Vượt ‘bão’ thành công, doanh nghiệp dệt may thưởng Tết bao nhiêu?

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam - cho biết, năm nay, các doanh nghiệp dệt may thuộc tập đoàn sẽ có tháng lương thứ 13 và thưởng tết cho người lao động với số tiền 16 triệu đồng, tương đương 1,7 tháng lương. Đây là mức tương đối cao so với các doanh nghiệp khác ngoài ngành trong bối cảnh tập đoàn vẫn bảo toàn được lực lượng lao động.

Chia sẻ với báo chí ngày 8/1, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, 2023 là năm khó khăn nhất trong lịch sử từ khi thành lập tập đoàn cách đây 29 năm, thậm chí khó khăn hơn cả giai đoạn COVID-19.

Theo ông Hiếu, khó khăn liên tiếp diễn ra với ngành dệt may trong bối cảnh những diễn biến không thuận lợi của tình hình thế giới tác động mạnh đến ngành. Tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Đến nay, nhiều đơn vị của tập đoàn, đặc biệt là ngành sợi, không biết đến bao giờ khó khăn mới kết thúc. Hậu quả khó khăn từ hậu dịch COVID-19 ngày càng ngấm sâu. Sức mua của ngành dệt may càng ngày càng thấp cũng làm thay đổi hành vi tiêu dùng của ngành dệt may.

“Quan trọng nhất là vẫn ổn định được lượng lao động. Vẫn giữ được xấp xỉ 62 nghìn lao động. Thu nhập của người lao động không giảm hơn nhiều so với năm 2022. Năm 2022 thu nhập bình quân 9,7 triệu, năm 2023 giữ khoảng 9,5 triệu. Đây là cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp”, ông Hiếu nói. Ông cũng cho biết, để giữ được mức lương hiện tại, Vinatex và các đơn vị trong tập đoàn đã phải hy sinh cổ tức để lấy tiền chi trả cho người lao động.

Vượt ‘bão’ thành công, doanh nghiệp dệt may thưởng Tết bao nhiêu? ảnh 1

Ngược dòng vượt bão thành công, Vinatex thưởng Tết bình quân 16 triệu đồng/người

Cũng theo Tổng giám đốc Vinatex, năm 2023, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022.

Về lương thưởng Tết cho người lao động, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam - cho hay, trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài hệ thống Vinatex cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng, các DN trong hệ thống của Vinatex đã nỗ lực đảm bảo mức lương, thưởng Tết so với mặt bằng chung.

Theo bà Tâm, năm nay, các doanh nghiệp dệt may thuộc tập đoàn sẽ có tháng lương thứ 13 và thưởng tết cho người lao động với số tiền 16 triệu đồng, tương đương 1,7 tháng lương. Đây là mức tương đối cao so với các doanh nghiệp khác ngoài ngành trong bối cảnh tập đoàn vẫn bảo toàn được lực lượng lao động.

“Số liệu tổng hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy dịp Tết Nguyên đán 2024, bình quân DN duy trì mức thưởng Tết ở mức gần 7 triệu đồng/người lao động. Nhiều DN dệt may ngoài ngành đang duy trì mức thưởng Tết từ 7 đến 10 triệu đồng/người. Mức thưởng tết này là cao hơn so với các đơn vị khác”, bà Tâm nói.

Cùng với đó, Tập đoàn và Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình với các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động như tổ chức gặp mặt, trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức “Phiên chợ Tết”, “Phiên chợ nghĩa tình” với các hoạt động tặng quà cho người lao động, trao hỗ trợ chuyến xe nghĩa tình đến các đơn vị.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.