Xét tuyển bằng học bạ sẽ tăng?

0:00 / 0:00
0:00
Xét tuyển bằng học bạ sẽ tăng?
SVVN - Xét tuyển bằng học bạ vẫn được xem là xu hướng của các trường. Với phương thức xét học bạ, thí sinh chủ động về thời gian xét tuyển, có thể tham gia xét tuyển sớm để tăng cơ hội trúng tuyển.

Thống kê cho thấy, mùa tuyển sinh 2021, có hơn 100 trường ĐH, CĐ sử dụng phương thức xét tuyển học bạ và dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức này.

Theo các trường ĐH, lợi thế của phương thức này là nhanh, có trước điểm thi tốt nghiệp THPT nên thí sinh chủ động, nhà trường cũng tiếp cận được nhiều thí sinh hơn. Nộp càng sớm, cơ hội trúng tuyển càng nhiều, vì vậy phương thức này vẫn được nhiều thí sinh và các trường ĐH chọn lựa xét tuyển (chỉ xếp sau phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT).

Thực tế, dù mỗi năm một số trường đều tổ chức nhiều đợt tiếp nhận hồ sơ xét tuyển học bạ, song lợi thế luôn thuộc về những thí sinh nộp sớm. Qua mỗi đợt xét, số điểm trúng tuyển càng tăng lên, tùy vào tình hình thực tế của mỗi ngành mà điểm sẽ dao động khoảng 2 - 5 điểm, thậm chí có năm lên đến 7 điểm.

Xét tuyển bằng học bạ sẽ tăng? ảnh 1

Thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinht tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

ThS Trần Hải Nam - Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Công nghệ TP. HCM cho biết, trong năm tuyển sinh 2021, cổng đăng ký xét tuyển học bạ của trường ghi nhận số lượng xét tuyển tăng mạnh ngay sau khi điểm chuẩn nguyện vọng được công bố, vào giữa tháng 9/2021. Với xu hướng xét tuyển này, mức độ cạnh tranh khi xét tuyển học bạ trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng cao và điểm trúng tuyển cũng có thể biến động. Chính vì thế, với phương thức xét học bạ, thí sinh nên nhanh chóng đăng ký ở thời điểm hiện tại, khi điểm chuẩn còn vừa tầm để đảm bảo cơ hội học đại học đúng ngành yêu thích.

Theo ThS Phạm Doãn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF), tại trường, hằng năm, phương thức xét học bạ luôn thu hút thí sinh tham gia nhiều vào các đợt đầu tiên. Việc tham gia xét tuyển sớm giúp thí sinh an tâm cho suất vào đại học trước bối cảnh chung.

Xét tuyển bằng học bạ sẽ tăng? ảnh 2

Nộp hồ sơ sớm sẽ gia tăng cơ hội trúng tuyển với thí sinh?

So với năm 2021 thì năm 2022, trong đề án tuyển sinh, trường xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ THPT. Trường điều chỉnh xét từ 5 học kỳ đầu THPT của năm 2021 thành xét tuyển học bạ 3 học kỳ THPT (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) nhằm nâng cao chất lượng xét tuyển đầu vào. Các phương thức xét học bạ, trường dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu từ tháng 3/2022.

Nhận hồ sơ xét học bạ sớm nhất tại khu vực TP. HCM là trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM. Theo ThS Phạm Thái Sơn – GĐ Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường, năm 2022, trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT (phương thức 1), tương ứng với 1.400 chỉ tiêu và trường nhận hồ sơ xét tuyển ngày từ 1/1/2022. Sau thời điểm này, thí sinh nộp hồ sơ sẽ xét tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên sẽ nộp hồ sơ từ 1/5/2022 đến 15/6/2022.

Theo một số trường, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các địa phương thực hiện học trực tuyến trong phần lớn học kỳ I của năm học 2021 - 2022, có thể gây tâm lý e ngại về thực chất xét tuyển vì học trực tuyến không đảm bảo như trưc tiếp. Dù vậy, phương thức xét học bạ (sử dụng tổng điểm 5 học kỳ hoặc tổng điểm lớp 12) vẫn sẽ được sử dụng nhiều, chỉ xếp sau phương thức xét điểm thi THPT.

Theo ThS Nguyễn Bích Ngọc – Phòng Truyền thông, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM), năm 2021, tổng chỉ tiêu phương thức 4 và 5 của trường là 30%. Năm 2022, trường dành hẳn phương thức 6 để xét học bạ cho các thí sinh chương trình liên kết IU.

Xét tuyển bằng học bạ sẽ tăng? ảnh 3

Năm 2022 trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) dành hẳn phương thức 6 để xét học bạ thí sinh chương trình liên kết IU.

“Đây là một sự thay đổi lớn của trường so với mọi năm. Ngoài ra, trường cũng xét học bạ đối với các thí sinh chương trình quốc tế hoặc quốc tịch nước ngoài. Lợi thế của phương thức này là nhanh, học bạ có trước điểm thi THPT và thí sinh nào cũng có thể tham gia. Ngoài ra, ưu thế của học bạ là thể hiện cả quá trình học 3 năm của thí sinh ở bậc THPT để thấy sự toàn diện quá trình học”, ThS Bích Ngọc cho cho biết.

Theo bà Ngọc, mặc dù xét học bạ chưa hẳn dễ trúng tuyển hơn các phương thức khác nhưng so với xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đỡ căng thẳng hơn và còn phù hợp với tiêu chí đào tạo của các trường. Các trường cũng thuận tiện hơn trong nhận và xét hồ sơ sớm, chọn lựa được thí sinh theo tiêu chí đào tạo. Ví vậy, trong bối cảnh bị ảnh hưởng vì dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét học bạ cũng có thể đông hơn các năm”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

Chuyên gia Tâm lý mách nước cho các bạn trẻ nhận biết ‘hội chứng Over thinking’

SVVN - ThS Tâm lý Phan Thị Mai Quyên - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM đã có buổi chia sẻ với các bạn học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q. 5, TP. HCM) về chủ đề “Over thinking của GenZ: Làm sao để vượt qua?”. Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức ngày 15/5.