Việt hóa phụ đề phim nước ngoài sao cho có "duyên" mà vẫn giữ được "dáng"?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Những cụm từ phổ biến đậm chất Gen Z được thêm thắt vào phần phụ đề tiếng Việt của những bộ phim nước ngoài là điều đang "nở rộ" trong thời gian qua. Nhưng những bản dịch này có "sống thọ" hay không còn là điều các sub-team nên cân nhắc.

Việt hóa phụ đề phim nước ngoài, nghĩ đơn giản là dịch những câu thoại của phim nước ngoài ra tiếng Việt để khán giả Việt có thể hiểu được nội dung của nó, vốn quen mặt với giới trẻ xưa giờ qua cụm từ “Vietsub”. Đó hoàn toàn chẳng phải là chuyện đơn giản loáng cái xong ngay, mà là cả một “công trình” vô cùng kỳ công và phức tạp của đội ngũ dịch thuật (sub-team).

Nhiều người vẫn nghĩ việc dịch thuật là... cứ quẳng hết lên Google Dịch là xong. Hoàn toàn sai lầm! Bởi mỗi ngôn ngữ lại có một cấu trúc nhất định, cách dùng từ theo bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt là những kiểu chơi chữ mà chưa chắc người thuộc nền văn hóa khác có thể hiểu trọn. Vì vậy, giữ được ý chính của lời thoại nhưng vẫn dễ hiểu là nhiệm vụ “tối cao” của người dịch thuật, cũng là lý do mà đây trở thành một nghề riêng.

Việt hóa phụ đề phim nước ngoài sao cho có "duyên" mà vẫn giữ được "dáng"? ảnh 1

Những cụm từ "Bỏ tay ra bạn ơi" hay "nhưng mà nó lạ lắm" có thể được bắt gặp bất kỳ đâu trên mạng xã hội. (Nguồn: Internet)

Theo thời gian, việc dịch phụ đề phim cũng phải biến đổi sao cho bắt kịp được thời đại. Với thế hệ trẻ hiện tại, lối dịch thuật của thời 1990 hay những năm 2000 sẽ chẳng thể nào giữ được họ tiếp tục để mắt đến tác phẩm, vì mỗi thế hệ lại có một tư duy khác nhau, ranh giới giao tiếp và óc hài hước cũng khác nhau.

Chẳng hạn, khán giả có lẽ sẽ chẳng quên được khoảnh khắc đầy thú vị khi nàng công chúa Raya gọi kẻ thù Namaari là “Công chúa đầu cắt moi” (bản gốc là “Princess Undercut”) trong Raya and the Last Dragon (2021) hay câu nói của mẹ của Gru "Sáu ngày sáu đêm géc gô" trong Minions: The Rise of Gru (2022) khiến cả rạp cười rộ lên.

Việt hóa phụ đề phim nước ngoài sao cho có "duyên" mà vẫn giữ được "dáng"? ảnh 2

Dù chỉ là vui, nhưng cụm từ "đầu cắt moi" cũng vô tình khiến khán giả rơi vào "chiến tranh". (Nguồn: Internet)

Thế nhưng, “chất hiện đại” cũng có hai mặt. Chúng có thể là tính chất thú vị của năm nay giúp lời thoại bớt khô khan, lan tỏa danh tiếng của bộ phim và khiến nhiều khán giả đến rạp hơn, nhưng chỉ cần một năm sau, nó đã trở thành miếng hài cũ kỹ nhàm chán. Chưa kể khán giả của 10 năm nữa nếu tìm lại và xem bộ phim lần đầu tiên có khi sẽ... chẳng hiểu bản dịch này nói gì cả và có thể lại mất công "Google", vì “xu hướng” cũng chỉ là thứ nhất thời.

Việt hóa phụ đề phim nước ngoài sao cho có "duyên" mà vẫn giữ được "dáng"? ảnh 3

Cụm từ "gét gô" chỉ mới nổi tiếng được vài tháng đã gần như "bay màu" ở hiện tại, người xem của 10 năm nữa nếu tìm được bản dịch này hoặc sẽ "hoài niệm một thời đã xa", hoặc lại... mất công ngồi tra Google. (Nguồn: Internet)

Không những vậy, những cụm từ theo xu hướng không phải là thứ dành cho tất cả mọi người. Mỗi người mỗi tính, vì vậy trên thực tế, có những khán giả hoàn toàn không mấy mặn mà với những cụm từ theo xu hướng như “ô dề” (lố lăng), “chằm Zn” (trầm cảm), “j z tr” (gì vậy trời),...

Trong số đó, những khán giả lớn tuổi không phải ai cũng theo kịp sự chuyển dịch “như chong chóng” của giới trẻ để hiểu được những cụm từ này, và hãy nghĩ thử đến trường hợp một đứa trẻ nói “bất ngờ chưa bà già” với một người lớn tuổi do bắt chước lời thoại của phim xem.

Đồng ý rằng Gen Z là thế hệ “làm chủ cuộc chơi” hiện nay, nhưng nếu nêm “muối” quá tay vào phần dịch thuật, thành phẩm sẽ trở nên cực kỳ phản cảm và để lại nhiều điều tiếng quy chụp cho “Gen Z”.

Việt hóa phụ đề phim nước ngoài sao cho có "duyên" mà vẫn giữ được "dáng"? ảnh 4

Mọi thứ mang chất "Z" đều dễ mang lại tiếng cười, nhưng lúc nào cũng cười thì... rõ là có vấn đề. (Nguồn: Internet)

Thế nên việc giữ được ngôn từ dễ hiểu, tinh tế, mang chất hiện đại và tinh thần cần truyền đạt của phim đi song song với nhau là một việc mà chỉ những người chuyên nghiệp mới có thể làm được. Để được như thế, người dịch, tất nhiên, phải có khả năng xuất sắc trong việc sử dụng hai ngôn ngữ và am hiểu về hai văn hóa, nhưng điều cần thiết là họ phải ĐỦ KHẢ NĂNG: Đủ “mặn”, biết cách cân bằng ngôn ngữ và khả năng văn chương cũng phải cao để lối dịch thuật phù hợp, vừa có được “duyên” vừa giữ được “dáng”.

Việt hóa phụ đề phim nước ngoài sao cho có "duyên" mà vẫn giữ được "dáng"? ảnh 8
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm