Việt Nam có bánh chưng bánh tét, vậy các nước hàng xóm ngày Tết ăn món gì?

Việt Nam có bánh chưng bánh tét, vậy các nước hàng xóm ngày Tết ăn món gì?
HHT - Đâu chỉ Việt Nam, còn rất nhiều nước châu Á khác cũng đón Tết Nguyên đán. Nếu chúng ta có bánh chưng bánh tét, thì các quốc gia khác cũng có nhiều món đặc trưng đón Tết.

Thấy kim chi, bánh Tok là Tết đã đến Hàn Quốc rồi!

Kim chi là món ăn quen thuộc hằng ngày của người Hàn, cũng là món ăn truyền thống nổi tiếng nhất nước này. Và vào những dịp quan trọng, người dân Hàn Quốc càng không thể thiếu kim chi, nhất định phải có món này trong mâm cổ đón Tết. Trước Tết khoảng một tuần, người người nhà nhà đã hào hứng thái cải thảo và hành lá, rửa sạch sẽ, rồi trộn ớt và gia vị để có món kim chi thật ngon cho ngày Tết. Khi ăn kim chi vào ngày đầu năm mới, người Hàn tin rằng mọi người sẽ gặp nhiều may mắn hơn.

Việt Nam có bánh chưng bánh tét, vậy các nước hàng xóm ngày Tết ăn món gì? ảnh 1

Bên cạnh kim chi, người Hàn còn kỳ công nấu thêm hai món truyền thống khác nữa. Một là bánh Ttok được làm từ bột gạo, sẽ được pha thêm màu sắc để đẹp mắt hơn. Hai là món súp Ttok-kuk được nấu từ những lát bánh gạo màu trắng được thái mỏng như bánh phở nhà mình. Khi năm mới đến, ai cũng phải ăn một bát súp Ttok-kuk, nếu không là chưa được cộng thêm một tuổi.

Món sủi cảo không thể thiếu ở Trung Quốc

Sủi cảo là những chiếc bánh nhỏ xíu, có nhân làm từ thịt băm, mộc nhĩ và nhiều loại rau thơm phức rồi được bọc lớp bột gạo trắng tinh bên ngoài. Sủi cảo có thể mang hấp hay chiên tùy theo sở thích, nhưng đều rất ngon khi ăn kèm với xì dầu hoặc nước chấm đấy!

Việt Nam có bánh chưng bánh tét, vậy các nước hàng xóm ngày Tết ăn món gì? ảnh 2

Những ngày giáp Tết, nếu các gia đình Việt Nam rủ nhau gói bánh chưng thì người Trung Quốc sẽ bắt tay chuẩn bị món sủi cảo. Nhà nào cũng băm thịt, băm rau cho món nhân. Ai cũng thích băm thật kỹ, băm thật đều tay, băm lâu nữa chứ. Bởi điều đó chứng tỏ nhà này làm rất nhiều sủi cảo, cho thấy gia đình giàu có và món sủi cảo nhờ nhân được băm nhuyễn sẽ rất ngon. Còn một chi tiết nữa để bạn phân biệt sủi cảo ngày thường và sủi cảo của ngày Tết nhé. Bình thường, bạn nặn sủi cảo thế nào cũng xong, đường viền bánh thường để phẳng cho nhanh. Nhưng riêng ngày Tết, ai cũng phải tỉ mẩn xếp đường diềm quanh chiếc bánh, như thế thì sủi cảo mới giữ lại may mắn và tiền bạc suốt cả năm được.

Việt Nam có bánh chưng bánh tét, vậy các nước hàng xóm ngày Tết ăn món gì? ảnh 3

Thêm nữa này, người làm sủi cảo thường sẽ lén nhét một sợi chỉ hoặc đồng xu vào trong nhân bánh. Người nào may mắn ăn được bánh chứa sợi chỉ, thì sẽ sống lâu trăm tuổi. Ai nhận được bánh có đồng xu, thì cả năm sẽ rủng rỉnh tiền bạc đấy. Nhưng dù có trúng chiếc bánh may mắn hay không, thì người Trung Quốc đều phải ăn sủi cảo theo số chẵn là 2, 4, 6 chiếc đó.

Bạn được ăn mì trường thọ của Nhật Bản chưa nào?

Vào dịp năm mới, gia đình Nhật Bản đều nấu những khay Osechi ryori, tương tự như mâm cỗ Tết của Việt Nam. Một khay Osechi ryori có rất nhiều món khác nhau như cá trích nướng, tôm hấp, rong biển cuộn, trứng cuộn và đều có ý nghĩa chúc may mắn, sức khỏe đấy.

Việt Nam có bánh chưng bánh tét, vậy các nước hàng xóm ngày Tết ăn món gì? ảnh 4

Ngoài ra, người Nhật không thể bỏ qua món Tokishoki soba hay còn gọi là mì trường thọ. Sợi mì được làm từ lúa kiều mạch, rất dài, cuộn thành cả chục vòng trong bát mì mới hết được. Sợi mì dài tượng trưng cho tuổi thọ, ý nói người ăn sẽ sống lâu trăm tuổi. Nhưng sợi mỳ này cũng rất mềm, rất dễ đứt, tượng trưng cho việc cắt đứt những điều xấu của năm cũ, chỉ còn may mắn sẽ tới thôi.

Theo TTN 349
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm