Việt Nam đạt tiến bộ to lớn trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) – bà Catherine Russell đánh giá, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em; đảm bảo các em phát triển khoẻ mạnh, an toàn, được giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hết tiềm năng của mình.

Đánh giá trên của giám đốc điều hành UNICEF được đưa ra sau chuyến thăm Việt Nam vừa kết thúc ít ngày trước. Bà Catherine Russell khẳng định, UNICEF sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các đối tác để tất cả trẻ em, đặc biệt là những em dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận với các dịch vụ và những hỗ trợ cần thiết.

Lãnh đạo UNICEF cũng nhận định, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Khi còn một bộ phận trẻ em phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và không được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, đặc biệt nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em xa cha mẹ, trẻ em khuyết tật. Cùng với đó, còn tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cần giải pháp chăm sóc, được điều trị.

Nhấn mạnh rủi ro khác mà trẻ em phải đối mặt là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, giám đốc điều hành UNICEF đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra cho trẻ em.

“Tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với sức khỏe, dinh dưỡng, sự sống và phát triển của trẻ em trên toàn thế giới. Đầu tư vào việc nâng cao khả năng thích ứng và khả năng phục hồi là mấu chốt để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như những bất bình đẳng mà biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai”, bà Russel phát biểu.

UNICEF đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đào tạo giáo viên và cải cách chương trình giảng dạy. Những nỗ lực này sẽ giúp trẻ em thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng của các em trong kiến tạo các giải pháp.

Việt Nam đạt tiến bộ to lớn trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ảnh 1

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Việt Nam ưu tiên triển khai. Qua đó, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội.

Thực hiện Đề án Vận động xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2018-2025, Bộ LĐ-TB&XH đã vận động nhiều cá nhân, tổ chức cùng tham gia. Từ năm 2019 đến nay, hỗ trợ từ trung ướng tới hơn 2,6 triệu trẻ em, với tổng kinh phí trên 1.128 tỷ đồng; tại địa phương có hơn 1,3 triệu trẻ em được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 300 tỷ động. Trong 10 tháng năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được trên 65 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho trên 100 nghìn lượt trẻ em, với kinh phí trên 60 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp một số bộ ngành thực hiện tổng hợp, nghiên cứu rà soát các chính sách khuyến khích cá nhân tham gia thực hiện các gói hỗ trợ cho trẻ em khu vực khó khăn; xây dựng mạng lưới các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ thực hiện Đề án trên; hướng dẫn triển khai thực hiện các gói dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em và hướng dẫn triển khai các hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực thực hiện Đề án; điều phối nguồn lực hỗ trợ trẻ em…

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác chăm sóc, giáo dục bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Đến nay, Việt Nam đã chủ động ký kết, gia nhập và là thành viên của hầu hết các Công ước, điều ước quốc tế về quyền trẻ em.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Việt Nam thời gian qua đã có sự ủng hộ, tài trợ của các đối tác chính như UNICEF, WHO, ILO… Hiện có 51 nhà tài trợ, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ trẻ em. Hiện có hơn 50 tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam có hợp tác với các bộ ngành, địa phương trong đảm bảo quyền trẻ em, ưu tiên chống xâm hại, bạo lực với trẻ em, bảo đảm tiếp cận của trẻ em với các dịch vụ y tế, giáo dục.

MỚI - NÓNG