Vì sao cần ưu tiên phòng cúm cho giáo viên, nhân viên y tế?

0:00 / 0:00
0:00
Virus cúm có thể lây nhiễm trước khi có triệu chứng. Giáo viên, nhân viên y tế với công việc thường xuyên tiếp xúc trẻ nhỏ, người có bệnh nền, phụ nữ có thai cần ưu tiên tiêm ngừa cúm để tránh nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan.

Đến tiêm ngừa vaccine cúm tại VNVC Bình Thạnh (TP HCM), chị Hoàng Thanh Mai (35 tuổi) cho biết mình là giáo viên tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn. Chị Mai đến tiêm nhắc vaccine cúm để phòng ngừa và tránh lây cúm sang các bé tại trường.

Chị Mai chia sẻ khi đợt dịch cúm H1N1 diễn ra ở TP HCM vào đầu năm nay, chị cũng gặp tình trạng ho nhiều, đau họng, mệt mỏi, không đủ sức khỏe để đứng lớp nên xin nghỉ cả tuần. Lúc đó, trong lớp học, có một vài bé cũng có triệu chứng tương tự, phải nghỉ ốm.

“Đến khi nhiễm cúm mình mới bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh này và biết được khả năng lây nhiễm của căn bệnh này rất cao. Do môi trường làm việc phải bế trẻ và trông trẻ cả ngày nên năm nay mình chú ý tiêm nhắc vaccine cúm, một mặt để bảo vệ mình, mặt khác là phòng cho các bé”, chị Mai tâm sự.

Vì sao cần ưu tiên phòng cúm cho giáo viên, nhân viên y tế? ảnh 1

Tiêm ngừa cúm là biện pháp tránh lây nhiễm cúm ra cộng đồng. Ảnh: Thanh Thanh

Theo công bố trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2022, tỷ lệ mắc cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Các chủng virus cúm phổ biến nhất ở Việt Nam là cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp, thông qua các giọt nước bọt khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.

Cúm mùa thường ủ bệnh trong khoảng 2 ngày, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi… Những người mắc cúm thường dễ lây cho người khác trong khoảng 3-4 ngày đầu tiên khi bệnh bắt đầu. Trong một số trường hợp, cúm có thể lây nhiễm trước cả khi các triệu chứng xuất hiện. Đối với người khỏe mạnh, cúm có thể tự khỏi sau 4-7 ngày nhưng lại có nguy cơ gây nhiều biến chứng ở người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi và người mắc bệnh nền. Do đó, với môi trường đông người như trường học, bệnh viện…, cúm dễ dàng lây nhiễm và lan rộng trước cả khi người mắc bệnh đầu tiên xuất hiện triệu chứng bệnh.

Điển hình là các ổ cúm trái mùa ở trường học vào năm 2022, khi được phát hiện luôn ghi nhận được hàng chục, đến hàng trăm học sinh nhiễm bệnh. Cụ thể, tháng 10/2022, tỉnh Bắc Kạn ghi nhận hơn 700 học sinh phải nghỉ học do ốm, sốt. Trong đó 109 em phải nhập viện và 1 em đã tử vong do virus cúm B. Tháng 3/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM phát hiện ổ cúm A/H1N1 tại quận 10 khiến 20 học sinh tại một trường tiểu học phải nghỉ học do tình hình bệnh bất thường.

Dịch cúm còn len lỏi trong môi trường bệnh viện. Trước đó, vào năm 2018, Khoa Nội soi của Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) phát hiện 20 bệnh nhân và 8 nhân viên y tế có xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1.

Vì sao cần ưu tiên phòng cúm cho giáo viên, nhân viên y tế? ảnh 2

Môi trường giáo dục, tiếp xúc trẻ nhỏ dễ lây lan virus cúm, cần tiêm vaccine phòng bệnh. Nguồn: Gogreenva

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, tiêm ngừa cúm hàng năm được xem là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm cúm và các biến chứng. Vaccine cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc. Một mũi vaccine cúm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện, 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi và 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, 46% nguy cơ hen cấp và 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.

Cũng theo bác sĩ Chính, người trưởng thành khỏe mạnh chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất và nhắc lại mỗi năm để duy trì khả năng bảo vệ của vaccine. Khoảng 2 tuần sau tiêm vaccine, kháng thể mới được sản xuất đầy đủ trong cơ thể. Người dân có thể chủ động thời gian tiêm chủng để khả năng bảo vệ của vaccine được tốt nhất. Giáo viên, nhân viên y tế là những đối tượng cần tiêm ngừa cúm sớm để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm mùa bao gồm: phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, nhân viên y tế. Nhóm nhân viên y tế là một trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền virus cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị.

Hệ thống tiêm chủng VNVC với hơn 130 Trung tâm cung cấp hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm. VNVC hiện đang có vaccine cúm tứ giá thế hệ mới phòng ngừa 4 chủng virus cúm nguy hiểm đang lưu hành là 2 chủng cúm A (A/H1N1, A/H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Trong đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm… Tất cả vaccine đều được bảo quản an toàn, chất lượng cao trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP và hệ thống dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín, quy trình thực hành tiêm chủng an toàn nghiêm ngặt.

MỚI - NÓNG