Xung đột Nga - Ukraine ngày 27/3: Ukraine nói Nga mất gần 100 tên lửa hành trình khi căn cứ chiến lược bị tấn công

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quân đội Nga được cho là đã mất 96 tên lửa hành trình phóng từ máy bay trong cuộc tấn công của lực lượng Ukraine nhằm vào căn cứ không quân Engels-2 (tỉnh Saratov, Nga) hôm 20/3.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 27/3: Ukraine nói Nga mất gần 100 tên lửa hành trình khi căn cứ chiến lược bị tấn công ảnh 1

Hiện trường vụ nổ. (Ảnh chụp màn hình)

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 27/3 cho biết: "Theo thông tin cập nhật, đối phương đã mất 96 tên lửa hành trình phóng từ máy bay trong cuộc tấn công của lực lượng Ukraine nhằm vào căn cứ không quân Engels-2, bao gồm cả do các vụ nổ thứ cấp".

Theo tính toán của quân đội Ukraine, số tên lửa này có thể được dùng cho ba cuộc tấn công bằng tên lửa trong tháng 3 và tháng 4.

Ngoài ra, cuộc tấn công của Ukraine còn phá hủy các địa điểm lưu trữ nhiên liệu máy bay, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng duy trì các hoạt động chiến đấu của Nga.

Engels-2 là căn cứ quan trọng cho máy bay chiến lược của Nga. Đây là nơi đặt các máy bay ném bom Tu-95MS, Tu-22M3 và Tu-160, cũng như các kho chứa bom FAB, bom dẫn đường trên không và tên lửa hành trình.

Các máy bay phóng tên lửa tấn công Ukraine thường cất cánh từ sân bay này.

Trước đó, báo giới đưa tin các vụ nổ tại căn cứ không quân Engels trong đêm 19 rạng sáng 20/3 là kết quả của một hoạt động tác chiến chung giữa Cơ quan An ninh Ukraine (SSU) và Lực lượng Tác chiến Đặc biệt.

Tình báo Anh coi đây là cuộc tấn công thành công nhất của Ukraine vào Nga trong năm 2025.

Hàn Quốc nói Triều Tiên điều thêm quân đến Nga

Quân đội Hàn Quốc ngày 27/3 cho biết, Triều Tiên dường như đã điều động thêm ít nhất 3.000 binh sĩ đến Nga để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mátxcơva ở Ukraine.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc lo ngại rằng sự liên kết quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga có thể dẫn đến việc Mátxcơva chuyển giao công nghệ vũ khí tiên tiến cho Bình Nhưỡng, để đổi lấy việc triển khai quân đội.

"Trong số khoảng 11.000 binh sĩ Triều Tiên được điều động đến Nga, đã có 4.000 người thương vong, và có vẻ như khoảng 3.000 người hoặc hơn đã được điều động thêm vào tháng 1 và tháng 2", Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết.

Ngoài việc triển khai quân đội, JCS cáo buộc Triều Tiên vẫn tiếp tục cung cấp tên lửa, đạn dược và thiết bị pháo binh cho Nga, bao gồm "một lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và khoảng 220 khẩu pháo tự hành 170 mm và bệ phóng rocket 240 mm".

Quân đội Nga chưa bình luận về thông tin này.

Tổng thống Ukraine đến Pháp

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Pháp vào chiều 26/3 để tham gia một hội nghị thượng đỉnh an ninh của nhóm các quốc gia sẵn sàng hỗ trợ Kiev.

Trước đó, Điện Élysée thông báo hội nghị an ninh sẽ diễn ra ngày 27/3 tại Paris, tập trung vào việc chuẩn bị nền tảng cho một giải pháp hậu chiến ở Ukraine.

Nhóm các quốc gia này đã họp lần đầu tiên vào tháng 3 tại London (Anh) để thảo luận về kế hoạch triển khai lực lượng quốc tế tới Ukraine.

Châu Âu tuyên bố chỉ nới lỏng lệnh trừng phạt khi Nga rút quân khỏi Ukraine

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, việc rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi Ukraine sẽ là một trong những điều kiện chính để dỡ bỏ hoặc sửa đổi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Mátxcơva và Kiev để tạm dừng các cuộc tấn công trên biển và nhằm vào cơ sở năng lượng ở Nga, Ukraine. Đổi lại, Mỹ đồng ý thúc đẩy dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

EU không được mời tham gia các cuộc đàm phán này, nhưng tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận giữa Washington và Kiev.

"Việc chấm dứt những hành động vô cớ và vô lý của Nga tại Ukraine, và việc rút toàn bộ lực lượng quân sự Nga khỏi lãnh thổ Ukraine sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để sửa đổi hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt", người phát ngôn của EU về chính sách đối ngoại và an ninh - Anitta Hipper - cho biết trong một tuyên bố.

Nga thông báo hôm 25/3 rằng Mỹ đã đồng ý giúp nước này dỡ bỏ một loạt các lệnh trừng phạt và hạn chế của phương Tây đối với các công ty thực phẩm, phân bón, vận chuyển như một điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận an ninh hàng hải ở Biển Đen.

Các nhà ngoại giao nói với Reuters, rằng hầu hết các hạn chế mà Điện Kremlin liệt kê đều liên quan đến lệnh trừng phạt của EU.

Khối này không có lệnh trừng phạt nhắm vào hàng hóa nông nghiệp, nhưng có áp thuế quan đối với các sản phẩm ngũ cốc nhập khẩu từ Nga và Belarus.

Hàng rào thuế quan tiếp theo đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, cũng như một số loại phân bón, vẫn đang được thảo luận.

Các nước EU đã gia hạn hai gói trừng phạt của khối đối với Nga thêm sáu tháng vào cuối tháng 1 và đầu tháng này. Bất kỳ thay đổi nào đối với các lệnh trừng phạt đều đòi hỏi sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên EU.

"Nga phải thể hiện ý chí chính trị thực sự để chấm dứt cuộc xung đột", bà Hipper nói thêm. "Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng Nga phải chứng minh bằng hành động, không phải bằng lời nói".

Theo Pravda, Tass
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm