Mối hiểm nguy của việc che đậy cảm xúc
Khi “khóa chặt” cảm xúc của bản thân, một ngày nỗi nhức nhối trong lòng bạn sẽ “vỡ òa” và “tràn đê” gây ra hậu quả khôn lường! Như bạn Huy Nguyễn (lớp 12 Văn trường Phổ Thông Năng Khiếu, TP.HCM) chia sẻ: “Trong lớp tớ có nhiều bạn khó chịu việc một số bạn khác... ở dơ! Thế nhưng lại chẳng ai nói ra vì ngại. Tới một ngày, do bất đồng quan điểm về học tập mà một cuộc tranh cãi nảy lửa xảy ra. Nhưng mọi người không tập trung vào “vết nhức” đó mà lôi cả những bức bối về chuyện vệ sinh vốn không hề liên quan ra để chì chiết nhau! Nếu như mỗi lần buồn phiền mọi người cùng nói ra thì vấn đề đã không như “nấm” cắm rễ lâu ngày!”.
Trong một bài đăng vào tháng Mười vừa qua trên trang Why so serious, clip quan điểm từ một nhà diễn thuyết rằng: “Đàn ông thì cho ra đàn ông, đàn ông thì không được yếu đuối!” đã nhận về hơn 5 triệu lượt coi chỉ trong 4 ngày. Điều đáng chú ý là trong gần 100.000 lượt chia sẻ, ý kiến đồng tình chiếm phần đông. Điều này thể hiện quan niệm xã hội chung là đàn ông thì phải cứng rắn. Thế nhưng bạn có biết rằng theo tờ The Guardian, năm 2010, tại Mỹ đã có hơn 38.000 người tự tử và 80% trong số đó là đàn ông. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy phụ nữ nói muốn tự tử cao hơn đàn ông, nhưng tỉ lệ thì ngược lại. Đó là do phụ nữ vốn được mặc định là “phái yếu” nên “được phép” nói ra, và vấn đề của họ được giải quyết. Việc thể hiện cảm xúc giúp tiết ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine, làm nguội lạnh ức chế. Với tư tưởng “con trai không được khóc” thì chính sự giấu diếm tâm tư đã khiến nhiều nam giới bị dồn vào ngõ cụt.
Nếu bạn nghĩ việc che giấu cảm xúc chỉ ảnh hưởng tới vấn đề nội tâm thì bạn đã lầm to rồi! Trong quyển sách Journal of Personality and Social Psychology, tác giả Kerry Kawakami và M.Lynne Cooper công bố kết quả nghiên cứu: Cảm xúc của chúng ta được “cột chặt” với hệ thần kinh tự chủ, mà hệ thần kinh này ảnh hưởng trực tiếp tới nhịp tim, huyết áp, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Đó là lý do mà mỗi lần bạn giấu một tội lỗi, hay âm thầm crush một cậu bạn soái ca thì bạn lại thở gấp, bụng bạn lại như “nở hoa” với đàn “bươm bướm bay loạn xạ”. Thực chất giam cầm những cảm xúc đó không tốt cho dạ dày và phổi của bạn một tí nào.
Che giấu cảm xúc, suy nghĩ còn được dạy như một chiêu thức kinh doanh, để đối thủ không hiểu bạn, từ đó không thể hạ bệ bạn trên thương trường. Thế nhưng, theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, giáo sư Doug Sundheim với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giúp đỡ các nhà đầu tư đã chia sẻ kết quả khảo sát: Các nhà sáng tạo, giám đốc công ty lớn có xu hướng thể hiện cảm xúc họ rõ ràng hơn. Việc không giấu diếm cả sự tức giận hay vui thích với đối tác sẽ đem lại độ tin cậy cao, mối quan hệ bền vững và cảm hứng cho nhân viên.
Bạn Hoàng Dũng (19 tuổi, Q.1, TP.HCM) đồng tình: “Tớ hâm mộ nhiều chính trị gia nổi tiếng thế giới, và tớ thấy không chỉ trong kinh doanh, trên chính trường cũng tồn tại “định lý” tương tự. Giữ cương vị quan trọng, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Cựu Phó Tổng thống Joe Biden vẫn không ngại thể hiện tình bạn và sự thân thiết trước con mắt của công chúng và thậm chí là trên mạng xã hội! Điều này không làm cho hai chính trị gia mất điểm nghiêm túc mà ngược lại, khiến họ gần gũi và chiếm được sự yêu mến của công chúng!”.
“Vũng sình” nào đã giữ chân lời thổ lộ
Dường như, việc giấu đi không chỉ niềm vui mà cả nỗi buồn là một điều hiển nhiên trong cuộc sống nhiều người. Thế nhưng, tại sao một thói quen nguy hại như vậy lại xuất hiện trong tất cả chúng ta? “Người trồng cây” vô tâm nào đã đặt những “hạt mầm xấu” vào suy nghĩ của giới trẻ nhà mình vậy?
Theo trang Psychologytoday.com, có đến 15 lý do chủ yếu dẫn tới sự khóa chặt cảm xúc: Sợ quê và ngại, sợ bị khinh thường, sợ người nghe không thấu hiểu và thông cảm,… Thế nhưng, theo thống kê của trang Medium.com thì các vấn đề rắc rối trong cuộc sống của bạn đa số tới từ sự im lặng chứ không phải sự hiểu lầm, và nỗi sợ của bạn thường… bị làm quá so với sự thật!
Thông thường, khi quyết định giải phóng cảm xúc, nhiều bạn bị cho là đang có “triệu chứng bất thường”. Ví dụ như khi thật lòng thổ lộ tình cảm với nhị vị phụ huynh như: “Con thương ba mẹ” thì bạn thường bị nghi ngờ mới gây ra lỗi lầm hoặc có mưu đồ vòi vĩnh. Vô hình trung, việc thể hiện cảm xúc trở nên khó khăn hơn, thậm chí với những người mình yêu thương và gắn bó nhất.
Đối với nhiều bạn nam, định kiến được “đính kèm” từ lúc nhỏ thường là việc thể hiện cảm xúc thường xuyên đồng nghĩa với hai chữ ủy mị. Điều này là nguyên nhân chính khiến con trai phải nhiều lần “nuốt nước mắt” vào trong. Kết quả của một cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng con trai khóc ít hơn con gái đến tận 12 lần đấy!
Có phải bạn không muốn giải thoát nỗi buồn vì… mong đợi những người bạn quan tâm sẽ tự nhận ra điều đó, hay đợi đến khi chính bạn cũng quên đi cảm xúc không vui ấy? Vậy cũng với mong chờ đó, tại sao bạn không nói ra, dù được hay không thì vẫn nhanh hơn và tránh được dòng cảm xúc mệt mỏi dài như một bộ phim Ấn Độ mà!
Chìa khóa giải thoát cảm xúc tiềm tàng
Bạn đã bao giờ sợ nói trước đám đông tới mức mắc nghẹn mỗi khi thấy màn hình chiếu và khan giả chưa? Hoặc sợ gián, sợ bong bóng, sợ nhìn chằm chằm, sợ chú hề,…? Sợ chia sẻ cảm xúc cũng giống tất cả những nỗi sợ kinh khủng khiếp đó thôi! Để chữa được chứng khó giải tỏa đó, bạn cần biết cách thể hiện cảm xúc đúng cách và đúng chỗ.
Theo chia sẻ của Dr. Moses trên YouTube, khi bạn có một cuộc khẩu chiến với gà bông, thay vì chỉ trích rằng “Cậu là đồ tệ hại” thì bạn hãy thể hiện những cảm xúc thật của mình, chẳng hạn như “Tớ buồn quá! Tớ đã nghĩ là… nhưng thực tế lại…”. Thay vì chỉ trích, hãy thể hiện những cảm xúc sâu thẳm của bạn thì mới thực sự giải quyết được vấn đề. Vì vậy, hãy định vị chính xác nhu cầu cảm xúc của mình, và thể hiện chúng ra ngoài.
NHO KHOA