Việc bạn hiểu biết bao nhiêu cũng không quá quan trọng…

Việc bạn hiểu biết bao nhiêu cũng không quá quan trọng…
HHT - Có hiểu biết là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là bạn chọn làm gì với những điều mình biết.

Có ai đó chỉ ra rằng, chỉ có một chút kiến thức là rất nguy hiểm, nhưng dù sao, như thế cũng còn hơn là chỉ nhìn bằng ánh mắt trống rỗng khi nói chuyện với người khác. Như thế cũng được, vì tôi nghĩ tôi cũng chỉ có một chút kiến thức như hầu hết mọi người.

Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng không phải là ở chỗ chúng ta có bao nhiêu kiến thức. Không phải lúc nào vấn đề cũng là ở chỗ chúng ta biết gì, chúng ta không biết gì, và chúng ta nghĩ mình biết gì. Mà quan trọng hơn là việc chúng ta chọn làm gì với bất kỳ chút kiến thức nào mà mình có thể có.

Bình luận viên nổi tiếng ở MỹPaul Harvey từng có lần kể câu chuyện về gia đình một vị cựu Tổng thống. Con gái của vị Tổng thống này có bài tập về nhà và cần được bố mẹ giúp đỡ. Hôm đó đã là thứ Sáu và bài tập là viết luận về Cuộc cách mạng Công nghiệp, phải nộp vào sáng sớm thứ Hai. Cả cô bé và mẹ đều không hiểu lắm về câu hỏi trong bài, nên mới nhờ một vị trợ lý của Tổng thống tìm hiểu thêm thông tin.

Bình luận viên Paul Harvey.

Chiều Chủ Nhật, một chiếc xe tải đến, chở đầy những tập giấy in dày đặc chữ. Hóa ra, vị trợ lý đã giao việc cho vài người khác, và có người tin rằng chính Tổng thống cần thông tin gấp, nên báo cho Bộ Lao động, và họ phải cử một đội ngũ chuyên viên làm việc suốt cuối tuần nhằm chuẩn bị tất cả số tài liệu đó.

Đệ nhất Phu nhân, khi biết công cuộc "nghiên cứu" nói trên đã làm tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, tiền bạc, thì rất hoảng hốt. Nhưng dù sao cũng đã có thông tin, nên cô con gái bà đã sử dụng số tài liệu đó để viết bài luận nộp cho nhà trường.

Với bài luận hôm ấy, cô bé được điểm C.

Tôi thấy câu chuyện này giống như một truyện ngụ ngôn. Cả bạn và tôi mỗi ngày đều có hàng "xe tải" thông tin. Gần đây, tôi đọc thấy rằng ở thế kỷ thứ 10, thì một người nông dân ở châu Âu cả đời cũng chỉ tiếp nhận lượng thông tin khoảng bằng với thông tin được xuất bản trong một tờ Thời báo New York thường nhật ngày nay. Chúng ta đang ở một thời đại tràn ngập thông tin và có lẽ chúng ta biết nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây.

Thời báo New York – một tờ nhật báo nổi tiếng với rất nhiều thông tin.

Nhưng cuối cùng, vấn đề không phải ở chỗ chúng ta có thể có bao nhiêu hiểu biết. Mà việc chúng ta chọn cách làm gì với những điều mình biết mới có thể tạo nên ý nghĩa.

Cuộc sống của chính tôi cũng có thể được cải thiện đáng kể nếu tôi tận dụng những gì mình đã biết và áp dụng nó. Ví dụ, tôi biết cách tha thứ, nhưng tôi thường chờ rất lâu mới tha thứ. Tôi biết cách thương yêu, biết khi nào thì cần kiên nhẫn và biết tại sao tôi nên chia sẻ một cách rộng rãi, hào phóng. Tôi cũng biết rằng nếu tôi làm những điều này càng thường xuyên, thì tôi sẽ tự tạo được một điều khác biệt to lớn trong cuộc sống của mình và của những người mà tôi quan tâm. Nhưng thường thì tôi hay trì hoãn và do dự khi làm những việc đó.

Trong hầu hết thời gian, tôi thậm chí còn biết làm thế nào để hạnh phúc. Tôi nghĩ bạn cũng biết như vậy. Và tôi biết rằng, nếu tôi tập thói quen làm những việc giúp mình hạnh phúc hơn và có cuộc sống trọn vẹn hơn, thì mọi điều đều sẽ tốt hơn nhiều.

Hầu hết chúng ta đều biết cách để hạnh phúc, nhưng chúng ta đã bắt tay vào làm theo những gì mình biết chưa?

Một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn không đến từ việc hiểu biết nhiều hơn người khác. Và chúng ta cũng không phải luôn cần tìm những cuốn sách mới nhất về hạnh phúc, hoặc gặp một chuyên gia tâm lý nổi tiếng để họ hướng dẫn mình. Đa số chúng ta đều đã biết phần lớn những gì mình cần làm để trở thành con người tốt nhất mình có thể, và để đến được nơi mình muốn đến. Nhưng đây mới là chiếc chìa khóa: phải áp dụng liên tục những gì mình biết, mỗi ngày. Hay nói cách khác, hãy bắt tay vào việc đã.

Bạn đang biết đủ. Hãy áp dụng những gì bạn biết ngay từ hôm nay và mọi thứ có thể thực sự rất khác biệt vào ngày mai.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.