thành phố lớn, thì các khối không khí tiếp cận thành phố sẽ có xu hướng đi chậm lại. Do lực cản tăng nên độ hội tụ ở tầng thấp cũng tăng, là một “nguyên liệu” tạo ra mưa to” - giáo sư Villarini giải thích.
Các nhà nghiên cứu kết luận, có thể tin rằng áp thấp và bão bây giờ sẽ dễ gây mưa nhiều hơn và do đó, gây ngập lụt nặng nề hơn ở bất kỳ đâu trên thế giới.