Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/2: Nga hứng chịu cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy 128 máy bay không người lái trên các khu vực của nước này trong đêm ngày 25, rạng sáng 26/2.

Kênh Telegram Astra cho biết, đã có nhiều tiếng nổ vang lên từ các thành phố Tuapse và Anapa ở tỉnh Krasnodar Krai (Nga). Thống đốc Krasnodar Krai - Veniamin Kondratyev - tuyên bố không có thương vong nào trong khu vực, và chỉ có một số ngôi nhà bị hư hại. Sân bay Sochi đã phải đóng cửa.

Người dân địa phương báo cáo rằng máy bay không người lái đã tấn công cảng biển thương mại Tuapse. Tổng cộng hơn 40 tiếng nổ đã được ghi nhận ở Tuapse.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 83 máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở Krasnodar. 30 máy bay khác bị đánh chặn ở bán đảo Crimea, tám chiếc ở Biển Azov, năm chiếc ở Biển Đen, một chiếc ở Bryansk và một chiếc ở Kursk.

Đây là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất của Ukraine nhằm vào Nga kể từ đầu năm.

Ông Rodion Miroshnik, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết cuộc tấn công là “nỗ lực của Ukraine nhằm chứng minh cho phương Tây thấy tiềm năng quân sự của mình, và ý định của nước này trong việc làm gián đoạn tiến trình hòa bình”.

Cùng ngày, Không quân Ukraine cho biết, quân đội Nga đã tấn công nước này bằng 177 máy bay không người lái các loại trong đêm 25 rạng sáng 26/2.

Tổng cộng 110 máy bay không người lái đã bị phá hủy, và 66 máy bay đã biến mất khỏi radar.

Cuộc tấn công ảnh hưởng đến các tỉnh Kiev, Kharkiv, Kirovohrad và Sumy.

Triều Tiên có thể tăng cường cung cấp thiết bị quân sự cho Nga

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ngày 25/2 cho biết, Triều Tiên có thể tăng cường cung cấp thiết bị quân sự cho Nga trong bối cảnh hợp tác song phương ngày càng sâu sắc.

Trước đó, truyền thông Nga và Triều Tiên đưa tin quan chức Bộ Ngoại giao Nga Andrei Klimov và Đại sứ Triều Tiên tại Nga Sin Hong Chol đã gặp một phái đoàn cấp cao của Triều Tiên tại Mátxcơva.

Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cho biết, các bên đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa đảng Nước Nga thống nhất và đảng Lao động Triều Tiên như một phần của quan hệ đối tác chiến lược.

Trong khi đó, tờ Korea JoongAng Daily của Hàn Quốc công bố hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs PBC cho thấy lưu lượng hàng hóa dường như đang tăng cao giữa Nga và Triều Tiên.

Các vệ tinh đã xác định được một con tàu dài 110 m neo đậu tại cảng Rason, nằm gần biên giới với Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, còn có một hàng container dài khoảng 100 m gần bến tàu.

Tháng 11/2023, ISW từng tuyên bố Triều Tiên có thể đã sử dụng cảng này để vận chuyển đạn dược đến Vladivostok.

Nga - Mỹ nêu quan điểm đối lập về lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn tìm một "hình thức gìn giữ hòa bình được các bên chấp nhận", sau khi Điện Kremlin bác bỏ tuyên bố trước đó của ông rằng Nga sẽ "đồng ý với việc triển khai quân đội NATO đến Ukraine theo một thỏa thuận hòa bình tiềm năng".

Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/2: Nga hứng chịu cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ đầu năm ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Trump hôm 24/2 gợi ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ "chấp nhận" việc triển khai quân đội phương Tây tại Ukraine. “Lãnh đạo Nga không có vấn đề gì với điều đó”, ông Trump nói.

Bình luận về tuyên bố này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/2 khẳng định lập trường của Mátxcơva không thay đổi kể từ khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh vào tuần trước, rằng "sự hiện diện của lực lượng vũ trang từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)" là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" đối với Mátxcơva.

Sau đó cùng ngày, ông Trump khẳng định "thực ra đó là điều tôi đã thảo luận" với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một "hình thức gìn giữ hòa bình được mọi người chấp nhận".

"Sẽ cần một số hình thức gìn giữ hòa bình. Vì vậy, sẽ có một phương án có thể làm hài lòng tất cả mọi người", ông Trump nói với các phóng viên. "Cuối cùng, chúng ta sẽ có thể đồng ý về một điều gì đó, tôi chắc chắn vậy".

Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đã điện đàm trong hơn một giờ. Cuộc trò chuyện liên quan đến nhiều chủ đề, bao gồm cả cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Tuy nhiên, không bên nào đề cập đến bất kỳ thỏa thuận nào có thể liên quan đến việc triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine.

Nga sẽ chỉ chấp nhận việc triển khai quân đội nước ngoài tới Ukraine như một phần của sứ mệnh Liên Hợp Quốc, ông Vassily Nebenzia - Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc - nói với RIA Novosti vào đầu tháng này, tuyên bố rằng bất kỳ lực lượng quân sự nào khác cũng sẽ được coi là lực lượng chiến đấu thường xuyên.

Một số nhà lãnh đạo cấp cao của châu Âu, đáng chú ý nhất là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer, đã đưa ra ý tưởng gửi quân nhân tới Ukraine. Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần loại trừ việc gửi quân đội Mỹ, khẳng định rằng các thành viên NATO châu Âu nên chịu trách nhiệm chính về việc đảm bảo an ninh cho Kiev.

Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra với Kiev, Mátxcơva cảnh báo rằng họ sẽ coi bất kỳ nhóm quân nào vào Ukraine mà không có sự đồng ý của Nga là mục tiêu hợp pháp.

Ukraine chuẩn bị nhận 5.000 hệ thống Starlink từ một thành viên NATO

Ba Lan có kế hoạch chuyển giao một lô hệ thống internet vệ tinh Starlink mới cho Ukraine. Lô hàng gồm 5.000 thiết bị đầu cuối, có thể đến Ukraine trong những tuần tới.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số Ba Lan Krzysztof Jackowski, trong một cuộc phỏng vấn với TVN24 xác nhận, Ba Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ dịch vụ truyền thông vệ tinh Starlink tại Ukraine.

Ông nhấn mạnh rằng, Chính phủ Ba Lan đang hỗ trợ internet tại Ukraine và trả phí thuê bao cho các thiết bị đầu cuối Starlink.

Khi được hỏi về việc các phương tiện truyền thông đưa tin Mỹ có thể cắt quyền tiếp cận của Ukraine đối với hệ thống Internet vệ tinh Starlink, ông nói: "Tôi không thể một công ty nào của Mỹ chấm dứt những hợp đồng như vậy".

Xung đột Nga - Ukraine ngày 26/2: Nga hứng chịu cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ đầu năm ảnh 2

Vị quan chức này thông báo, Warsaw đặt hàng 5.000 thiết bị đầu cuối Starlink khác, hiện đã được thanh toán một phần và sẽ được gửi đến Ukraine trong những tuần tới.

Ông cũng lưu ý, 25.000 thiết bị đầu cuối Starlink đang hoạt động tại Ukraine và nói thêm rằng Ba Lan là một trong những nhà tài trợ lớn nhất về an ninh của Ukraine tại châu Âu.

Starlink là bộ định tuyến di động cung cấp quyền truy cập vào internet vệ tinh. Khoảng 85% trong số 20.000 thiết bị đầu cuối hiện đang hoạt động tại Ukraine được tài trợ toàn bộ hoặc một phần từ các nguồn bên ngoài, bao gồm Chính phủ Mỹ, Anh và Ba Lan.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trước đó cho biết, chưa có quyết định nào từ Mỹ về việc dừng hoạt động các thiết bị Starlink, nhưng Ukraine sẽ chuẩn bị để ứng phó trước các kịch bản có thể xảy ra.

Theo Tass, Pravda
MỚI - NÓNG
Công an làm việc với người tung tin thất thiệt 'mẹ sát hại con để lấy tiền bảo hiểm'
Công an làm việc với người tung tin thất thiệt 'mẹ sát hại con để lấy tiền bảo hiểm'
TPO - Công an đã mời người livestream phát tán thông tin về vụ việc gây sốc ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Người này thừa nhận do suy nghĩ thiếu chín chắn nên đã livestream có nội dung sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân và tác động ảnh hưởng tiêu cực tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?
Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?
TPO - Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về nhu cầu thịt lợn, ước tính lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người xấp xỉ 37 kg/người trong năm 2024. Chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước góp phần khiến giá lợn tăng cao thời gian qua.
Bình luận