VN-Index bức tốc 100 điểm, nhà đầu tư có nên mua vào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - VN-Index đạt đỉnh từ đầu năm, đã có nhịp tăng mạnh gần 100 điểm trong 2 tháng qua. Dòng tiền nội tiếp tục có xu hướng đổ vào thị trường, khi lãi suất tiết kiệm giảm. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư liệu có nên gia tăng nắm giữ cổ phiếu?

Hạn chế mua đuổi

Tuần qua, sau khi tiếp nhận một nhịp điều chỉnh ngắn, chứng khoán trong nước đã hồi phục trở lại. Chốt tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.129,4 điểm (tăng 1.3% so với tuần trước), đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 21.265 tỷ đồng (tăng 14,9% so với tuần trước). Tuy nhiên, khối ngoại đã quay lại bán ròng trên cả 3 sàn.

Động lực tăng điểm của thị trường tuần qua đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, với HPG (tăng 8,3%), VNM (tăng 4,5%) và GVR (tăng 6,7%). Nhịp đảo chiều hôm thứ 3 được dẫn dắt bởi nhóm ngành xây dựng với câu chuyện vốn đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân, kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, cổ phiếu thép ghi nhận tăng trưởng tích cực sau khi Hiệp hội Thép Việt Nam công bố sản lượng thép tháng 5 phục hồi đồng thời giá thép HRC tăng trở lại. Sau khi Ngân hàng nhà nước thông báo giảm lãi suất điều hành, các cổ phiếu ngân hàng hầu hết tăng điểm, ngoại trừ VCB (giảm 4,9%).

VN-Index bức tốc 100 điểm, nhà đầu tư có nên mua vào? ảnh 1

Động lực tăng điểm của thị trường tuần qua đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn (dữ liệu: SHS).

Chuyên gia của Chứng khoán VNDirect nhận định, tuần qua, dòng tiền nội tiếp tục có xu hướng đổ vào thị trường, trong bối cảnh một loạt ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất tiền gửi. Xu hướng hiện tại của thị trường vẫn khá tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên hưng phấn thái quá, cần tỉnh táo khi thị trường đã có một nhịp tăng mạnh gần 100 điểm trong 2 tháng.

“Nhà đầu tư nên lưu ý rằng, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn và thu nhập thị trường vẫn chưa xác lập điểm đảo chiều. Ngay tuần tới, thị trường sẽ đón nhận thông tin vĩ mô quan trọng là số liệu tăng trưởng GDP quý II năm nay của Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng số liệu tăng trưởng GDP quý II vẫn kém khả quan do thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như tình trạng cắt điện luân phiên.

Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với bức tranh chung vẫn nhiều gam màu xám. Lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục giảm trong quý II và kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng lên. Do đó, chúng tôi cho rằng hành động hợp lý lúc này là hạn chế mua đuổi cổ phiếu tại vùng giá cao, đề phòng những cú đảo chiều đột ngột của thị trường nếu có những thông tin bất lợi xuất hiện. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ lệ đòn bẩy cao, nên hạ bớt margin để kiểm soát rủi ro”, chuyên gia từ VNDirect khuyến nghị

Nhóm phân tích của Chứng khoán Sài gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, với trạng thái hiện tại VN-Index được dự báo sẽ hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn, quanh 1.150 điểm trong thời gian tới. Nếu VN-Index tích lũy đủ và vượt 1.150 đi kèm bối cảnh vĩ mô hỗ trợ tích cực, SHS cho rằng, thị trường có thể hình thành uptrend (xu hướng tăng). Thị trường đang cho thấy tâm lý lạc quan hơn của nhà đầu tư.

VN-Index được dự báo tiến gần hơn tới vùng kháng cự quan trọng 1.150 điểm, SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục hiện tại, nếu muốn mua vào chỉ nên thực hiện trong các phiên điều chỉnh của thị trường.

29 doanh nghiệp chốt trả cổ tức

Tuần tới, trên sàn chứng khoán, 29 doanh nghiệp chốt trả cổ tức, và 1 doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu. Trong đó, 23 doanh nghiệp đều trả cổ tức bằng tiền mặt, 5 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, và 1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt.

VN-Index bức tốc 100 điểm, nhà đầu tư có nên mua vào? ảnh 2

Tuần tới, 29 doanh nghiệp chốt trả cổ tức, và 1 doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu (dữ liệu: Vietstock)

Mức cổ tức tiền mặt cao nhất là 50%, thuộc về CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã DVP). Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 5.000 đồng, phương thức chia bằng tiền mặt và thời gian chi trả là 28.7/2023. Với 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, DVP phải chi 200 tỷ đồng để chi trả cổ tức đợt này. Trước đó, tháng 12/2022, Cảng Đình Vũ đã trả cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền (tỷ lệ 10%). Như vậy, cổ đông công ty sẽ nhận về cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 60%. Trên thị trường, cổ phiếu DVP đang giao dịch ở mức 59.300 đồng/cổ phiếu.

Một số doanh nghiệp lớn cũng chốt danh sách trả cổ tức trong tuần tới. Ngày 27/6, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG ) chốt danh sách cổ đông phát hành 17,9 triệu cổ phiếu trả cổ tức niên độ tài chính 2021-2022. Tỷ lệ phát hành 3%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 3 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá 179 tỷ đồng.

Ngày 30/6, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật - Becamex IJC (mã IJC) chốt danh sách trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 14%. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.400 đồng. Thời gian thanh toán dự kiến là 6/10. Công ty ước tính sẽ chi 352 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.

MỚI - NÓNG