Vụ 231 cái tát: Phiếu "hỏi cung" 19 câu như "cái tát thứ 232", khoét sâu những thương tổn tâm lý

Vụ 231 cái tát: Phiếu "hỏi cung" 19 câu như "cái tát thứ 232", khoét sâu những thương tổn tâm lý
HHT - Thay vì động viên em học sinh bị phạt 231 cái tát, lãnh đạo trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) lại chủ trương lấy lời khai học sinh với phiếu điều tra 19 câu như hỏi cung mà không hề có mặt phụ huynh hay người giám hộ.

"Cái tát thứ 232" khiến dư luận bức xúc

Sự việc bắt đầu từ chiều ngày 19/11, khi em N. (11 tuổi, học sinh lớp 6.2, trường THCS Duy Ninh) lỡ miệng nói tục ngoài sân trường và bị đội cờ đỏ ghi vào sổ. Cô Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6.2, khi biết chuyện đã đưa ra hình phạt là ép toàn bộ học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má N.. Tổng cộng N. đã phải nhận 230 cái tát từ 23 bạn và 1 cái tát từ cô Thủy, khiến em phải nhập viện điều trị trong tình trạng mặt mũi sưng tím, hai má nóng ran. Đau lòng hơn nữa là trong 23 bạn bị chỉ đạo tát có em họ của N.. Mặc dù không muốn tát anh họ của mình nhưng vì sợ cô giáo phạt ngược nên phải vừa khóc vừa tát anh.

Ngày 24/11, ông Võ Thái Hòa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh ký công văn tạm đình chỉ đối với cô Phương Thủy. Công an huyện Quảng Ninh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án "Hành hạ và làm nhục người khác" xảy ra tại trường THCS Duy Ninh và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố bị can.

Vụ 231 cái tát: Phiếu "hỏi cung" 19 câu như "cái tát thứ 232", khoét sâu những thương tổn tâm lý ảnh 1
Cô Nguyễn Thị Phương Thủy.
Vụ 231 cái tát: Phiếu "hỏi cung" 19 câu như "cái tát thứ 232", khoét sâu những thương tổn tâm lý ảnh 2
Bé N. phải nhập viện sau hình phạt 231 cái tát.

Dư luận còn chưa hết bàng hoàng, rúng động trước sự việc này thì mới đây, thông tin lãnh đạo trường THCS Duy Ninh buộc học sinh phải trả lời 19 câu "hỏi cung" và "cấm kể chuyện tát" lại khiến làn sóng phẫn nộ bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo đó, BGH nhà trường yêu cầu 23 học sinh lớp 6.2 trả lời 19 câu hỏi liên quan đến vụ việc, ở cuối phiếu các em còn phải ghi rõ ngày tháng và đầy đủ họ tên theo công công thức "lời khai của em..."

Bộ câu hỏi điều tra học sinh gồm 19 câu, cụ thể như sau:

1. Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?

2. Bạn N. bị tát vào thời gian nào?

3. Khi tát bạn N., cô Thủy có mặt ở lớp không?

4. Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?

5. Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?

6. Bạn N. có nói tục không?

7. Khi bị tát bạn N. có khóc không?

8. Sau khi bị tát má bạn N. có đỏ không?

9. Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?

10. Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?

12. Cô Thủy tát bạn N. mấy cái?

13. Sau khi bị tát bạn N. có bị chảy máu không?

14. Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không?

15. Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?

16. Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?

17. Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?

18. Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?

19. Sau khi tát bạn N. có ở lại học không?

Báo cáo của trường dựa trên kết quả lấy "lời khai" của học sinh có đoạn: "Sự việc học sinh bị các bạn tát 231 cái là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, tám em tát vừa, hai em tát mạnh. Khi bị các bạn tát, N. có khóc (23/23 em trả lời), khi bị tát má N. không bị chảy máu (23/23 em trả lời)... Khi tát N., các bạn trong lớp không có ai sợ hãi và khóc (23/23 em trả lời), cô T. đứng cùng chiều tát N. (23/23 em trả lời), sau khi bị tát N. vẫn ở lại học bình thường đến cuối buổi học (23/23 em trả lời ). N. vào bệnh viện khám và điều trị chứ không phải cấp cứu”.

Lạ ở chỗ cùng trả lời câu hỏi "Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát", nhiều học sinh trả lời là 7 bạn trong khi lớp trưởng Nguyễn Trung Nguyên trả lời là 0 (báo Người lao động đưa tin). Sự khác biệt khó hiểu này khiến người ta càng thêm nghi ngờ chuyện các học sinh bị ép buộc bởi một hình phạt nào đó nên không dám nói ra sự thật.

Vụ 231 cái tát: Phiếu "hỏi cung" 19 câu như "cái tát thứ 232", khoét sâu những thương tổn tâm lý ảnh 3
Các phiếu "lấy lời khai" của học sinh được nhà trường thu lại.
Vụ 231 cái tát: Phiếu "hỏi cung" 19 câu như "cái tát thứ 232", khoét sâu những thương tổn tâm lý ảnh 4
Học sinh bị yêu cầu phải trả lời 19 câu hỏi liên quan đến vụ việc.

"Lấy lời khai" học trò - sai lại thêm sai

Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh thừa nhận có việc "điều tra" như trên nhưng khẳng định hành động này chỉ là "lấy lời khai" để nắm bắt thông tin và tìm ra sự thật về 231 cái tát mà em N. phải nhận. "Báo cáo từ cô Thủy lên trường thì chỉ từ một phía nên trường cho các em trả lời qua phiếu điều tra" - Bà Lệ Anh trả lời báo chí.

Cứ cho là để nắm bắt đầy đủ thông tin nhưng việc lãnh đạo trường THCS Duy Ninh yêu cầu học sinh phải trả lời 19 câu như "hỏi cung" này đang khiến rất nhiều người bức xúc và cho là "sai lầm nối tiếp sai lầm". Thay vì chấp hành nghiêm chỉ đạo của cơ quan ban ngành về vụ việc cũng như thăm hỏi, động viên em N., hành động khảo sát của nhà trường không giúp ích gì trong việc khắc phục hậu quả từ sự việc đã qua. Thậm chí, phiếu điều tra rất có thể sẽ gây thêm tổn thương cho học sinh bởi nó khơi lại và đào sâu sự việc đau lòng đã xảy ra, chưa kể không thể đảm bảo việc các em "dám" khai đúng sự việc đã xảy ra. 

"Thật người viết tiểu thuyết có đại tài hư cấu cũng không nghĩ ra được cái trò bao biện rất hiện đại (khảo sát khách quan bằng phiếu do "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" tự trả lời)... Làm cha mẹ cho con đến trường để chúng trơ mắt nhìn cô giáo chỉ đạo cả lớp đánh bạn, rồi mỗi đứa phải tự bảo vệ mình bằng cách nhục hình bạn, giờ tự bảo vệ mình bằng cách dối trá?... Đừng nghĩ rằng bọn nhỏ còn nhỏ lắm, ngu khờ lắm, chưa hiểu biết gì..." - FB Vu Kim Hanh chia sẻ ý kiến về hành động của nhà trường.

Vụ 231 cái tát: Phiếu "hỏi cung" 19 câu như "cái tát thứ 232", khoét sâu những thương tổn tâm lý ảnh 5
Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra vụ việc 231 cái tát gây chấn động dư luận.

Câu chuyện cũng khiến nhiều người liên tưởng đến những phiếu điều tra dạy trẻ nói sai sự thật diễn ra hồi đầu năm 2017. Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) khi đó đã phát phiếu khảo sát nhằm lấp liếm sự thật rằng xe ô tô chở cô hiệu trưởng và hiệu phó đã đâm gãy chân em Trần Chí Kiên khi Kiên đang chơi đùa trong sân trường. Sự việc bị phanh phui khi một số giáo viên đứng lên tố cáo con số 100% giáo viên, học sinh xác nhận không có xe ô tô vào trường thời điểm xảy ra vụ việc là hoàn toàn dối trá.

"Thêm một con sâu làm rầu nồi canh, vụ việc này có khác nào cái tát thứ 232 khiến người ta mất niềm tin vào những người "gõ đầu trẻ". Dạy trẻ tát bạn đã là dạy một hành vi sỉ nhục và bạo lực. Nhiêu đó còn chưa đủ hay sao mà sáng tạo thêm một phiếu điều tra dài 19 câu không rõ để làm gì này. Mình là người lớn mà đọc bộ câu hỏi này cũng thấy ớn lạnh, nói chi các bé đang tuổi ăn tuổi học đây" - FB Lan Pham bức xúc.

Sự việc xảy ra cho thấy sự bối rối của lãnh đạo nhà trường trong việc giải quyết, khắc phục hậu quả từ sự việc. Ngay lúc này đây, điều em N. cũng như tất cả học sinh lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh cần là sự gần gũi chia sẻ, an ủi, động viên, giúp các em ổn định tâm lý để khép lại những tổn thương, lấy lại niềm tin vào thầy cô, vào nhà trường, vào môi trường giáo dục.  

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm