Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật oan: Khi đòn roi không đáng sợ bằng đòn tâm lý

HHT - Nếu như dư luận từng kịch liệt phản đối việc giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh, thì vụ việc nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang vừa qua đã chứng minh thêm một điều rằng: Không chỉ đòn roi mà các hình thức kỷ luật đánh vào tâm lý học sinh cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường, đáng tiếc.
Tự tử để chứng minh bị kỷ luật oan
Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 30/11, khi nữ sinh N.T.N.Y (ngụ Ấp 2, xã Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) được phát hiện đã ngất xỉu tại khu vực nhà vệ sinh của trường. Giấy chứng nhận điều trị của Bệnh viện Nhật Tân (TP.Châu Đốc), chẩn đoán bệnh của Y. khi nhập viện là: Cố tình tự đầu độc bằng salbutamol, hạ đường huyết, trào ngược dạ dày thực quản, đau đầu, táo bón.
Theo bức thư tuyệt mệnh mà Y. để lại, nguyên nhân khiến nữ sinh này tự tử là vì uất ức và không phạm lỗi như trường đã xử lý. Trước đó, trường THPT Vĩnh Xương đã thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020 - 2021. Theo đó, Y. đã mắc sai phạm: Phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo. Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học. Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1/12 đến 12/12.
Cô giáo chủ nhiệm còn yêu cầu Y. viết bản tự kiểm điểm để đọc trước toàn trường trong giờ chào cờ vào thứ 2. Vì lo lắng và sợ hãi phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường nên Y. lên cơn hen suyễn. Khi vào nhà vệ sinh, Y. lấy thuốc uống nhưng nghĩ lại mọi chuyện Y. không dám gặp ai, không biết phải đối diện với mọi người như thế nào nên đã uống hết vỉ thuốc để tìm đến cái chết nhằm chứng minh mình không làm sai.
Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật oan: Khi đòn roi không đáng sợ bằng đòn tâm lý ảnh 1 Bức thư "tuyệt mệnh" nữ sinh Y. để lại. (Ảnh do gia đình cung cấp cho báo chí)
Chia sẻ với báo chí, Y. cho biết: "Nếu đọc bản kiểm điểm trước toàn trường thì các phụ huynh khác sẽ về hỏi ba mẹ mình nữa. Mình không muốn ba mẹ phiền lòng, muốn các cô thay đổi suy nghĩ nên mình đã viết thư kể lại sự việc rồi uống thuốc”.
Sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã làm việc với cán bộ, giáo viên trường THPT Vĩnh Xương, để đề xuất hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng và hiệu phó. Trong ngày 9/12, đại diện trường THPT Vĩnh Xương và địa phương đã đến thăm hỏi sức khỏe Y. tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Tuy nhiên, hiện tâm lý Y. vẫn chưa ổn định, khó ngủ và hay khóc khi nhớ lại chuyện cũ.
Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật oan: Khi đòn roi không đáng sợ bằng đòn tâm lý ảnh 2 Nữ sinh Y. tại bệnh viện. (Ảnh do gia đình cung cấp cho báo chí)

Sở GD&ĐT tỉnh An Giang xem xét kỷ luật Hiệu trưởng

Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang mới đây ký văn bản số 3453/BC-SGDĐT gửi báo cáo cho Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh An Giang về việc xử lý sai xót xảy ra tại trường THPT Vĩnh Xương (TX.Tân Châu), dẫn đến việc nữ sinh học lớp 10 của trường uống thuốc tự tử vào ngày 30/11.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, vào ngày 8/12, Đoàn công tác của Sở đã đến trường THPT Vĩnh Xương để họp với cán bộ chủ chốt của trường để kiểm điểm, phân tích những sai phạm của ban giám hiệu nhà trường, nhằm thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng về các sai sót báo chí đã nêu liên quan vụ nữ sinh lớp 10 uống thuốc tự tử.

Kết quả, trong buổi họp nêu trên, tập thể trường đề xuất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương và hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường. Sở GD&ĐT tỉnh An Giang thông tin, sắp tới Hội đồng kỷ luật của Sở sẽ họp và quyết định hình thức kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật.

Đòn tâm lý đáng sợ hơn đòn roi
Trong môi trường giáo dục, trách phạt là cần thiết để học sinh nhận ra khuyết điểm và sửa chữa kịp thời. Tuy nhiên, trách phạt oan bằng việc cảnh cáo, kiểm điểm trước trường sẽ khiến học sinh tự ti, xấu hổ, cảm thấy uất ức và khó hòa nhập, vươn lên. Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cũng khẳng định việc bêu tên học sinh dưới cờ như trường hợp của em Y. là hình thức nhục mạ học sinh, vi phạm quyền trẻ em, chà đạp nhân phẩm người khác.
"Ban đầu mới đọc báo qua loa, chưa hiểu rõ thông tin vụ việc, mình thấy việc bé Y. tự tử vừa đáng thương vừa đáng trách. Chuyện bị khiển trách oan, với nhiều người lớn thì chẳng có gì to tát, chỉ cần thông báo cho gia đình, thầy cô khác là xong. Thế nhưng, phải đặt mình vào tâm thế của các em học sinh, nghe những chia sẻ của Y. mới thấy em bị uất ức và sợ hãi đến mức nào, để rồi phải chọn cách tự tử. Đòn tâm lý tuy không gây ra vết thương, dấu tích trên cơ thể trẻ, nhưng quả thực hậu quả gây ra ra có thể đáng sợ hơn roi vọt gấp nhiều lần" - tài khoản Thanh Tram bình luận.
Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật oan: Khi đòn roi không đáng sợ bằng đòn tâm lý ảnh 3 Bài đăng trên mạng xã hội được cho là của giáo viên chủ nhiệm lớp nữ sinh Y. nghi tự tử vì bị kỉ luật oan. (Ảnh chụp màn hình)
Chưa bàn đến vấn đề sai hay đúng, chỉ riêng việc kỷ luật học sinh thế nào để vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người làm nghề giáo. Nhất là khi đối tượng kỷ luật đang là lứa tuổi dậy thì, tâm lý rất nhạy cảm, luôn muốn khẳng định mình và không muốn bị áp đặt, kiểm soát. Khi đó, điều mà học sinh cần ở thầy cô, nhà trường chính là sự bao dung, ân cần chỉ bảo, uốn nắn thay vì trừng phạt để rồi xảy ra những vụ việc đáng tiếc như ở An Giang.
Vụ nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật oan: Khi đòn roi không đáng sợ bằng đòn tâm lý ảnh 6
Theo Ảnh tổng hợp từ Internet
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm