Vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông: Ai nên đi xét nghiệm nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân?

Vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông: Ai nên đi xét nghiệm nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân?
HHT - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết hậu vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông khiến nhiều người dân lo ngại nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân.

Ai nên xét nghiệm ngộ độc thuỷ ngân sau vụ cháy?

Theo BS Nguyên, trong một vụ cháy có rất nhiều nguy cơ ngộ độc do hít phải khói, gây kích ứng đường hô hấp, các chất độc trong khói.Với vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông, nguy cơ người dân lo ngại là ngộ độc thuỷ ngân.

Vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông: Ai nên đi xét nghiệm nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân? ảnh 1

Sáng 30/8 có 10 phóng viên và 2 người dân đến Trung tâm khám sau vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông.

Các bệnh nhân đến kiểm tra với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, những triệu chứng khác không rõ ràng. Các bệnh nhân khám lâm sàng không có dấu hiệu đặc biệt.

"Kết quả xét nghiệm máu của các bệnh nhân đang được chạy, khi có trả lời chúng tôi sẽ thông báo", BS Nguyên cho biết.

"Đến nay, những người có nguy cơ ngộ độc cần khám thì chưa đến Trung tâm chống độc khám, như lính cứu hoả, công nhân tiếp xúc gần ngay hiện trường", BS Nguyên cho biết.

Theo BS Nguyên, thuỷ ngân là kim loại nặng, khi xảy ra cháy sẽ nóng, bốc hơi và gây nguy cơ ngộ độc với người hít.

Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu cháy nhiều, khói nhiều, không gian khép kín thì hơi độc sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, thời gian tiếp xúc rất quan trọng, tiếp xúc càng lâu sẽ càng nguy cơ.

Khi đứng cạnh đám cháy, nếu đứng đúng chiều gió còn nguy cơ cao hơn cả người đứng gần không có gió.

"Chúng ta không thể khẳng định mọi người ngay tại chỗ đều có nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người có nguy cơ cao, nên đi kiểm tra là những ngươi tham gia trực tiếp cứu nạn, cứu hộ mà hít phải hơi nóng, hít phải khói. Những người có biểu hiện bất thường như khó chịu, khó thở, ho, tức ngực, đau bụng, nôn, tiêu chảy, choáng váng,… thì nên đi kiểm tra tại các BV để được chẩn đoán, xét nghiệm", BS Nguyên nói.

Người ở khoảng cách xa không hít hơi nóng nguy cơ thấp hơn, không nhất thiết đi kiểm tra cùng lúc gây tốn kém, quá tải không cần thiết.

"Chỉ nên đi khám khi có biểu hiện bất thường cay mắt, cay mũi, ho, tức ngực, khó thở, đau đầu... Còn không có dấu hiệu đặc biệt người dân nên bình tĩnh, theo dõi", BS Nguyên nói.

Tuy nhiên, việc kiểm tra hoàn toàn có thể được thực hiện tại các bệnh viện tuyến quận, thành phố, không nhất thiết phải dồn đến một chỗ dễ dẫn đến quá tải.

Giải độc thuỷ ngân như thế nào?

Theo BS Nguyên, nếu hít phải thuỷ ngân thường sau vài giờ có triệu chứng ngay luôn. Người bệnh đau bụng, choáng váng, tê chân tay, yếu, sốt, suy thận, tiểu ít dần. Đây là những dấu hiệu ngộ độc cấp tính.

Lúc này, cần nạn nhân nên được đưa ra khỏi môi trường đó đầu tiên. Nếu trên da có dính thì gỡ bỏ quần áo, rửa bằng nước sạch trong nhiều phút, nhiều nước; tiếp xúc mắt thì rửa mắt... rồi đến cơ sở y tế kiểm tra chức thận, phổi, gan, máu. 

Xét nghiệm thuỷ ngân trong máu sẽ khẳng định thực sự bệnh nhân có bị nhiễm độc thuỷ ngân hay không. Dù bệnh nhân có triệu chứng nhưng nồng độ thuỷ ngân trong máu không cao có thể khẳng định không nhiễm độc thuỷ ngân. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng đó do hít phải các khí độc khác trong khói.

Tại cơ sở y tế hiện, nếu được khẳng định ngộ độc thuỷ ngân bệnh nhân sẽ được giải độc bằng thuốc.

Nếu sau giai đoạn ngộ độc cấp mà không điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn. Ngộ độc mãn thuỷ ngân có thể gây ra các tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng gan thận.

BS Nguyên cho biết thêm, sau vụ cháy, Trung tâm đã liên lạc phía bên nhà máy, đơn vị chuyên môn nhưng chưa có thông tin chính thức về nguy cơ từ hiện trường. 

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm