Tại trận đấu tứ kết giữa đội tuyển Olympic Việt Nam và Olympic Syria, các cầu thủ Syria đã chiến đấu với quyết tâm đòi lại món nợ bị Việt Nam loại ở VCK U23 châu Á hồi đầu năm. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với họ. Lần tái ngộ này, các cầu thủ Việt Nam đã thắng đối thủ ở những phút cuối cùng trong hiệp phụ, giành vé vào bán kết gặp Olympic Hàn Quốc.
Sau khi trận đấu kết thúc, trái ngược với màn ăn mừng hạnh phúc của các cầu thủ Việt Nam là những giọt nước mắt thất vọng của đại diện đến từ Tây Á. Một lần nữa họ là những người được đánh giá cao hơn nhưng vẫn bị loại.
Hình ảnh các cầu thủ Syria gục ngã trên sân ôm mặt khóc nức nở gây chú ý trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh những bình luận cảm thông với đội bạn, nhiều khán giả Việt Nam còn thắc mắc vì sao áo đấu của Olympic Syria chỉ có số mà không có tên cầu thủ.
Trong các giải đấu thể thao lớn, quy định về trang phục thường khá khắt khe. Ví dụ như khi tham gia World Cup, FIFA yêu cầu áo thi đấu phải có số áo và tên cầu thủ phải được in rõ ràng nhưng không được in quá 5mm. Tuy nhiên ở những giải đấu cấp châu lục hoặc trong nước, quy định về trang phục của các cầu thủ bóng đá lại đơn giản hơn. Nhiều đội bóng từng đổi số áo cầu thủ nhiều lần trong một giải đấu để "giấu bài" đối phương. Cũng có những trường hợp không in tên cầu thủ mà chỉ có số áo và những họa tiết đặc trưng cho quốc gia mỗi đội. Thậm chí có trường hợp cá biệt khi cầu thủ yêu cầu in biệt danh lên áo thi đấu, thay vì in đầy đủ tên họ như bình thường.
Trước đây, khi đội tuyển bóng đá nữ Syria sang Việt Nam tham dự vòng loại Asian Cup 2018, câu chuyện áo đấu đặc biệt này cũng từng khiến các cổ động viên tò mò. Trả lời một cuộc phỏng vấn của báo Việt Nam, nữ cầu thủ Mary Abdull Saleh cho biết trong hoàn cảnh đất nước trở thành điểm nóng chính trị, người dân Syria vẫn luôn tiến lên phía trước. Và họ chọn bóng đá là công cụ truyền tải thông điệp gửi đến thế giới.
"Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng, Syria là khối thống nhất. Không gì có thể chia rẽ đất nước chúng tôi. Đó là tinh thần một Syria", đội trưởng Mounier Monther - HLV thể chất chuyên nghiệp đang điều hành trung tâm bóng đá trẻ tại Syria từng chia sẻ.
Syria từng có một đất nước xinh đẹp, có những công trình vĩ đại được thế giới xem là di sản, cho đến khi cuộc nội chiến kéo tới và phá đi tất cả.
Hầu như các cầu thủ Syria đều phải lang thang phiêu bạt khắp nước ngoài, trong một năm qua họ chưa hề được đá bóng cùng nhau. Bởi đất nước họ đang xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt, một căn nhà nguyên vẹn còn khó tìm, thế nên sân tập, những học viện để đào tạo cầu thủ dường như là một thứ gì đó "xa xỉ".
Tuyển Syria có thể hình tốt, họ có một thế lực tốt và kiểm soát bóng tốt, nhưng điều họ không có như chúng ta - một đất nước hòa bình. Các cầu thủ của chúng ta cùng nhau chơi bóng dưới một mái nhà Việt Nam, những người hâm mộ được an toàn thưởng thức các trận đấu, thỏa sức tận hưởng những phút giây ăn mừng chiến thắng ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ. Điều mà các cầu thủ Syria, những người hâm mộ Syria không có được và cũng không biết lúc nào mới có được.
Trong niềm vui chiến thắng của dân tộc, gửi đến đội bạn lời cầu chúc hoà bình!