Xây dựng cảng biển Trần Đề để đưa vùng đất Chín rồng 'cất cánh'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự án cảng nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được dự báo có thể đón tổng lượng hàng hóa lên đến khoảng 30,7 - 41 triệu tấn mỗi năm, đồng thời giúp kéo giảm chi phí hàng hóa xuất, nhập khẩu, phát triển công nghiệp, tạo đột phá cho kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước, nhất là lúa gạo, tôm, cá và trái cây. Tuy nhiên, vùng này vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa xứng với tiềm năng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải.

Xây dựng cảng biển Trần Đề để đưa vùng đất Chín rồng 'cất cánh' ảnh 1

Phối cảnh cảng biển nước sâu Trần Đề

Theo ông Lâu, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP. Hồ Chí Minh làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

Mới đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu nay của vùng.

Xây dựng cảng biển Trần Đề để đưa vùng đất Chín rồng 'cất cánh' ảnh 2

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, Thủ tướng đã có Quyết định 886 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, cảng biển nước sâu Trần Đề được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng ĐBSCL. Đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỉ đồng. Tổng diện tích quy hoạch bến cảng là 5.400ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi là 1.400ha với cầu vượt biển dài 18km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

“Với những định hướng trên, cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL; giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề. Đồng thời tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết, Dự án cảng biển Trần Đề đã được nghiên cứu nhiều năm và cần thiết phải triển khai càng sớm càng tốt.

Theo ông Thể, những năm gần đây, đóng góp của vùng ĐBSCL vào GDP cả nước ngày càng thấp. Vùng ngày càng nghèo hơn so bình quân cả nước và so với thế mạnh của vùng. Nhiều nghiên cứu cho rằng một trong những nguyên nhân đó là do ĐBSCL chưa có cảng biển cửa ngõ.

“Không có cảng này thì ĐBSCL sẽ mãi nghèo, người dân không có việc làm, phải đi làm thuê, kéo theo nhiều bất ổn xã hội. Vì thế, Đảng, Nhà nước thấy cần thiết phải xây dựng một cảng cửa ngõ cho ĐBSCL. Nếu đầu tư sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng tạo đột phá cho phát triển. Nếu làm chậm sẽ tiếp tục nghèo khó, phát sinh các vấn đề xã hội lớn”, ông Thể nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG