Lưu bút ở khu cách ly

Những hình ảnh tại khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sơn Tây
Những hình ảnh tại khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sơn Tây
TP - Những ánh mắt xa lạ, những mặc cảm ban đầu nhanh chóng qua đi và sau đó là 14 ngày cùng ăn, cùng ở đáng nhớ. Họ là những người con xa xứ trở về, người nước ngoài đến Việt Nam được cách ly tập trung vì dịch COVID-19. Lưu bút khi chia tay của họ là những kỷ niệm, là lời cảm ơn về những gì Tổ quốc dành cho họ. 

Trở về từ Ba Lan sau 8 năm định cư, chị Phạm Lan Anh, quê Nam Định, được cách ly tại trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội (Sơn Tây, Hà Nội) - nơi mà trong dịch COVID-19 này, người ta chỉ gọi ngắn gọn là "Khu cách ly Sơn Tây". Coronavirus bùng phát ở châu Âu, chị cùng các con nhỏ, chị gái và bố trở về Việt Nam tránh dịch. Chị Lan Anh về khu cách ly này cùng với hơn 200 người từ Thụy Điển, Séc, Đan Mạch, Nga.

“Tôi yêu tất cả các bạn, yêu con người Việt Nam. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới từng người vì đã chăm sóc chúng tôi, đó là những người lính, đội ngũ y tế, lái xe...”.

Pavet Pachidu, người quốc tịch Ba Lan và Anh

Ngay khi xuống sân bay, gia đình chị được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm và đưa về đây cách ly 14 ngày. Hết thời gian cách ly, chị ghi lại những dòng lưu bút, bắt đầu bằng những lời cảm ơn: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn dang tay đón những đứa con xa xứ trở về! Cảm ơn các chú bộ đội, đội ngũ y tế, nhà bếp đã hết lòng giúp đỡ em trong 14 ngày cách ly”.

"Sau một ngày dài, 21 giờ, chúng tôi có mặt ở khu cách ly, được đo thân nhiệt, rồi được đưa đi nhận phòng. Vừa lên đến phòng thì hành lý cũng được các chú bộ đội mang lên đến nơi, cơm được phát ngay sau đó, thêm đồ dùng cá nhân. Rồi chú chỉ huy đến gõ cửa từng phòng nói: “Mọi người, ai thiếu gì cứ báo, tôi sẽ mang lên”.

Mỗi ngày, vào lúc 6 giờ 30 phút, các chú bộ đội đã đi phát đồ ăn sáng. Bảy giờ, loa phát thanh thông báo tình hình thông tin ngày hôm trước, tình hình dịch bệnh. Cũng không khi nào thiếu lời nhắc nhở đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Tám giờ là thời gian nhân viên y tế đến từng phòng đo nhiệt độ. Mọi người nháo nhác hỏi, bao nhiêu độ thì có nguy cơ? Làm thế nào để biết hiện tượng mình bị nhiễm?...

Dù những câu hỏi giống nhau nhưng các anh, các chú đều từ tốn trả lời, giải thích để từng người hiểu và không quên dặn: “Nếu ai có hiện tượng ho, sốt thì xin báo ngay với chỉ huy”. Đến 11 giờ 30 phút, những tiếng gọi bình dị vang lên: “Mọi người ơi, có cơm rồi ạ”. Thế là cơm trưa được các chú bộ đội xách lên từng phòng".

Trong dòng lưu bút, Lan Anh kể, những ngày cách ly, thỉnh thoảng, trên loa phát thanh vang lên giọng nói của người chỉ huy ở đây khiến mọi người nhớ mãi. “Phạm Lan Anh, phòng 4xx TT2”, nghe tên, tôi và mọi người hốt hoảng vì sợ nhận thông báo nhiễm virus. Nhưng không phải, đó là được người nhà gửi “tiếp tế” vào, thông báo xuống nhận đồ", Lan Anh viết.

Trong cuốn sổ lưu bút có 2 trang viết của một du học sinh ký tên “tiểu đội những con đuông dừa” (đuông dừa là một loại côn trùng sống trong thân cây dừa, một số vùng ở ĐBSCL coi là món ăn đặc sản - PV). Lưu bút mở đầu: "Đối với em, những ngày qua thực sự rất yên bình. Có thể, ở ngoài kia số người nhiễm bệnh xuất hiện mỗi ngày, có những người sợ hãi, hoảng loạn. Nhưng ở đây, em thấy an toàn và vô cùng hạnh phúc". 

Rồi những kỷ niệm ăn sâu vào tâm trí những người con xa quê hương được ghi lại chi tiết: "Buổi tối, có anh bộ đội lên phòng em để lấy thông tin. Mọi người hỏi "Chiều nay vừa lấy xong rồi mà”. Thì ra, lúc chiều mưa, anh bộ đội ấy lấy mẫu xong về bị ngã, hỏng mẫu phẩm xét nghiệm, nên giờ phải đi làm lại. Em thấy thương những người lính âm thầm này quá" - lưu bút viết.

Trong những trang lưu bút ấy, cô kể còn khoe với bạn bè nước ngoài rằng: "Tao về Việt Nam được đi cách ly, được làm xét nghiệm, được đo nhiệt độ 2 lần một ngày nhé. Hôm nào cũng được phát khẩu trang miễn phí, được các anh bộ đội và nhân viên y tế quan tâm, chăm sóc tận tình". Và cô cũng so sánh: “Các bạn làm gì được quan tâm, chăm sóc như thế”.

Cuối dòng lưu bút, nữ du học sinh này viết: “Lần đầu được ăn cơm bộ đội, lần đầu nhìn thấy đom đóm, lần đầu được chơi ném còn... mặc dù phải đeo khẩu trang và tuân theo mọi quy định. Đến lúc này, em không còn có cảm giác rằng mình “đang đi cách ly” nữa. Thật là vui và hạnh phúc vì mình là người Việt. Những lúc như thế này mới thấu hiểu câu hát “quê hương là chùm khế ngọt”.

“Xin cảm ơn”

Như bao du khách đến Việt Nam du lịch, chỉ đến khi đáp xuống Nội Bài nhập cảnh được kiểm tra y tế, Pavet Pachidu mới biết mình phải đi cách ly vì là người đến từ vùng dịch. Anh đến với “ngôi nhà chung” này bất ngờ như vậy từ đầu tháng 3. Trong lưu bút của Pavet Pachidu đề ngày 17/3/2020 ghi: “Tôi là người hai quốc tịch, Ba Lan và Anh. Đây là lần thứ tư tôi đến Việt Nam.

Chúng tôi được cung cấp tất cả mọi thứ mình cần, từ đồ ăn, nước nóng, chăn gối và không thiếu những nụ cười thân thiện. Các bạn có thể tự hào về đất nước của mình, với cách giải quyết khủng hoảng khi nguồn lực hạn chế. Thậm chí, tôi cảm thấy còn tốt hơn nhiều so với nước Anh của tôi. Tôi yêu tất cả các bạn, yêu con người Việt Nam. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới từng người vì đã chăm sóc chúng tôi, đó là những người lính, đội ngũ y tế, lái xe...”.

Rồi xuất hiện những dòng lưu bút vừa khôi hài, vừa trẻ trung, đầy cảm xúc kèm hình ảnh được vẽ lại. Đó là lưu bút của Hoa Ngọc Anh: “Còn 3 ngày nữa là cháu và 15 người bạn cùng phòng sẽ kết thúc 14 ngày cách ly. Sắp không được ăn cơm của các chú, không được kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ ngày, không được ai phát khẩu trang mỗi sáng nữa rồi.

Cháu đang tự hỏi không biết kiếp trước ghi công cho Tổ quốc thế nào, chắc phải “siêu to khổng lồ” lắm nên kiếp này mới có duyện gặp được những chú bộ đội và bạn bè mới thế này. Cháu mong là sớm được gặp lại mọi người mà không phải đeo khẩu trang, không phải khử trùng mỗi khi chạm tay, để được thoải mái trò chuyện, vui cười. Để chúng cháu có thể được cảm ơn các chú bộ đội nhiều hơn nữa”.

MỚI - NÓNG