Theo công văn này, Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi, coi thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2019 - 2020 tại địa phương, đơn vị.
Đồng thời, lập biên bản và báo cáo ngay khi có phát hiện sai phạm; báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra gửi trước ngày 10/1/2020 về Bộ GD&ĐT.
Theo kế hoạch, lịch thi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019-2020 tổ chức 3 buổi thi trong các ngày 27, 28, 29 tháng 12/2019.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020 tiếp tục tổ chức thi nói (độc thoại) đối với các môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học.
Trao đổi với PV sáng 12/12, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng) cho biết, việc thanh tra trước/trong hay sau kì thi là hoàn toàn bình thường.
“Theo kế hoạch nhiệm vụ, Bộ GD&ĐT tổ chức việc thanh tra thường niên như trên để đảm bảo kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Việc này năm nào Bộ cũng thực hiện trước khi tổ chức kì thi và hoàn toàn không có gì bất thường như mọi người nghĩ”, ông Trinh cho hay.
Trước đó, vào tháng 1/2019, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận về hàng loạt sai phạm trong kì thi học sinh giỏi quốc gia.
Theo kết luận này, nhiều vấn đề sai phạm trong kì thi được chỉ ra như: Việc ra đề thi, chấm thi, ban hành các văn bản liên quan đến cuộc thi chưa đúng.
Cụ thể, tại một số địa phương, người ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố.
Số lượng đề thi đề xuất của một số môn dùng cho thi Học sinh giỏi quốc gia khá ít nên dễ thiếu khách quan và có thể lộ đề.
Danh sách người ra đề đề xuất không ghi ngày, tháng ban hành; người ký không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức sao chụp, nhân bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật...
Giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng...
Trả lời PV thời điểm đó, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết, nhận thấy những bất cập này nên vài ba năm trở lại đây, kỳ thi đã được rút kinh nghiệm và hoàn thiện.
Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng cũng thừa nhận, trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế. Một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc hoặc băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi.
Link bài gốc: https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vi-sao-bo-gddt-thanh-tra-thi-chon-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-20191212100342754.htm