Việc đuổi học có khiến teen ngừng lập group nói xấu thầy cô?

Việc đuổi học có khiến teen ngừng lập group nói xấu thầy cô?
HHT - Tám học sinh lớp 10A5 trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hoá) đã bị đuổi học, thầy Hiệu trưởng cho biết những học sinh này đã “dùng mạng XH xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường”.

Tuy trường này đã thu hồi quyết định đuổi học nhưng chuyện nhà trường áp hình phạt nặng cho việc học sinh chỉ trích thầy cô trên mạng vẫn đang khiến cộng đồng tranh luận sôi nổi.

Đọc nội dung chat trên điện thoại học sinh, cô giáo có lỗi không?

Sự việc bắt đầu vào ngày 1/10, một bạn nữ trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) đã sử dụng điện thoại trong lớp và bị giáo viên bộ môn tịch thu. Sau đó, điện thoại được đưa về cho cô Đ.T.B - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A5.

Do điện thoại không khoá, cô B. phát hiện trên màn hình điện thoại có nhóm chat tên “Động cô B.”. Theo cô B., trong nhóm chat này có nội dung nói xấu, xúc phạm giáo viên nên cô đã báo lên nhà trường và tiến hành xử phạt các học sinh trên.

Việc đuổi học có khiến teen ngừng lập group nói xấu thầy cô? ảnh 1

Thầy Võ Phước Long - giảng viên khoa Luật Đại học Kinh Tế TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Chưa biết học sinh đã có những lời xúc phạm như thế nào đối với các giáo viên nhưng hành động cô B. xem tin nhắn mà chưa có sự cho phép của học sinh sở hữu điện thoại như vậy là xâm phạm đến quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín”.

Bạn Thảo Vy (trường Phổ thông Năng Khiếu, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thấy việc sử dụng điện thoại trong giờ học như thế hoàn toàn là lỗi của học sinh. Thế nhưng ở trường Năng Khiếu mình học, khi bị tịch thu điện thoại, thủ tục đầu tiên luôn luôn phải tắt nguồn điện thoại, lấy giấy với băng keo niêm phong và ký tên lên mép dán. Mọi thủ tục đều được thực hiện trước mặt mọi người nên không bao giờ có vấn đề vi phạm quyền riêng tư của ai cả. Không thể chỉ trách học sinh đã vi phạm hay giáo viên đã vô ý, phải trách luôn quy trình xử lí chưa được thấu đáo”.

Thực tế, nội dung cô B. xem được là những gì các bạn học sinh trao đổi trong một nhóm kín. Ở độ tuổi teen, khi gặp khúc mắc với những người xung quanh, không phải bạn nào cũng đủ bình tĩnh và chín chắn để chia sẻ thẳng thắn, giải quyết thấu đáo. Nhiều bạn chọn cách xả ra với bạn bè vì dễ được đồng cảm hơn cả. Sử dụng từ ngữ không đúng mực khi nói về thầy cô là không đúng, nhưng thầy cô cũng nên xem xét hoàn cảnh tâm lý lứa tuổi và nơi chia sẻ là giữa nhóm bạn riêng tư chỉ như một hình thức giải tỏa cảm xúc.

Việc đuổi học có khiến teen ngừng lập group nói xấu thầy cô? ảnh 2

Thầy cô: Hình phạt nặng nề không cần thiết

Thầy Nguyễn Lê Quang Vinh (Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) nêu quan điểm về cách xử lý của trường THPT Nguyễn Trãi: “Thầy không đồng tình với hình thức kỷ luật đuổi học. Việc đuổi học chẳng khác nào đẩy các bạn học sinh ra xa, trong khi vấn đề là cần thu ngắn khoảng cách với học sinh để có phương án giải quyết tốt nhất. Thầy cũng từng giải quyết một trường hợp tương tự cách đây vài năm trước nhưng rất may trường hợp cũng không nghiêm trọng như câu chuyện trên. Cách giải quyết của nhà trường là mời các bạn học sinh và thầy cô trong cuộc để hòa giải. Cũng nhờ buổi hòa giải, mọi người mới phát hiện nhiều khúc mắc và bản chất sự việc. Để hạn chế sự việc xảy ra, nhà trường cũng có nhiều biện pháp như tổ chức các buổi sinh hoạt tìm hiểu tâm tư học sinh. Tùy từng trường hợp, nhà trường sẽ thảo luận để đưa ra phương án thích hợp”.

Thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt (Hiệu trưởng hệ thống trường Việt Mỹ, TP.HCM) thì cho rằng, câu chuyện học sinh nói xấu thầy cô thì thời nào cũng có. “Nếu hồi đó việc này chỉ xảy ra trong quy mô nhỏ của nhóm thì thời nay mạng xã hội phát triển, học sinh có thể chia sẻ trên quy mô rộng và không lường trước được sự phát tán của nó. Về hành động của 8 bạn học sinh trong sự việc này, thầy không đồng tình. Việc xúc phạm bất kì ai một cách công khai có thể khiến học sinh bị kiện tụng dân sự. Tuy nhiên, đây vẫn là hình phạt quá nặng đối với học sinh vì đuổi học chẳng khác nào đẩy các bạn vào tình thế không lối thoát.” - Thầy Đạt chia sẻ.

Mục đích của giáo dục không chỉ là “dạy chữ” mà còn là “dạy làm người”. Kỉ luật là cần thiết nhưng kỷ luật cũng chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu giáo dục. Theo thầy Võ Phước Long, đuổi học không phải là “thượng sách” mà là “hạ sách” cuối cùng, chỉ có thể làm học sinh muốn phá vỡ nguyên tắc hơn nữa.

Việc đuổi học có khiến teen ngừng lập group nói xấu thầy cô? ảnh 3

Thay vì đuổi học, sao cô trò không ngồi xuống cùng nhau?

Trước tiên phải nói rằng việc giữa thầy cô và học sinh có khoảng cách, có sự hiểu lầm là điều hoàn toàn bình thường. Muốn thu hẹp khoảng cách và xóa bỏ hiểu lầm, không có cách nào khác là thầy trò phải có cơ hội trò chuyện cởi mở, được lắng nghe và được bày tỏ ý kiến.

Bạn Thảo Vy bày tỏ quan điểm: “Mình thật sự mong muốn thầy cô cởi mở hơn một chút, có thể thẳng thắn trao đổi với nhau để cùng thay đổi. Hành xử không đúng thì nên được giải thích rõ và cho cơ hội làm lại chứ không phải chì chiết nhau để rồi mối quan hệ giữa giáo viên - học trò trở nên tệ hơn. Trong khi đó, đây phải là mối quan  hệ quan trọng thứ hai sau gia đình (đối với teen)”.

Mặt khác, đối với teen, việc lập hội nhóm nói xấu thầy cô cũng không giúp giải quyết tận gốc bức xúc mà chỉ làm vấn đề trở nên nặng nề, trầm trọng hơn. Bởi sự thật khi truyền tai nhiều người thì dễ “tam sao thất bản”, chuyện bé xé thành chuyện to. Những lời thì thầm tưởng chừng vô hại một ngày có thể trở thành những lời đao kiếm làm tổn thương thầy cô.

Bạn Nguyễn Ngọc Nam Phương (trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) dẫn chứng câu chuyện này chính là một trong những lý do mà dù trường có phòng tư vấn tâm lí cho học sinh, nhưng không có bạn nào đủ dũng cảm để tìm đến. “Chúng mình sợ khi nói ra những bức xúc với thầy cô nhà trường có khi còn bị “bới móc” lỗi sai và bị “mắng” thêm! Thay vì trách phạt nặng nề, tại sao nhà trường không lắng nghe học sinh một cách cởi mở hơn. Lắng nghe chúng em đang thật sự cần, thật sự muốn, thật sự buồn điều gì để rồi điều chỉnh phương pháp giáo dục cho phù hợp?”

Việc đuổi học có khiến teen ngừng lập group nói xấu thầy cô? ảnh 4

Vậy nên vấn đề cần giải quyết trong câu chuyện này không phải là hành vi học sinh nói xấy thầy cô hay thầy cô xâm phạm đến quyền riêng tư của học sinh, mà là đã đến lúc mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh cần được nhìn nhận lại. Thầy cô nên là một người đồng hành với học sinh của mình thay vì là những “bề trên” đáng sợ. Vì khi rào cản từ hai phía được xóa bỏ thì chẳng học sinh nào còn có nhu cầu lập group riêng để nói xấu thầy cô.

Theo Trích HHT 1284
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm