Vượt qua giới hạn của một chương trình truyền hình, Táo quân đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về. Thậm chí gia đình quay quần sau bữa cơm tất niên để chờ đón chương trình Táo quân đã trở thành một nếp sinh hoạt hàng năm của nhiều gia đình. Tận dụng sự quan tâm của cộng đồng dành cho Táo quân và nhu cầu xem lại của nhiều người, không ít kênh YouTube đã tìm cách “lách” luật để tải video lên, giật tít, câu view nhằm trục lợi bất chấp vấn đề liên quan đến bản quyền.
Các video tải nên có nội dung chính được căn chỉnh tỷ lệ màn hình, bóp tiếng, chèn thêm hình nền, hiệu ứng để “đánh lừa” YouTube.
Cho tới thời điểm hiện tại, Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị sở hữu bản quyền chương trình Táo quân 2018, chưa đăng tải bản đầy đủ chương trình này lên YouTube. Tuy nhiên, thực hiện tìm kiếm từ khóa “Tao quan 2018” trên YouTube vẫn trả về tới trên dưới 25.000 kết quả trong vỏn vẹn ba ngày chương trình được phát sóng.
Đáng nói là không ít trong số này là các video vi phạm bản quyền của đơn vị sở hữu nội dung với mục đích trục lợi, tận dụng sức quan tâm của người xem, kiếm tiền từ quảng cáo hiển thị. Nhiều video đăng lên được “bóp” tiếng hoặc phát kèm các hình nền khác, chèn các hiệu ứng hình ảnh trong khung video để “đánh lừa” chức năng phát hiện vi phạm bản quyền tự động của YouTube.
Thậm chí có nhiều video còn “quảng cáo một đằng, nội dung một nẻo” khi tiêu đề video có nhắn đến Táo quân nhưng nội dung video thì lại về một chương trình nào đó không hề có sự liên quan.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên vấn đề vi phạm bản quyền video trên YouTube được nhắc đến. YouTube cũng từng nhiều lần cam kết bảo vệ các nhà sáng tạo nội dung về vấn đề bản quyền, re-up. Tuy nhiên, với các cách thức “lách luật” ngày càng đa dạng, có vẻ như kênh video lớn nhất hành tinh vẫn đang phải “bó tay” trước thách thức giải quyết triệt để vấn nạn này.
Nguồn: Saostar.vn