Xem ngay series “Street Food” của Netflix, để thấy đồ ăn đường phố ngon không tưởng

Xem ngay series “Street Food” của Netflix, để thấy đồ ăn đường phố ngon không tưởng
HHT - Nếu bạn còn nghĩ đồ ăn đường phố không thể sánh bằng nhà hàng sang xịn, thì series Street Food của Netflix sẽ cho thấy điều ngược lại.

Street Food có gì khác biệt?

Thật ra đây không phải lần đầu Netflix làm phim tài liệu về ẩm thực, khi đã có một số series được phát hành như Ugly Delicious, Salt Fat Acid Heat hay Chef’s Table. Mô-típ của dòng phim này thường bao gồm cảnh quay chậm người đầu bếp đi vòng quanh đám đông, nguyên liệu được đổ vào chảo nóng, góc quay cận bàn tay điêu luyện của bếp trưởng. Sau đó là đến phần “sâu sắc”: Mỗi món ăn sẽ được nâng lên làm hình ảnh ẩn dụ hay biểu tượng văn hóa.

Xem ngay series “Street Food” của Netflix, để thấy đồ ăn đường phố ngon không tưởng ảnh 1

Đừng vội ngáp hay nghĩ Street Food sẽ đi vào lối mòn ấy. Ngôn ngữ điện ảnh vẫn hiện rõ trên từng thước phim của Street Food. Tuy nhiên, điều khiến series này khác biệt đó là thời lượng phim dùng để giải thích mối liên hệ giữa ẩm thực và cuộc sống của những người làm ra nó. Đói nghèo và sự mưu sinh bao phủ lấy những người đầu bếp trong Street Food. Câu chuyện kể về cách mà các chủ quán ăn đạt đến đỉnh cao ẩm thực khi vẫn đang “chiến đấu” với những vấn đề cá nhân.

Khi khó khăn chỉ là thử thách

Street Food gồm 9 tập, quay tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ nổi tiếng với ẩm thực đường phố châu Á như: Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Đáng yêu nhất có lẽ là tập Osaka (Nhật Bản) với nhân vật chính là ông chủ quán ăn đường phố Izakaya Toyo. Người ta gọi ông là “diễn viên hài” hay “ảo thuật gia điều khiển lửa”, nhưng ông thích gọi mình là “tên lừa đảo của Kyobashi”.

Xem ngay series “Street Food” của Netflix, để thấy đồ ăn đường phố ngon không tưởng ảnh 2

Ông đã có những câu nói truyền cảm hứng như “Tôi không thích chạy theo xu hướng. Bạn phải đặc biệt để làm nên điều khác biệt”. Không chỉ bán cá ngừ, Izakaya Toyo còn muốn làm vui lòng khách hàng, vì ông tin làm người khác hạnh phúc còn quan trọng hơn cả kiếm tiền. Tại Osaka, những phần của con cá ngừ không thể dùng làm món sashimi sẽ bị bỏ đi. Ông lấy chúng về để chế biến món ăn và gọi đó là “trò lừa đảo hay nhất đời tôi”.

Mắt ông ngấn lệ khi kể về người mẹ qua đời khi ông chỉ mới 6 tuổi, bố thì nghiện rượu. Nhà nghèo túng, ông bỏ học lên Osaka tìm việc, trải qua 10 năm làm đủ công việc vất vả để dành dụm 11 triệu yên mở quán ăn. Một lần nữa cuộc đời lại thử thách Izakaya Toyo: bố ông mất, và ông phải dành 7 triệu yên cho tang lễ. Với 4 triệu yên còn lại. ông đã mở quán hàng rong đầu tiên. Có những lúc ông đã làm việc 50 ngày liền không nghỉ, chỉ ngủ 4 giờ mỗi ngày. Nhờ tài nghệ của mình, quán của Izakaya Toyo dần nổi tiếng, và cuối cùng, ông đã có một quán ăn đàng hoàng cho riêng mình. “Mong ước lớn nhất của tôi là ngã xuống khi đang làm việc”, chủ quán chia sẻ.

Xem ngay series “Street Food” của Netflix, để thấy đồ ăn đường phố ngon không tưởng ảnh 3

Trong tập quay ở Seoul (Hàn Quốc), người phụ nữ tên là Cho Yonsoon vừa bán mì dao cạo tại khu chợ công cộng vừa kể về câu chuyện đầy cực khổ của mình. Sau nhiều năm làm mẹ/ làm nội trợ, gia đình cô lâm vào cảnh nợ nần. Cho Yonsoon buộc phải đi làm để chi trả cho việc học của các con. Cô vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi bị bắt nạt bởi những tiểu thương khác trong chợ, nhưng nụ cười chưa bao giờ vụt tắt nơi người phụ nữ này.

Ngay tại TP.HCM, một câu chuyện rất đỗi thân thuộc đã được kể lại. Quán ốc của một người phụ nữ thường xuyên bị các nhóm “xã hội đen” đòi tiền “bảo kê”. Nhưng cũng giống như những trường hợp trên, cô không từ bỏ mà từng bước vay mượn tiền, dùng những nguyên liệu đắt tiền hơn nhằm xây dựng danh tiếng cho hàng ốc của mình.

Xem ngay series “Street Food” của Netflix, để thấy đồ ăn đường phố ngon không tưởng ảnh 4

Ngoài ra, cũng có những tập mà nhân vật chính không làm ẩm thực chỉ vì mưu sinh. Cô gái trẻ tên Aisha Hashim tại Singapore làm việc nhằm giúp hiện đại hóa công việc kinh doanh của cha mẹ cô. Nhờ đó, những quán hàng rong cũ kĩ sẽ không phải biến mất giữa chốn Singapore hiện đại bậc nhất châu Á.

“Thật” như Street Food

Những người đầu bếp được lựa chọn trong Street Food đều là những trường hợp đi từ số âm đến thành công - kiểu mô-típ truyền cảm hứng rất dễ để truyền tải. Tuy nhiên, Street Food vẫn “thật” hơn bất kì show ẩm thực nào khác. Đã không có những bếp trưởng ăn vận bảnh bao trổ tài nơi nhà bếp một khách sạn năm sao nào đó. Cũng không có một chuyên gia ẩm thực triệu phú như Anthony Bourdain đi vòng quanh thế giới thuyết giảng về ẩm thực và văn hóa.

Xem ngay series “Street Food” của Netflix, để thấy đồ ăn đường phố ngon không tưởng ảnh 5

Nhân vật chính trong Street Food là những đầu bếp vô cùng bình dị mà bạn có thể bắt gặp ở bất kì đâu trong cuộc sống. Với Street Food, ẩm thực thật sự được tạo nên từ nơi tận cùng tuyệt vọng. Khác với những bếp trưởng trên, những người đầu bếp trong Street Food không chỉ nấu ăn vì đam mê. Họ còn nấu ăn để tồn tại. Có ý kiến cho rằng hướng tiếp cận của Street Food khiến người xem xao nhãng khỏi ẩm thực. Nhưng có lẽ phản ứng của khán giả sẽ là “nếu thật vậy, chúng tôi cũng chẳng cần tập trung vào ẩm thực”.   

Theo hht 1308
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Kim Sae Ron nói lời cuối vụ tung ảnh với Kim Soo Hyun, cựu phóng viên Hàn chỉ rõ ý đồ

Kim Sae Ron nói lời cuối vụ tung ảnh với Kim Soo Hyun, cựu phóng viên Hàn chỉ rõ ý đồ

HHT - Sau tuyên bố lấp lửng rằng "đang sắp xếp lại các quan điểm" chuẩn bị đưa ra tuyên bố chính thức thì hôm nay Kim Sae Ron cho biết cô sẽ không nói gì thêm. Trước đó, YouTuber/ cựu phóng viên giải trí nổi tiếng Lee Jin Ho cho biết hành động của nữ diễn viên khả năng là chỉ để "flex", khoe với netizen.