Chánh án TAND tỉnh Điện Biên Phạm Văn Nam cho biết, lần thứ 2 sau 20 năm, toà án tổ chức phiên xét xử lưu động ở sân vận động tỉnh Điện Biên. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số lượng bị cáo nhiều, phòng xét xử của tòa bị hạn chế diện tích nên khó đáp ứng nhu cầu theo dõi của nhiều người. Hơn nữa, việc xét xử lưu động cũng góp phần răn đe giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Ông Nam cho biết: "Khu vực xét xử sẽ được bố trí khoảng 100 băng ghế cho người đến dự. Sân vận động có sức chứa khoảng 10.000 người nên người dân có thể thoải mái vào theo dõi nhưng phải ở đúng vị trí quy định, tuân thủ hướng dẫn của cảnh sát bảo vệ".
Gần một năm sau khi vụ án xảy ra, 9 đối tượng bị cáo buộc tham gia vụ sát hại, hiếp dâm nữ sinh đi giao gà ở Điện Biên gồm, Vì Văn Toán (38 tuổi, chủ mưu), Bùi Văn Công (44 tuổi), Vương Văn Hùng (35 tuổi), Bùi Thị Kim Thu (44 tuổi), Phạm Văn Nhiệm (47 tuổi), Lường Văn Lả (26 tuổi), Lường Văn Hùng (39 tuổi), Phạm Văn Dũng (47 tuổi), Cầm Văn Chương (45 tuổi, cùng trú huyện Điện Biên), sẽ phải hầu tòa. Có 6/9 bị cáo bị truy tố đến khung tử hình.
Theo cáo buộc, năm 2009, Toán bán cho bà Trần Thị Hiền (mẹ nạn nhân Cao Mỹ D.) 2 bánh heroin với giá 300 triệu đồng nhưng cho nợ tiền. Sau đó, Toán bị bắt và thụ án tù 9 năm 6 tháng.
Năm 2019, Toán mãn hạn tù. Trở về địa phương, anh ta ra chợ Mường Thanh tìm bặp bà Hiền để đòi nợ.
Bị người phụ nữ từ chối trả tiền, Toán đã thuê nhóm của Bùi Văn Công bắt cóc con gái 20 tuổi của bà này để uy hiếp.
Theo kế hoạch lập ra, Toán phân công Vương Văn Hùng hẹn Cao Mỹ D. mang gà đến căn nhà hoang ở gần đồi Độc Lập. Tại đây, Công cùng với Lường Văn Lả, Phạm Văn Nhiệm và Lường Văn Hùng sẽ đợi sẵn để tổ chức bắt giữ cô gái.
Chiều 4/2 (tức 30 Tết), Công đưa Vương Văn Hùng đến chợ Mường Thanh để nhận diện nạn nhân. Trong vai khách mua gà, Hùng đề nghị D. chở 10 con gà đến nơi đồng bọn phục sẵn.
Đến căn nhà hoang, D. bị Công dùng côn siết cổ đến bất tỉnh. Sau đó, nhóm bị can khiêng D. lên thùng xe tải rồi chở về nhà Công. Khi đến nơi, nữ sinh tỉnh lại rồi bỏ chạy nhưng bị toán bắt cóc giữ lại.
Tối hôm đó, Toán lấy điện thoại của nạn nhân gọi cho bà Hiền thông báo đã bắt giữ D. Kẻ chủ mưu đề nghị mẹ nữ sinh trả nợ. Nghe cuộc gọi, bà Hiền từ chối đưa tiền và dọa sẽ báo cảnh sát.
Từ tối 30 Tết (ngày 4/2) đến rạng sáng mùng 3 Tết (7/2), Công và 5 người khác khống chế, hãm hiếp D. tại nhà anh ta. Vợ Công là Bùi Thị Kim Thu biết việc các bị can giở trò đồi bại, sát hại D. nhưng không tố cáo.
Thấy sức khỏe Cao Mỹ D. yếu đi, nhóm này sát hại nạn nhân rồi khiêng xác đặt tại khu chăn nuôi gần nhà Công (ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên).
Cũng theo cáo trạng vụ án, bà Trần Thị Hiền (mẹ nữ sinh Cao Mỹ D.) khẳng định không quen biết các bị can trong vụ án và cũng không nợ tiền Toán, Công. Khi con gái bị bắt cóc, bà không nhận được cuộc gọi yêu cầu trả tiền của Toán. Từ đây, nhà chức trách xác định không đủ căn cứ để kết luận bà Hiền biết việc nhóm của Toán bắt cóc con gái nên không xử lý về hành vi không tố giác tội phạm.
Mở rộng điều tra, ngày 25/5, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Hiền do liên quan đường dây buôn bán 2 bánh heroin với nhóm của Vì Văn Toán, Bùi Văn Công vào năm 2017. Công an xác định đường dây ma túy này chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Cao Mỹ D. bị giết.
Tại phiên tòa xét xử 5 bị cáo mua bán trái phép chất ma túy hôm 27/11, Vì Văn Toán khai anh ta bán cho bà Hiền 2 bánh heroin vào năm 2009. Tuy nhiên, bị cáo Hiền phủ nhận điều này.
Hôm đó, TAND tỉnh Điện Biên tuyên Trần Thị Hiền và Bùi Văn Công 20 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Cùng tội danh này, Vì Thị Thu (vợ Vì Văn Toán) và Lường Văn Hùng lĩnh án chung thân.
Riêng Vì Văn Toán lĩnh án chung thân về các tội Mua bán trái phép chất ma túy và Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Link bài gốc: https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-nu-sinh-giao-ga-bi-sat-hai-9-nghi-pham-trong-vu-an-hau-toa-20191225212331724.htm