Việt Nam có phải là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Việt Nam có phải là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?
HHT - Travel blogger Nas Daily đã đến Việt Nam và hợp tác với PewPew thực hiện video mang chủ đề “Việt Nam hạnh phúc như thế nào” (How happy is Vietnam). “Chiếc” video đã nhanh chóng gây lên làn sóng tranh cãi giữa các bạn trẻ xoay quanh chủ đề này.

Video của Nas Daily có không khí rất vui vẻ, lan tỏa những điểm tích cực của đất nước và con người Việt Nam. Nhưng cũng chính vì thế mà cuộc tranh cãi xung quanh tính “chân thật” của video này đã nổ ra sôi nổi với 42K comments dưới bài post trên trang FB Nas Daily tiếng Việt. Nhiều ý kiến đặt dấu hỏi phải chăng Nas được trả tiền để quảng bá du lịch cho Việt Nam không, hay tại sao lại giấu nhẹm những vấn đề mà đất nước đang gặp phải, chỉ trưng bày những cái đẹp nhất một cách “mù quáng” như vậy, và đặc biệt nhất là, người Việt Nam có thật sự hạnh phúc hay không.

Việt Nam có phải là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới? ảnh 1

Sau Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về mối liên hệ giữa hạnh phúc và kinh tế năm 2012, thế giới bắt đầu quan tâm đến tiêu chí tinh thần này và bắt đầu làn sóng “tái định nghĩa” một quốc gia thành công. Sự phát triển của các quốc gia giờ đây không chỉ được đánh giá đơn thuần theo chỉ số GDP, mà còn là sự hạnh phúc của người dân, và xem rằng hạnh phúc mới là đích đến cuối cùng mà mọi quốc gia nên theo đuổi.

Một trong những yếu tố gây tranh cãi nhất của video do Nas Daily thực hiện là thông tin Việt Nam là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Thực tế, hạnh phúc là yếu tố rất khó xác nhận vì đó là một khái niệm trừu tượng có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, tùy theo tiêu chí mà mỗi bảng xếp hạng lại cho ra một số liệu và thứ hạng khác nhau. Đối với Happy Planet Index, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về độ hạnh phúc với 40,3 điểm HPI, đây cũng là thứ hạng trong bảng xếp hạng của Win/Gallup International. Tuy nhiên đối với bảng xếp hạng World Happiness Report của Mạng lưới giải pháp bền vững Hoa Kỳ kết hợp với Liên Hiệp Quốc (SDSN), Việt Nam xếp 94/156 nước được khảo sát. Trong cùng một năm 2019, thứ hạng “hạnh phúc” của người Việt lại có sự khác biệt rất lớn ở những bảng xếp hạng khác nhau.

Để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “triết học” muôn đời “làm sao để biết mình đang hạnh phúc”, các nhà nghiên cứu đã không ngừng tìm cách đo lường qua những tiêu chí khác nhau. Đối với bảng xếp hạng của SDSN, các tiêu chí được đặt ra là GDP đầu người, dịch vụ hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, sự rộng lượng và ý thức về tham nhũng trong nước. Trong khi đó, Happy Planet Index lại quan tâm nhiều hơn đến Ecological Footprint (dấu chân sinh thái) - nhu cầu của con người về khai thác thiên nhiên. Từ những tiêu chí khác nhau, mỗi tổ chức đã đưa ra bảng xếp hạng có kết quả khác nhau, và mặc dù đã cố gắng áp dụng khoa học nhưng vẫn không thể loại bỏ tính chất chủ quan. Điều tương tự ấy cũng đang xảy ra với mỗi cá nhân, một điều có thể đem lại cảm giác hạnh phúc cho người này nhưng lại không mấy ý nghĩa đối với người khác!

Việt Nam có phải là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới? ảnh 2

Hạnh phúc khi cuộc sống còn nhiều chuyện tiêu cực có “tội lỗi”?

Bên dưới phần bình luận của video, không khó để tìm ra luận điểm nổi bật nhất đáp trả các bạn không cảm thấy hài lòng là: “Đẹp khoe xấu che, người ta đã mang ra những hình ảnh đẹp đẽ nhất, vậy tại sao cứ nhất định phải đào cái xấu lên?”. Tương tự, lí do nổi bật cho sự bất bình của nhiều bạn đơn thuần là vì các bạn đang không cảm thấy hạnh phúc.

Đời thật chẳng giống như cái kết của những truyện cổ tích khi các nhân vật sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc vào buổi sáng và buồn bã khi trời đêm, bạn có thể cảm thấy không vui khi bạn mình đang cảm thấy hạnh phúc, bạn có thể cảm thấy bất hạnh khi gia đình tin rằng những điều họ làm là để giúp bạn có cuộc sống yên bình... Một trong các cách đo lường mức độ hạnh phúc “khoa học” nhất chính là đo lượng dopamine được tiết ra trong não bộ. Điều này nghĩa là bạn chỉ có thể đo mức độ hạnh phúc trong những khoảnh khắc riêng biệt, tách rời nhau, và hạnh phúc cũng chỉ là một cảm xúc nhất thời trong vô vàn các cảm xúc khác bạn có thể trải qua trong một khoảng thời gian thôi!

Việc Nas Daily giới thiệu Việt Nam là quốc gia hạnh phúc không phải là “bản cam kết nặng nề”, nó có thể đơn thuần là cảm giác mà anh ấy được trải nghiệm. Việc cảm thấy hạnh phúc thường được quan trọng hóa hơn những trạng thái cảm xúc khác, và đồng thời cũng thường bị lẫn lộn với việc cảm thấy hài lòng hay không-bất-hạnh. Trong khi mọi cảm xúc đều quan trọng như nhau.

Việt Nam có phải là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới? ảnh 3

Hãy hạnh phúc vì còn có thể nghĩ về hạnh phúc

GS. TS. Hồ Sỹ Quý (Viện KH Thông tin xã hội) trong nghiên cứu “Chỉ số hạn phúc thế giới (WHI) 2012-2017 và cảm nhận của người Việt về hạn phúc” chỉ ra rằng còn nhiều người chưa cảm thấy hạnh phúc chính là vì chưa cảm thấy hài lòng với tình hình hiện tại của đất nước, rằng còn rất nhiều vấn đề có thể được cải thiện cho tốt hơn. Từ đây cần phải xác định rõ về sự hạnh phúc cá nhân và sự hạnh phúc của một công dân trong đất nước. Hạnh phúc có thể là một cảm xúc riêng tư của cá nhân, nhưng ở mức độ quốc gia, hạnh phúc cũng có thể là mức độ đo lường sự quan tâm của người dân đến những vấn đề xã hội, quốc tế.

Việc được ăn một ổ bánh mì tại quán quen có thể làm mình cảm thấy hạnh phúc, nhưng với cương vị một công dân, lòng mình chẳng thể thấy yên ổn khi tình trạng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tham nhũng... vẫn luôn hiện diện tại thành phố, đất nước của mình. Khi mọi người vẫn trăn trở về cuộc sống hiện tại thì vẫn luôn có cơ hội cho những thay đổi tích cực. Chúng ta vẫn sẽ đau đáu nghĩ về những giải pháp giúp giải quyết những vấn đề vẫn đang tồn đọng, những người trẻ tiếp tục phát triển những dự án để thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững, mở ra cơ hội để đất nước phát triển, đi lên.

Cảm giác “không hạnh phúc” vì thế không hẳn là tiêu cực khi nó là động lực cho sự phát triển. Việc tiếp cận thông tin toàn cầu từng giờ từng phút giúp bạn “định vị” được vị trí của bản thân, của đất nước mình trên bản đồ thế giới. Và đôi khi một chút mặc cảm, tị nạnh chính là một bàn đạp, một động lực tốt cho một con người, một quốc gia phấn đấu nhiều hơn để cải thiện mình.

Việt Nam có phải là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới? ảnh 4

Và nếu chúng ta vẫn còn đang chưa hạnh phúc vì còn những lấn cấn, những vấn đề chưa khiến bạn hài lòng và muốn thay đổi, đó cũng là điều đáng để hạnh phúc đấy thôi!

Vậy nên câu hỏi quan trọng chẳng phải là Việt Nam có thực sự là quốc gia hạnh phúc nhất không, mà chính là biết bản thân chúng ta đang cảm thấy như thế nào và vấn đề nào ta muốn giải quyết HÔM NAY, bạn nhỉ!

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm