Việt Nam: Hơn 100.000 người tử vong mỗi năm liên quan đến thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 103.000 ca tử vong liên quan đến thuốc lá – một con số không chỉ phản ánh hậu quả nghiêm trọng của việc hút thuốc mà còn cho thấy gánh nặng khổng lồ mà thuốc lá đặt lên hệ thống y tế, kinh tế và môi trường. Không chỉ là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý nguy hiểm, ngành công nghiệp thuốc lá còn góp phần tàn phá môi trường và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Chia sẻ tại tọa đàm “Ảnh hưởng của ngành thuốc lá tới môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu (CEPVN) tổ chức, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Trong khói thuốc có tới 7.000 hóa chất, trong đó 69 chất gây ung thư, là tác nhân của ít nhất 28 loại bệnh, từ ung thư, tim mạch, đến các bệnh hô hấp và sinh sản”.

Đáng chú ý, không chỉ những người hút thuốc chủ động chịu ảnh hưởng, mà ngay cả những người hít phải khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ tử vong cao. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Đặc biệt, phần lớn những người tử vong thuộc độ tuổi lao động, dẫn đến mất mát lớn về nhân lực và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam: Hơn 100.000 người tử vong mỗi năm liên quan đến thuốc lá ảnh 1

ThS Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ tại toạ đàm.

Hệ quả của thuốc lá không chỉ dừng lại ở con số tử vong. Theo ước tính của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng/năm – tương đương 1,14% GDP. Con số này đặt ra một thách thức lớn đối với khả năng đạt được các mục tiêu quốc gia về y tế và kiểm soát thuốc lá.

Không chỉ là mối đe dọa sức khỏe, ngành công nghiệp thuốc lá còn là tác nhân gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường. Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, mỗi năm: khoảng 5% diện tích rừng bị tàn phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ sấy thuốc; 18 tỷ cây xanh bị đốn hạ phục vụ sản xuất thuốc lá; từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và hàng trăm triệu kg chất thải độc hại từ mẩu thuốc bị thải ra môi trường.

TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, từ khâu trồng trọt, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến tiêu dùng và xử lý rác thải, toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc lá đều gây ô nhiễm đất, nước, không khí và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Đặc biệt, đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa – một trong những loại ô nhiễm nhựa phổ biến thứ hai trên thế giới. Mỗi năm, hàng triệu tàn thuốc bị vứt bừa bãi, góp phần làm gia tăng rác thải nhựa và gây ô nhiễm môi trường biển, đất liền. Chi phí xử lý chất thải từ ngành thuốc lá lên đến 98.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,04% GDP năm 2022), một gánh nặng lớn đang đè lên vai người dân và chính phủ.

Tăng thuế thuốc lá – giải pháp kép để bảo vệ sức khỏe và môi trường

Nhận thức rõ những tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm kiểm soát tác hại của thuốc lá như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, việc nghiên cứu tác động của thuốc lá đến môi trường vẫn còn khá mới mẻ và cần được quan tâm nhiều hơn.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cải cách chính sách thuế thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng, để giảm tỷ lệ hút thuốc, thuế thuốc lá cần chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ. Trong khi đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam vẫn còn thấp và tăng chậm qua từng giai đoạn: thuế suất tăng từ 55% lên 65% năm 2008; tăng từ 65% lên 70% năm 2016 và năm 2019 tăng từ 70% lên 75%. Mức tăng này không đáng kể, chưa đủ để tác động mạnh đến thói quen tiêu dùng thuốc lá. Do đó, việc bổ sung thuế tuyệt đối và có lộ trình tăng thuế đều đặn là cần thiết để điều tiết tiêu dùng và giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

Việt Nam: Hơn 100.000 người tử vong mỗi năm liên quan đến thuốc lá ảnh 2

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh: “Tăng thuế thuốc lá không chỉ giúp giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật, tử vong mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, giúp đầu tư vào các dự án phát triển bền vững và bảo vệ môi trường".

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, thuốc lá không chỉ là kẻ giết người thầm lặng, mà còn là tác nhân gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế và môi trường. Để giảm thiểu những hệ lụy này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ, cộng đồng và từng cá nhân. Việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là một biện pháp tài chính mà còn là giải pháp cấp thiết để bảo vệ sức khỏe con người, giảm thiểu tác động môi trường và hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?
Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?
TPO - Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về nhu cầu thịt lợn, ước tính lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người xấp xỉ 37 kg/người trong năm 2024. Chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước góp phần khiến giá lợn tăng cao thời gian qua.
Bình luận

Trăm tám

Hút cho cố zô, vừa gây hại cho mình, vừa gây hại cho người khác, vừa ô nhiễm môi trường vừa phản văn minh, vừa thiếu lịch sự.

Thích Trả lời

Solar

Oh, ghê quá. Thuốc lá chỉ có nhà nước sản xuất mà cũng ghê nhỉ. Biết độc hại vậy sao nhà nước cứ sx?

Thích Trả lời

Có thể bạn quan tâm

Lập trung tâm đột quỵ chuyên sâu ở cửa ngõ Tây-Bắc TPHCM

Lập trung tâm đột quỵ chuyên sâu ở cửa ngõ Tây-Bắc TPHCM

TPO - Trung tâm điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn sẽ được hỗ trợ sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều trị đột quỵ. Ứng dụng Qure.AI giúp hỗ trợ chẩn đoán nhanh chóng, chính xác tình trạng của người bệnh, cảnh báo sớm và hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định điều trị tối ưu.
Kì tích: Cứu sống khách nước ngoài bị nhồi máu cơ tim bằng kĩ thuật hiện đại tại Việt Nam

Kì tích: Cứu sống khách nước ngoài bị nhồi máu cơ tim bằng kĩ thuật hiện đại tại Việt Nam

TPO - Hành trình du lịch của du khách Malaysia S.T tại Việt Nam đã bất ngờ trở thành cuộc chạy đua với tử thần khi ông lên cơn nhồi máu cơ tim trên đường đi bộ. Sự phối hợp nhanh chóng giữa người dân, đội ngũ y tế và các chuyên gia tại Bệnh viện Bạch Mai đã giúp ông vượt qua lưỡi hái tử thần một cách ngoạn mục.
Mẹ con thai phụ nguy kịch vì u buồng trứng xoắn hiếm gặp

Mẹ con thai phụ nguy kịch vì u buồng trứng xoắn hiếm gặp

TPO - Đang mang thai ở tuần thứ 8, thai phụ N.T.B. (31 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) bất ngờ rơi vào tình trạng đau bụng dữ dội ở vùng hố chậu. Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị u buồng trứng xoắn hiếm gặp, đe dọa sức khỏe, sinh mệnh thai phụ và thai nhi.