Vụ nhóm học sinh lập group “khủng bố” bạn vì ngoại hình: Những sát thủ phía sau bàn phím

HHT - Cả một nhóm chục người lập group chửi bới, thậm chí nguyền rủa một cô gái chết đi, chỉ vì cho rằng cô ấy "xấu". Táo tợn hơn, nhóm thiếu niên này còn add thẳng nạn nhân vào, cử người mang cho cô đọc để chắc chắn bạn ấy phải thấy những điều tồi tệ mà nhóm này nói về mình. Sự tàn nhẫn ấy khiến chúng ta rùng mình vì phẫn nộ.

Bạo lực đội lốt "chê có ý tốt"

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước bài đăng của nữ sinh Hà nội có tên Facebook là N.H.A. Vì quá bức xúc khi bị một nhóm nam nữ sinh add vào nhóm chat để lăng mạ, chế giễu ngoại hình, N.H.A. đã chụp lại màn hình những tin nhắn này và chia sẻ lên trang cá nhân, yêu cầu công khai được xin lỗi.

Nội dung những tin nhắn này khiến những ai đọc được đều rùng mình vì choáng váng và phẫn nộ. Một kẻ trong nhóm hùng hồn tuyên bố: "Xấu là một cái tội" và thách thức: "Cứ gửi hết lũ con gái xấu vào đây, anh cho chúng nó biết vị trí của nó ở cái xã hội này". Hình ảnh N.H.A. được nhóm này chia sẻ với những lời bình luận tục tĩu và nguyền rủa. Một kẻ cợt nhả việc sẵn sàng thuê giang hồ hại bạn ấy vì "tội xấu" trong khi kẻ khác mạnh miệng rằng con gái "xấu" thì nên "nhảy lầu chết hết đi".

Theo thông tin cá nhân của những nick Facebook tham gia nhóm chat này thì họ đều là học sinh đến từ các trường THCS, THPT tư có tiếng với mức học phí cao tại Hà Nội. 

Vụ nhóm học sinh lập group “khủng bố” bạn vì ngoại hình: Những sát thủ phía sau bàn phím ảnh 1
Vụ nhóm học sinh lập group “khủng bố” bạn vì ngoại hình: Những sát thủ phía sau bàn phím ảnh 2 Những lời lẽ xúc phạm, miệt thị ngoại hình cô bạn N.H.A trong nhóm chat. Ảnh: Internet

Bài đăng của N.H.A. ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Một số thành viên tham gia nhóm chat đã đăng đàn xin lỗi N.H.A., tuy nhiên, những lời xin lỗi này lại bị cộng đồng mạng nhận xét là thiếu sự chân thành. Đặc biệt là P.A. - một thành viên trong nhóm này còn tuyên bố mình không ngại "gạch đá" nên vẫn ổn. Sau đó, P.A. đã xóa bài đăng thách thức dư luận và khóa Facebook cá nhân.

Vụ nhóm học sinh lập group “khủng bố” bạn vì ngoại hình: Những sát thủ phía sau bàn phím ảnh 3 Bài đăng thách thức dư luận của 1 trong số những thành viên tham gia nhóm chat. Ảnh: Internet
Vụ nhóm học sinh lập group “khủng bố” bạn vì ngoại hình: Những sát thủ phía sau bàn phím ảnh 4

Lời xin lỗi được đăng tải nhưng nhiều người cho rằng thái độ thiếu chân thành. Ảnh: Internet

Bắt nạt trên mạng -  từ vô cảm đến nhẫn tâm

Trên thực tế, những vụ việc bắt nạt qua mạng (cyberbullying) liên tiếp xảy ra gần đây với mức độ ngày càng nghiêm trọng, công khai và trắng trợn. Từ chế giễu ngoại hình (body shaming) đến miệt thị giới tính, nguyền rủa những người nổi tiếng chỉ vì ganh ghét..., càng ngày những lời dao búa càng dễ dàng được ném ra, "phi" thẳng về phía các nạn nhân.

Một trong những nạn nhân gần đây là Lynk Lee sau khi ca sĩ này công khai những hình ảnh phẫu thuật chuyển giới. Trên khắp các group kín, group mở, những trang cá nhân cho tới trong cộng đồng, những đám đông xúm vào chê bai, bình phẩm khiếm nhã về ngoại hình của Lynk Lee. Nói về những gì mình phải chịu đựng, Lynk Lee cho biết: “Lúc đầu khi mới đọc những comment kiểu này em chỉ muốn nhắn tin lại giải thích và đôi co với người ta thôi. Nhưng sau đó, em đã bình tĩnh lại và nghĩ rằng mình không được làm như thế. Rồi em chịu đựng dần dần và bây giờ đã chai lỳ hơn nhiều. Em đã không màng tính mạng của mình trải qua các cuộc phẫu thuật nên mấy lời tiêu cực như thế này đã không còn xi nhê gì với em nữa".

Vụ nhóm học sinh lập group “khủng bố” bạn vì ngoại hình: Những sát thủ phía sau bàn phím ảnh 5

Không phải ai cũng mạnh mẽ khi đối đầu với những kẻ bắt nạt qua mạng như Lynk Lee. Ảnh: FBNV

Đều là nạn nhân của bạo lực mạng nhưng không phải ai cũng có thể mạnh mẽ chống chọi "miệng đời" như Lynk Lee. Khi thông tin nữ thần tượng Sulli qua đời tại nhà riêng được công khai, cộng đồng người hâm mộ K-Pop cả trong và ngoài xứ sở kim chi đều không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối.

Trên mạng xã hội, Sulli luôn thể hiện mình là một người năng động, không màng đến sự đời. Nữ diễn viên thường xuyên phải đọc nhiều bình luận tiêu cực trên mạng xã hội như "bệnh hoạn", "thác loạn", "ngu xuẩn", "vô học"… Và cuối cùng, cô đã ngã gục trong cuộc chiến với căn bệnh trầm cảm do những áp lực từ mọi phía.

"Tại sao tôi lại bị mắng chửi như vậy? Tôi cảm thấy có rất nhiều người mang thành kiến nặng nề với duy nhất một mình tôi. Xin hãy hiểu tôi hơn một chút. Bạn bè khán giả xin hãy yêu quý tôi thêm một chút, các phóng viên xin hãy yêu thương tôi một chút. Cuộc sống của tôi đang cực kỳ trống rỗng, tôi cứ luôn giả vờ hạnh phúc và điều đó khiến tôi cảm thấy như thể mình đang lừa dối mọi người" - Sulli đã không ít lần tâm sự và "kêu cứu" nhưng những kẻ bắt nạt không buông tha cô.

Nỗi đau thật từ những bạo lực “ảo”

Coi MXH là không gian ảo nên tự do bày tỏ thái độ, quan điểm mà không suy nghĩ, nhiều người thậm chí còn biện minh cho hành động xúc phạm người khác là "chê có ý tốt", "chê để họ biết đường thay đổi mà thôi". Thế nhưng họ đâu biết rằng đôi khi chỉ là một bình luận khiếm nhã, một câu "cà khịa" quá trớn mà thôi cũng đủ khiến đối phương nghĩ ngợi, âu lo, thậm chí mặc cảm và chán ghét bản thân thậm tệ.

"Những người hay chê bai, chế giễu người khác không thẻ hiểu được người bạn chung lớp của mình đã phải nhịn từng thìa cơm, người chị họ của mình đã phải chăm sóc da 24/7, cảm thấy lo sợ mỗi nốt mụn mọc lên như thế nào đâu. Vấn đề body shaming tuy không mới những cũng chưa bao giờ là cũ cả" - FB Thuy An bình luận.

"Rồi thì cái câu nói muôn thuở "đùa cho vui thôi mà, có gì đâu phải làm quá lên", trong khi nếu thực sự chỉ là lời nói cho vui thì người ta đã không thấy buồn, tự ti và cảm giác không được tôn trọng như thế" - FB Tran Hoang Minh Chau viết.

Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên được câu chuyện đau lòng xảy ra cách đây 5 năm, khi nữ sinh N.T.A.T, 15 tuổi, ở Đồng Nai, bị bạn trai tung clip nóng lên mạng và ngay lập tức thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ cùng bình luận khiếm nhã. Hàng ngàn người follow T., gửi cho nhau các hình ảnh cá nhân, bình phẩm về cơ thể của T., thậm chí chửi rủa: “Chết đi đồ hư hỏng”. Hai hôm sau, T. uống thuốc diệt cỏ tự tử. Sau cái chết của T., vẫn có những cư dân mạng tiếp tục dè bỉu “không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?” hoặc “có ai bắt nó phải chết đâu”...

Vụ nhóm học sinh lập group “khủng bố” bạn vì ngoại hình: Những sát thủ phía sau bàn phím ảnh 6

Ngày càng có nhiều nạn nhân của bạo lực mạng nhưng không dám lên tiếng. Ảnh minh họa: Internet

"Giờ cyberbullying và body shaming đã không còn ở mức nói xấu sau lưng nữa mà trơ trẽn lôi người ta vào để ép nghe. Nói chứ thực sự đáng tởm, giống như câu chuyện trong những bộ phim khi một người thân bị lăng mạ, bị xâm hại còn mình không làm được gì ngoài đứng nhìn. Cô bé ấy (N.H.A. - P.V) làm được gì trong nhóm? Đấu mồm làm sao được cả chục đứa ở cái tuổi ấy? Rồi rời khỏi nhóm là cách tốt nhất nhưng lại bị add vào lại?" FB Minh Duc chia sẻ.

Trước sự việc này, hầu như các ý kiến đều đồng tình rằng cần xử lý nghiêm khắc những kẻ bắt nạt, không thể bao biện rằng do các bạn ấy còn trẻ, còn xốc nổi. Khoan dung là tốt nhưng trước khi khoan dung, phải để cho những thủ phạm học được bài học về việc chịu trách nhiệm trước lỗi lầm của mình cứ không thể úi xùi cho qua.

Theo Ảnh tổng hợp từ Internet
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?