Vụ cô giáo Hà Nội bắt trò quỳ trong lớp: Trách phạt không đồng nghĩa với trừng phạt!

Vụ cô giáo Hà Nội bắt trò quỳ trong lớp: Trách phạt không đồng nghĩa với trừng phạt!
HHT - Kỷ luật trong lớp là cần thiết nhưng xã hội hiện đại ngày càng coi trọng sự tự giác và độc lập trong tư duy của học sinh. Cách phạt quỳ gối khi trò nói chuyện riêng của cô giáo Hà Nội theo đó gây ra những tranh cãi trái chiều.

Khi "mật ngọt" không còn là thượng sách?

Vừa qua, hình ảnh một nam sinh trường THCS Tô Hiệu (Huyện Thường Tín, Hà Nội) bị cô giáo phạt quỳ trong lớp ngay khi được đăng tải lên MXH đã gây xôn xao dư luận. Theo đó, hình phạt này được đưa ra bởi cô giáo chủ nhiệm lớp 9B L.T.Q., bạn học sinh bị phạt quỳ vì lý do nói chuyện riêng trong lớp học. Đơn kiến nghị của mẹ nam sinh này gửi UBND huyện Thường Tín, Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cho biết: "Cô giáo Q. đã bắt con tôi và một số cháu phải quỳ trong lớp học. Cùng với đó còn yêu cầu lớp trưởng lập biên bản nhưng con tôi đã không chấp nhận hình thức phạt của cô Q. vì cháu nghĩ rằng trong ngành giáo dục, môi trường sư phạm không có hình thức phạt đó". 

Trái lại, cô Q. dù thừa nhận mình đã phạt học sinh quỳ trong lớp, nhưng đồng thời khẳng định biện pháp này được đưa ra "theo yêu cầu của phụ huynh". "Con người ta hư quá nên yều cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh. Mẹ em nói tôi thiếu trách nhiệm khi không trao đổi tình hình của học sinh thì vị này nên xem lại" - Cô Q. chia sẻ với báo chí. 

Vụ cô giáo Hà Nội bắt trò quỳ trong lớp: Trách phạt không đồng nghĩa với trừng phạt! ảnh 1
Hình ảnh học sinh bị giáo viên phạt quỳ gây tranh cãi giữa hai trường phái giáo dục. Ảnh: Hải Văn

Tạm gác chuyện ai đúng ai sai, có hay không biên bản về việc phạt quỳ giữa cô Q. và phụ huynh lớp 9B trường THCS Tô Hiệu, vụ việc hiện đang làm nổ ra tranh cãi xoay quanh câu chuyện: Nên hay không sử dụng những hình thức phạt nghiêm khắc để răn đe, giáo dục học sinh.

"Người xưa đã có câu "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Nếu cứ nể nang, yêu chiều quá sẽ khiến các em sinh hư, nghĩ rằng phạm lỗi cũng chẳng sao vì xử phạt nhẹ nhàng. Mấy lời khuyên răn, nhắc nhở đơn thuần chỉ lo cô nói hôm trước, trì quên hôm sau thôi" - Chị Nguyễn Thanh (Đà Nẵng) tâm sự.

"Phạt học sinh quỳ tuy là một hình thức nghiêm khắc nhưng mình nghĩ phần nhiều cũng vì cô giáo muốn lớp đi vào khuôn khổ, nề nếp, các bạn tôn trọng kỷ luật chung mà thôi. Nếu bản thân các bạn học sinh ngoan ngoãn, nghiêm túc trong tiết học thay vì làm việc riêng thì hình thức phạt cũng chỉ là trên giấy tờ, không ai muốn điều đó xảy ra cả" - Bạn Thu Hoài (Hà Nội) bình luận. 

Trách phạt không đồng nghĩa với trừng phạt

Đây là quan điểm chung của rất nhiều dân mạng khi bàn luận về câu chuyện phạt học sinh quỳ trong lớp của cô giáo Q.. Hình phạt này được cho là quá nặng nề và dễ khiến teen xấu hổ trước bạn bè, cảm thấy bản thân không được tôn trọng và bị tập thể khinh ghét. Chúng ta không có văn hóa quỳ khi bày tỏ quan điểm, tình cảm hay khi làm sai. Nên khi một người có sức mạnh hơn yêu cầu một người khác quỳ là trừng phạt, ít nhiều cũng mang tính xỉ nhục.  

Chia sẻ với báo chí, cô Tô Thị Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, người nổi tiếng với quan điểm "không có học sinh cá biệt", cho biết bản thân cô không thích quỳ (trừ khi lạy Phật và trước bàn thời) và cũng không muốn bất kỳ ai quỳ trước mình cho dù đó là con. Theo đó, nhiều người "bảo vệ cái quỳ" so sánh với văn hóa quỳ ở một số nước và nói rằng thà bắt con trẻ quỳ còn hơn để con hư là không hợp lý.

Vụ cô giáo Hà Nội bắt trò quỳ trong lớp: Trách phạt không đồng nghĩa với trừng phạt! ảnh 2
Lá đơn gửi UBND và Phòng GD&DDT huyện Thường Tín của mẹ nam sinh bị phạt quỳ trong lớp (Ảnh: Tiền phong).

"Trẻ càng ngang bướng thì những biện pháp hà khắc thế này mình nghĩ sẽ càng phản tác dụng. Đối với những học sinh như thế, giáo viên nên dành thời gian để tâm sự, trò chuyện riêng, phân tích tỉ mỉ đúng sai thay vì quá áp đặt và khiển trách nặng nề. Sự cảm thông, chia sẻ và khuyến khích sẽ khiến các bạn ấy tự nhận thức được lỗi sai của mình. Tất nhiên nói thì dễ làm mới khó, điều này còn phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo, cách lựa chọn và giải quyết vấn đề của mỗi thầy cô" - Bạn Nguyệt Anh (Thái Bình) bình luận.

"Biết là thương cho roi cho vọt nhưng cô giáo phạt học sinh là để dạy dỗ chứ không phải để trút giận và khiến các em học sinh cảm thấy bị xúc phạm nhân phẩm. Như Singaore, đất nước có nền giáo dục tiên tiến nhưng vẫn duy trì hình thức đòn roi khi học sinh mắc lỗi. Nhưng kèm theo đó là quy định cụ thể về hành vi nào đáng phạt và mức phạt giới hạn là như thế nào. Phạt các em không phải để thể hiện cái "uy" của giáo dục, mà phải làm sao để các em nhận thức được lỗi sai và sau này không tái phạm nữa" - Chị Xuân Quỳnh (Hà Nội) bày tỏ.

Đến nay, vụ việc cô giáo Hà Nội bắt học sinh quỳ trong lớp vẫn đang khiến dư luận tranh cãi trái chiều. Trong khi đó, cô giáo Q. tạm thời bị đình chỉ công tác 1 tuần, bắt đầu từ ngày 12/5 để làm rõ những vấn đề liên quan và xem xét xử lý. Thiết nghĩ chẳng riêng gì teen mà tâm lý ai cũng thế, thích khen hơn chê, vậy nên trước khi xử phạt học sinh, giáo viên nên bình tĩnh nhìn nhận vấn đề để đưa ra hình thức phù hợp, cố gắng áp dụng những phương pháp tích cực như động viên, khích lệ để học sinh dần thay đổi và tiến bộ hơn. Song song với đó cũng cần có sự thấu hiểu quan tâm và tương tác thường xuyên giữa phụ huynh với giáo viên. Cha mẹ không nên "trăm sự nhờ thầy" để rồi bỏ mặc tình hình trên lớp của con, bởi giáo dục ý thức, nhân cách trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự dạy dỗ, uốn nắn từ cha mẹ.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm