Chúng ta chẳng thể là tất cả, để muốn làm gì thì làm
Vừa qua, một chú hải cẩu lạc vào bãi biển Đồi Dương thuộc thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được cho là đã bị đánh chết gây bất bình dư luận. Chú hải cẩu đã xuất hiện tại đây từ đầu tháng 12/2016. Sự xuất hiện của loài vật ôn đới này làm nhiều người rất thích thú, đặc biệt là trẻ em. Khi phơi nắng mà thấy con người, chú sẽ trốn xuống biển, nhưng nếu người dân tỏ ra vui vẻ, chú sẽ ở lại đùa nghịch, làm trò, đặc biệt là khi nhận được những tràn vỗ tay khuyến khích.
Khoan nói đến chuyện chú hải cẩu có phá phách gì không, việc đánh vỡ đầu một sinh vật thân thiện như thế chẳng khác nào là tội ác. Là chúng ta không có ý thức hay đã quen với việc đối xử tàn bạo với những sinh vật khác rồi? Hay là cả hai, để mặc nhiên điều đó trở nên bình thường?
Còn nhớ vào tháng 8/2016, cũng có một chú hải cẩu xuất hiện ở Quảng Nam, và đã bị người dân nơi đây bắt, họ đòi đưa tiền để thả chú hải cẩu ra. Rồi nạn trộm chó hoành hành bao nhiêu năm qua vẫn chưa chấm dứt. Ngay cả loài vật được xem là trung thành với con người nhất đấy. Hay như ở quê tôi, ngày trước có một địa điểm du lịch nổi tiếng là vườn cò. Thế mà mặc nhiên, người ta cứ bắt khi những đàn cò bay đi bay về, hoặc là để bán cho việc “làm thịt”, hoặc là… bán lại cho vườn cò đó. Để giờ đây, những đàn cò trắng chẳng biết còn lại bao nhiêu.
Trái Đất này không phải là của riêng ta, để ta muốn làm gì thì làm. Chúng ta chẳng thể là tất cả, để đối xử với mọi loài theo ý thích. Ta phải và buộc phải chia sẻ hành tinh này với muôn loài. Vì chúng ta chẳng thể tồn tại đơn độc.
Có những sinh vật sinh ra không phải để cho vào mồm
Nhà báo Phạm Lan Phương (Khải Đơn) chia sẻ: “Có lẽ xã hội chúng ta quen với việc ăn thịt tất cả mọi loài, giết tất cả các con trong tầm tay. Thịt chó, thịt mèo, thịt chim đồng, thịt cò... nói chung cứ là đạm thì “thịt” được tất. Thậm chí, ở trước cửa một khu bảo tồn chim chóc lập tức có người bán thịt chim treo một dề cho khách.”
Vậy đó, cái nếp nghĩ thiếu ý thức về mọi loài đã bắt đầu hình thành từ câu chuyện thường nhật - chuyện ăn uống. Rồi từ đó, chúng ta đã dần mặc định mình có thể ăn tất cả, và mình có quyền đối xử với mọi loài theo ý mình muốn. Mọi ý thức, hành động sai trái đều bắt nguồn từ những chuyện nhỏ như thế. Để khi vấn đề lớn lên, chúng ta không còn khả năng nhận ra điều mình đã làm là nhẫn tâm đến nhường nào. Bắt chó vì miếng mồi cho bàn nhậu? Đánh vỡ đầu, lồi mắt hải cẩu vì nó “thường xuyên phá, cắn rách lưới và ăn cá của ngư dân”?
Thế chẳng lẽ chúng ta không ăn bất cứ loài vật nào? Chúng ta cứ ăn chay tất? Về điều này, tôi rất đồng ý với quan điểm của tác giả Khải Đơn: “Tôi nghĩ con người cũng như mọi loài khác, cần ăn, ăn thịt một số loài nào đó, để sinh tồn. Đó là tự nhiên. Nên nói rằng nếu mày yêu động vật thì nghỉ ăn thịt heo bò gà luôn đi - là một điều tôi không làm.
Nhưng nếu nói con người có đặc quyền giết bất cứ loài nào, thì đó là một ý nghĩ kinh tởm. Khi đã có đủ thức ăn, đủ sự sinh tồn, giết các loài khác cho vui, giết để ăn "xả xui", hành hạ nó đổ máu để đăng Facebook, hay đập đầu chết nó xong vứt lại xác là một hành động không chút tự nhiên, là hoang phí thiên nhiên bởi sự kiêu hãnh và độc ác”.
Đừng sai nữa, đừng đi ngược dòng văn minh thế giới nữa!
Thế giới từ lâu đã rất chú trọng đến sự phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên. Đây là một điều chúng ta buộc phải làm. Không chỉ vì tuân theo Quy luật tồn tại của hệ sinh thái, mà còn vì một xã hội văn minh không cho phép chuyện đánh chết loài vật khác hay thản nhiên ăn thịt các loài vật nuôi, các loài động vật quý hiếm xảy ra.
Như ở Phần Lan, một anh chàng đã chụp được những bức ảnh vô cùng thú vị về các loài vật trong tự nhiên. Làm được điều này đơn giản chỉ vì người Phần Lan ai cũng thân thiện với thiên nhiên, không ai làm hại động vật cả nên đã xây dựng được niềm tin và sự gần gủi với chúng.
Nguồn: Skillshare.
Bỏ qua câu chuyện về việc cho thú ăn để chụp ảnh như thế có đúng hay không, có một điều chúng ta có thể nhận ra: Nếu chúng ta không trở nên đáng sợ trong mắt các loài vật khác, thì sự thật đúng là thế, chúng ta không đáng sợ.
Thế nên, đừng để mọi loài một ngày nào đó đều khiếp sợ con người. Vì chúng ta chẳng thể nào là tất cả.
H. HAWLIET
Ảnh: Internet, @natgeo