Theo đơn thư bạn đọc:

Vì sao hơn 10 năm chưa xử lý dứt điểm vi phạm của doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi Báo Tiền Phong đăng bài “Để doanh nghiệp tự mua ruộng làm xưởng, huyện cấp phép vượt thẩm quyền”, Công ty TNHH Công nghiệp Huarong (Công ty Huarong, có vốn đầu tư của người Trung Quốc) có văn bản yêu cầu báo "gỡ ngay" bài viết. PV báo Tiền Phong nhiều lần liên hệ làm việc nhưng công ty này không hợp tác...
Vì sao hơn 10 năm chưa xử lý dứt điểm vi phạm của doanh nghiệp? ảnh 1

Công ty Huarong vướng nhiều sai phạm trong việc lập hồ sơ lâm sản; xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp.

Rút giấy phép, yêu cầu tháo dỡ nhà xưởng xây trên đất nông nghiệp

Cụ thể, sau khi Công ty Huarong phát văn bản yêu cầu "gỡ ngay bài viết" mà không nêu bài viết có nội dung nào không chính xác, PV Tiền Phong đã liên hệ làm việc với công ty này tại Bắc Giang nhưng bị trì hoãn. Sau đó, PV mời ông Võ Văn Thọ, được lãnh đạo công ty Huarong giới thiệu là đại diện cho công ty làm việc tại báo Tiền Phong. Ban đầu ông Thọ đồng ý nhưng lần lữa nhiều lần không hợp tác.

Để làm rõ những vấn đề liên quan, PV có cuộc làm việc với Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang và được biết, Công ty Huarong tự ý thỏa thuận, mua đất ruộng, vườn của người dân, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng thêm diện tích xây dựng nhà máy trái phép (như Tiền Phong đã nêu ở bài trước).

Ông Nguyễn Trung Lượng, Trưởng Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho hay, Công ty Huarong đã sử dụng diện tích 3.574m2 ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bắc Giang thuê đất. Đây là vi phạm pháp luật về đất đai từ khoảng năm 2012, nhưng đến nay (hơn 10 năm) chưa được xử lý dứt điểm.

Theo ông Lượng, hành vi trên của Công ty Huarong là chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan thẩm quyền đồng ý. Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan được UBND tỉnh Bắc Giang giao chủ trì xử lý vụ việc đã yêu cầu Công ty Huarong phá dỡ công trình, bóc toàn bộ đất san lấp, hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu trên diện tích đất vi phạm.

Vì sao hơn 10 năm chưa xử lý dứt điểm vi phạm của doanh nghiệp? ảnh 2

Công ty Huarong đã sử dụng diện tích 3.574m2 ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê đất.

Đối với tố cáo UBND huyện Yên Thế cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Huarong trái thẩm quyền (như Tiền Phong đã nêu), thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 25/8/2023, UBND huyện Yên Thế đã ra Quyết định số 3495/QĐ-UBND thu hồi Giấy phép xây dựng số 1546/GPXD của Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cấp cho Công ty Huarong vào ngày 19/10/1020.

Hiện tại, vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra các sai phạm nêu trên chưa được thực hiện.

Không ghi đúng số lượng khi thu mua lâm sản

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp thu mua, chế biến lâm sản phải lập hồ sơ lâm sản. Nhưng Công ty Huarong không lập hồ sơ lâm sản theo quy định mà vẫn thu mua lâm sản của người dân, chế biến để xuất khẩu.

Ông Từ Quốc Huy, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết, khi công dân có ý kiến, Chi Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế thành lập tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ lâm sản làm rõ nguồn gốc việc thu mua lâm sản của Công ty Huarong. Sau khi kiểm tra, ngày 23/8/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế đã lập biên bản số 04/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính 21 triệu đồng đối với Công ty Huarong. Theo biên bản, Công ty Huarong không chấp hành đầy đủ các quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, ghi chép không đầy đủ, không đúng thực tế số lượng vào sổ nhập xuất lâm sản theo quy định; không kê khai tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo quy định về hệ thống đảm bảo gỗ Việt Nam…

Vì sao hơn 10 năm chưa xử lý dứt điểm vi phạm của doanh nghiệp? ảnh 3

Biên bản xử phạt vi phạm hành chính về những vi phạm trong lập hồ sơ lâm sản đối với Công ty Huarong.

Làm việc với đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai, nơi Công ty Huarong mở tờ khai hải quan xuất khẩu viên nén gỗ được biết, doanh nghiệp phải kê khai hồ sơ lâm sản. Hải quan không kiểm tra hồ sơ lâm sản nhưng nếu có sai phạm, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm.

Như vậy, với việc bị Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế xử phạt vi phạm hành chính trong việc lập hồ sơ lâm sản nêu trên, hồ sơ xuất khẩu lâm sản của công ty Huarong tại cơ quan Hải quan đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường.

Hiện tại, người tố cáo vụ việc đã gửi đơn đến Công an tỉnh Bắc Giang, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Bắc Giang, Tổng cục Hải quan... đề nghị điều tra các dấu hiệu sai phạm nêu trên để ngăn ngừa, xử lý tội phạm nếu có, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

Kiểm lâm cho DN thu mua lâm sản "mượn" trụ sở?

Trong vụ việc này còn xảy ra việc Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế tự ý cho người nước ngoài, nhân viên của Công ty Huarong sử dụng Trạm Kiểm lâm, tại Bản Diễn, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế làm nơi ở, vi phạm quy định về sử dụng tài sản công.
Ông Từ Quốc Huy, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho rằng, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế không cho người của Công ty Huarong thuê, mà cho mượn (!?). "Hạt Kiểm lâm Yên Thế tự ý cho người của doanh nghiệp thuê hoặc mượn đều sai so với quy định của nhà nước. Chúng tôi sẽ có hình thức xử lý nghiêm cán bộ theo mức độ sai phạm”, ông Huy khẳng định.
MỚI - NÓNG