Solihat và 3 người bạn của mình chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề”. Họ dừng lại tại một khu vực ở bãi biển thuộc tỉnh Baten, Indonesia, một trong những nơi vừa bị sóng thần tàn phá hôm 22/12 vừa qua khiến hơn 500 người thiệt mạng, để chụp hình tự sướng với nhau.
Đó là một cảnh tượng đối lập. Các cô gái với những chiếc khăn trùm đầu màu sắc nổi bật, giơ tay hình chữ V tạo dáng trước ống kính. Trong khi đó, quang cảnh xung quanh lại ngổn ngang với cánh đồng ngập rác thải, ô tổ, máy công nghiệp nằm ngổn ngang.
Cánh đồng đầy những mảnh vỡ sau trận càn quét của cơn sóng dữ ập tới. Nơi đây trở thành nghĩa trang đau thương với nhiều người, là kết quả của thảm họa vừa ập qua.
Nhưng ngược lại, địa điểm từng bị sóng thần càn quét đang trở thành “điểm đến sống ảo” bất đắc dĩ cho nhiều du khách, bởi chỉ cần đăng hình sẽ nhận được nhiều lượt thích trên mạng xã hội hơn thường lệ. Thậm chí, nhiều người tốn hàng giờ lái xe để tới đây.
Solihat là một trong những vị khách như thế. Cô cho biết, cả nhóm mất 2 tiếng lái xe đi từ thành phố Cilegon để tới đây. Trước đó, cô và bạn bè đã quyên góp quần áo, tiền bạc từ một nhóm các phụ nữ Hồi giáo tại thành phố Cilegon.
Trước những lời chỉ trích về việc chụp ảnh tại nơi từng khiến nhiều người đã bỏ mạng, Solihat cho rằng điều này phụ thuộc vào mục đích mỗi người. “Chúng tôi quyên tiền và quần áo để cứu trợ. Hình ảnh trên Facebook thể hiện mục đích này. Thay vì cho rằng chụp tự sướng là nông cạn, bạn có thể nhìn về chiều sâu ở góc độ khác. Khi mọi người thấy khung cảnh xung quanh bị tàn phá, nó sẽ nhắc ta nên trân trọng cuộc sống hơn”, Solihat nói.
Kể từ khi thảm họa sóng thần xảy ra tại Indonesia vào tối ngày 22/12, tới nay có ít nhất 154 người mất tích. Họ có thể vẫn đang nằm dưới đống đổ nát và chưa được nhận thi thể. Bởi vậy, không quá khó hiểu khi rất nhiều ý kiến chỉ trích dành cho những người tới khu vực này để chụp hình selfie.
Ông Bahrudin, 40 tuổi, người đứng đầu hiệp hội nông dân địa phương, tỏ ra phiền lòng trước dòng khách du lịch đổ về nơi này để selfie. Đứng dưới nước trong một đôi ủng màu vàng, khi được hỏi về cảm nhận trước các bức hình “gây bão mạng” nhờ chụp tại địa điểm từng xảy ra sóng thần, ông Bahrudin chỉ nói hai từ ngắn gọn “Thất vọng”.