Việt Nam báo cáo về công tác xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việt Nam tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD. Phiên bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ năm của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 29 và 30/11 tại Geneva (Thuỵ Sĩ).

Công ước CERD

Ra đời từ năm 1965, Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là công ước lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết, và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ những hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Đây là một trong năm công ước quốc tế cơ bản của Liên Hợp Quốc về nhân quyền, được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn.

Việt Nam tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012.

Đây là cơ hội để Việt Nam tuyên truyền về những thành tựu bảo vệ nhân quyền, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số và người nước ngoài ở Việt Nam, góp phần bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Phiên bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ năm thực thi Công ước CERD (gọi tắt là CERD 5) của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 29 và 30/11 tại Geneva (Thuỵ Sĩ).

Nội dung báo cáo CERD 5 của Việt Nam

CERD 5 là báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc các biện pháp khác, và kết quả triển khai các biện pháp đó trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019 nhằm bảo vệ quyền con người, chống các hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc tập trung vào người dân tộc thiểu số và người nước ngoài ở Việt Nam.

Báo cáo tập trung vào các nội dung chính bao gồm:

  • Khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam về các dân tộc thiểu số như đã được ghi rõ trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn phù hợp với định nghĩa và chống phân biệt chủng tộc tại Điều 1 Công ước CERD
  • Chia sẻ những thành tựu của Việt Nam trong công tác dân tộc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023. Trong giai đoạn 2013 - 2019, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tích nổi bật trong công tác đại đoàn kết toàn dân, hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, ngôn ngữ, chữ viết… giúp Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam.
  • Khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước qua những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về quyền con người nói chung, và những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng.

Báo cáo cũng đề cập đến kết quả thực hiện các cam kết cấm và xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức, đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của người dân tộc thiểu số và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, đặc biệt trong việc thụ hưởng những quyền được nêu tại Điều 5 Công ước CERD.

Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc hoặc kích động thù hằn dân tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc (theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động,…).

MỚI - NÓNG