Yêu trong mùa giông bão

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thấm thoắt 2021 “tốt thôi là đủ” đã cạn ngày. Nam Cali chiều nay lạnh và ẩm bất thường, mây nặng trĩu trước cơn giông tố được báo trước sẽ kéo tới ngày mai. Vừa định lên xe ra chợ mua thêm củi đốt lò sưởi thì gặp anh chị hàng xóm sang tặng quà năm mới. Ngắm nụ cười tươi tắn của vợ chồng con cái họ trên tấm thiệp xinh xắn, chợt thấy lòng ấm lại.

Nước Mỹ thời của hận thù?

“Năm nay chị đón năm mới ở đâu, có thể về Việt Nam thăm gia đình chưa?” - Terry ân cần hỏi thăm. Chị người gốc Bắc Âu cao lớn, bằng tuổi tôi nhưng đã có cháu ngoại, con cô con gái lớn với chồng trước. Hai đứa con với chồng sau, anh Jim người gốc Âu lai Philippines, đang còn tuổi “teen”. Tôi mới dọn tới đây được nửa năm nhưng hai nhà đã kịp tìm hiểu gia cảnh của nhau. “Cảm ơn chị, tôi vẫn đang chờ, tới giờ này Việt Nam chưa chính thức gỡ bỏ quy định cách li bắt buộc và chưa có chuyến bay thương mại. Dù vậy khá yên tâm vì thường xuyên nói chuyện với gia đình và mọi người vẫn mạnh khỏe. Ảnh trên thiệp nhà anh chị đẹp quá!”. Tấm thiệp không chỉ đẹp mà còn lạ. Terry da trắng mắt xanh tóc vàng bên chồng, con trai và con gái mắt tóc đen nhánh da ngăm; trông họ vừa không liên quan vừa giống nhau kỳ lạ.

Yêu trong mùa giông bão ảnh 1

Cũng như nhiều người sống ở Mỹ và trên thế giới, tác giả bài báo có một năm "move on"- định hướng lại mọi chuyện, lăn bánh về hướng khác

Xóm nhà tôi rộng chừng một dặm vuông phía Đông thành phố Long Beach, có vài chục gia đình thế hệ “Generation X” sinh từ giữa thập niên 1960 tới cuối thập niên 1970. Hàng xóm còn rất nhiều cặp đa chủng tộc khác, thoạt nhìn khó tường tận gốc gác; sớm sớm chiều chiều thong dong dắt con cháu hay dắt chó đi dạo qua những ngôi nhà kiến trúc trung thế kỷ hai mươi (Mid-century) giản dị nhưng độc đáo; những con đường rợp bóng liễu, mộc lan, phượng tím, tiêu huyền hay sồi nhiều chục năm tuổi. Sống lâu ở Nam Cali khô hạn nóng nực mới thấy quí những khu phố cũ trồng nhiều cây lưu niên. Những khu mới xây dù được các nhà thầu phủ xanh và tạo cảnh khuôn viên vẫn trống trải hơn nhiều.

Yêu trong mùa giông bão ảnh 2

Cảnh tàn phá ở Mayfield Kentucky sau trận lốc xoáy lịch sử

Người xóm này và các xóm lân cận cũng như cây, từng sinh sống và xây dựng gia đình qua nhiều thập kỷ, ít ai dọn đi nơi khác. Dư dả thì dành dụm cơi nới nâng cấp nhà cửa; rồi mua thêm nhà cho thuê gần đó, thêm thu nhập lại sắm thuyền hay xe nghỉ dưỡng di động RV. Hình ảnh điển hình của tầng lớp trung lưu cũ ở Mỹ, bình ổn và an phận. Láng giềng gần gũi lâu dần thành thân thiết, tối lửa tắt đèn có nhau. Bận đến đâu cũng dành thời giờ tổ chức tiệc tùng vào các dịp lễ. Toàn tứ ngũ tuần cả rồi nhưng hầu hết vẫn trẻ trung năng động, Jim bảo không có các gia đình thế hệ X như họ thì xóm này già cỗi lắm. Lớp trẻ “thiên niên kỷ” và “hậu thiên niên kỷ”, nhất là những người mới ra trường, khó lòng mua nổi những căn nhà giá ngót nghét triệu đô ở đây.

Phần lớn các hộ còn lại trong xóm thuộc giới cao niên, được gọi là dân cư gốc, đã dọn tới đây từ khi những ngôi nhà mới được xây đầu thập niên 1950; như ông Don nhà đối diện là dân gốc Nebraska. Bố ông đi lính thời Thế chiến Hai, giải ngũ không muốn về quê nhà lạnh lẽo buồn tẻ, nên neo lại Cali sầm uất và ấm áp. Giới trung lưu gốc, vốn là nhân viên của vài công ty kỹ nghệ lớn nên việc làm ổn định. Họ ít khi chuyển đổi nhà cửa vì khi giá nhà tăng cao, thuế bất động sản tính trên giá giao dịch cũng tăng đáng kể. Chỉ trừ phi dọn đi tiểu bang khác, ít có ai bán nhà. Năm ngoái là một dịp hiếm hoi khác thường. Mới vài tháng đầu năm toàn khu có đến 7 căn được treo biển bán vì những ông bà bảo thủ đã về hưu hoặc làm việc tại gia muốn dọn đi bang Idaho đẹp, giá cả phải chăng, thuế má nhẹ nhàng.

Tôi thấy mình hơi giống hai nàng trong phim Passing, vừa muốn hòa nhập vào nơi mình đang sống vừa không thể và không muốn từ bỏ văn hóa gốc. Thuế đất đã đóng xong, nhà cửa sửa sang tạm ổn; năm tới sẽ là năm “move on”, chắc chắn như vậy. Mỗi người sẽ tự biết “move on” theo cách của mình. Lần đầu tiên sau nhiều năm, với nước Mỹ và người Mỹ, tôi thật sự thấy yêu và gắn bó.

Bất đồng với các chính sách kinh tế xã hội của một bang cấp tiến bậc nhất, họ “đành dứt áo ra đi” sau cú sốc của cuộc bầu cử tổng thống. Gia đình tôi may mắn mua được một căn trong số đó. Gọi là may mắn vì số người tìm mua nhà hơn gấp nhiều lần số người bán nhà. Sự ra đi của các gia đình bảo thủ không làm giá nhà ở Cali hạ nhiệt. Các thống kê cho thấy những người dọn đến hay chọn ở lại Cali có thu nhập cao hơn số người dọn đi, khiến giá nhà trong suốt năm qua tăng trung bình 18%. Dẫu thế giới trung lưu gốc chọn ở lại hay mới tới khu East Long Beach này không hẳn toàn cấp tiến. Có thể nói hơn nửa thuộc thành phần bảo thủ trung dung, họ yêu Cali vô điều kiện dù thời thế đổi thay.

“Càng lớn tuổi chúng tôi càng trở nên bảo thủ hơn”, chị Linda ở kế bên nhà ông Don, nhân viên phòng quản lý giáo dục Long Beach mới hưu, tâm sự. Chúng tôi quá chán nản với việc áp thuế vô tội vạ và những can thiệp quá sâu của chính quyền tiểu bang vào trường học, doanh nghiệp hay đời sống từng cá nhân. Tôi gật lắc hăng hái góp chuyện; có thể tâm sự với nhau về chính trị là ổn lắm rồi.

Nước Mỹ già nua lỗi thời?

Cuộc sống mới của gia đình tôi ở East Long Beach khá dễ chịu. Nam Cali rộng lớn nhưng không phải đâu cũng kiếm được hàng xóm thân thiện. Long Beach vừa gần sân bay quốc tế Los Angeles vừa có cảng, bến tàu và sân bay nội địa; có cả downtown (trung tâm) nhộn nhịp. Chỉ hơi lo rằng dân cư ở đây ngày một già đi khi người trẻ không thể len chân vào; dần dần sẽ gặp chó mèo nhiều hơn gặp trẻ con. Còn nhớ cuộc vật lộn hậu bầu cử năm ngoái giữa hai ông già U80 đã khiến ai ai đều ngán ngẩm: Chẳng lẽ nước Mỹ lại cỗi đến thế, không kiếm ra ai trẻ trung hơn gánh vác đất nước? Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng U90. Sự già nua quả đã ám ảnh Hợp chủng quốc, hay chỉ vì dân Mỹ càng ngày càng sống thọ? Riêng ngành truyền thông năm qua cũng vậy, tin động trời đều từ “những người muôn năm cũ”: đầu năm Larry King U90 qua đời rồi cuối năm Chris Wallace U80 rời đài Fox News cánh hữu và Brian Williams U70 rời đài NBC cánh tả.

Rất khó dịch sát nghĩa từ “move on” trong tiếng Anh. Bỏ không làm việc này và làm việc khác, xe đang chạy hướng này bỏ qua hướng khác, phần nhiều do chấp nhận hoàn cảnh đã đổi thay. Năm 2021 là một năm “move on”, định hướng lại mọi chuyện.

Chris Wallace chính là người điều phối cuộc tranh luận bầu cử tổng thống đậm chất bi hài giữa hai ứng viên Donald Trump và Joseph Biden hồi tháng Chín năm ngoái; sau đó ông có tiếc là đã không nghiêm khắc hơn với cựu tổng thống khi ông Trump liên tục ngắt lời đối thủ. Wallace được coi là nhà phỏng vấn số một hiện nay, từng phỏng vấn 5 tổng thống Mỹ trên chương trình Chủ nhật của đài Fox, khách mời còn có cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Macron. Nhà bình luận chính trị có lối đặt câu hỏi trực diện và không khoan nhượng, “để buộc các nhà lãnh đạo làm rõ vai trò trách nhiệm của mình”. Trong chương trình cuối cùng với Fox News Chủ nhật vừa qua, ông bày tỏ mong muốn được thử nghiệm những việc mới mẻ bên ngoài chính trị, làm những điều ông thực sự quan tâm và yêu thích. Ngay sau đó có tin chính thức là ông gia nhập đài CNN trong chương trình mới CNN+; còn việc ông có bàn chính trị trên đó không thì phải chờ xem.

Như một chú thích trong chùm ảnh tổng kết năm 2021 của tờ New York Times, “Yêu trong thời thù ghét”, dù nước Mỹ 2021 bị coi là thời của hận thù do khác biệt chính kiến hay kỳ thị chủng tộc, do các cuộc xả súng hay cướp bóc bạo loạn; song tình yêu thương giữa các gia đình ở đây cũng đủ sưởi ấm những chiều đông lạnh giá. Bất ổn bất đồng kỳ thị ở đâu đó chứ không ở đây.

Cùng thời điểm một nhà truyền thông khá nổi danh khác của đài MSNBC/ NBC, Brian Williams đang chủ trì một show khá ăn khách là show 11 giờ đêm, cũng báo trước rằng mình sẽ từ nhiệm vào cuối năm. Ông này có lối hùng biện hấp dẫn nhưng hơi khoa trương, nhiều lần quá đà nói sai sự thật, như việc ông tường thuật không chính xác trong một phóng sự ở Iraq hay về trận bão Katrina. Hồi 2015 ông bị đình chỉ nửa năm nhưng sau đó được phục chức và đã làm cho NBC tổng cộng tới 28 năm.

Lần này thông báo nghỉ hẳn của ông cũng không kém phần hoa mỹ: “Thật ra tôi không phải là người bảo thủ hay cấp tiến, tôi là người trọng thể chế. Tôi yêu vị trí này và với tình yêu đất nước tôi không nhường bước một ai. Song bóng tối đã tràn từ ngoại ô vào phố lớn, tràn lên xa lộ hay các khu dân cư. Rồi đến các tiệm rượu hay sân chơi bowling, trong trường học hay cửa hàng. Chuyện này cần phải được nêu lên và lý giải”. Ngoài việc có ý phân trần mình không muốn dính líu chính trị, Williams ám chỉ đến thực trạng bất ổn khắp nơi trên nước Mỹ. Không biết ông có ý chê trách sự bất lực của chính quyền thiên tả hiện nay trước vấn nạn cướp bóc hay ủng hộ quyền mang súng của phe đối lập cánh hữu. Nhân nói đến thâm niên làm báo gần 40 năm, ông móc nhẹ “hồi ấy trái đất mát mẻ hơn”, ý cho rằng một nhà báo dày dặn kinh nghiệm như mình cũng bất lực trước thực trạng xã hội xuống cấp hay môi trường đang nóng dần.

Vừa lái xe ra chợ vừa nghe bình luận về hai ông trên YouTube, chợt thấy họ sung sức hơn tuổi, và nhiệt huyết không kém những nhà báo thế hệ X như Anderson Cooper (CNN) hay Tucker Carlson (Fox). Các show TV sống khỏe hơn nhờ mạng xã hội và kênh YouTube, giúp những nhân vật như Wallace hay Williams có thêm khán giả và không lỗi thời. Không thể theo dõi họ ngày Chủ nhật hay nửa đêm thì nghe lại YouTube trên xe. Trong thời cần gì nghe xem nấy thì các chương trình tên tuổi vẫn làm nên chuyện. Chẳng hạn như học nấu ăn hay làm vườn thì tôi sẽ vào xem các kênh uy tín như của Martha Stewart hay Chef Jean Pierre, chứ không xem các hot girl hay hot boy vừa tán dóc vừa nấu nướng như làm ảo thuật.

Giới trẻ tư duy khác hẳn, ngoài YouTube họ thường xem Instragram và Tik Tok nhanh gọn hấp dẫn. Chàng trai Newton Nguyen 22 tuổi gốc Việt vừa mới học nấu ăn không lâu đã lên Tik Tok và YouTube dạy lại, nhanh chóng kiếm được tiền nhờ số lượng người đăng ký và theo dõi tăng nhanh. Rất nhiều việc liên quan đến internet dành cho giới trẻ, từ bán hàng online, làm nhân vật định hướng (KOL influencer) hay cung cấp dịch vụ qua mạng. Tôi vừa đến chợ đã gặp ngay mấy cô cậu đang nhanh nhẹn tay đẩy xe mắt nhìn điện thoại đi mua sắm giùm cho những người lớn tuổi hoặc không tiện đi lại. Những cỗ xe Mỹ, cả già lẫn trẻ, xem ra vẫn ngon trớn chứ không cũ kỹ quá đát.

Lăn bánh về hướng khác

Một cỗ xe Mỹ khá đặc biệt vừa chịu dừng bánh sau gần thế kỷ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Dole mới qua đời ở tuổi 98. Ông nổi tiếng là chính trị gia có thể làm việc thân thiện với phe đối lập trong thượng viện vì lợi ích quốc gia; thời hoàng kim trong chính trường Mỹ vài thập kỷ trước. Thời ấy các chính trị gia nom ai cũng sáng láng rắn rỏi. Bob Dole từng tự trào về những thất bại của mình trong các cuộc chạy đua vào chức Tổng thống và Phó tổng thống rằng “khi anh thua người ta sẽ yêu quí anh hơn”, rồi trích dẫn nhân vật Cộng hòa đàn anh là Tổng thống Richard Nixon “thử sức và thất bại thật đáng buồn; nhưng còn buồn hơn nếu không làm nổi việc thử sức”. Sau thất bại năm 1996 trước đương kim Tổng thống Clinton, ông rời chính trường, sống tiếp và làm nhiều việc khác suốt mấy chục năm. Một người chuyên thất bại cuối cùng đã “move on” thành công.

Rất khó dịch sát nghĩa từ “move on” trong tiếng Anh. Bỏ không làm việc này và làm việc khác, xe đang chạy hướng này bỏ qua hướng khác, phần nhiều do chấp nhận hoàn cảnh đã đổi thay. Năm 2021 là một năm “move on”, định hướng lại mọi chuyện.

Có những cuộc “move on” khá thú vị như của cựu Tổng thống Donald Trump. Sau khi lập ra một nền tảng mạng xã hội mới, và đang nỗ lực huy động được nguồn vốn tới gần tỷ đô la qua sàn giao dịch chứng khoán (theo Reuters), ông vừa tung ra cuốn sách ảnh Hành trình của chúng ta do công ty Winning Team (Đội chiến thắng) của anh con trai cả xuất bản. Ông đang đi tiếp, không rõ về hướng cũ hay hướng mới, song chắc chắn trong tâm thế không chấp nhận thua cuộc. Kẻ yêu ông thì vui mừng vì thửa được một món có thể trưng trên bàn café hay tặng quà trong dịp lễ với giá khá chát (từ 75 tới 175 đô la), người ghét thì bảo tại sao phải tự xuất bản, không viết nổi hay sao mà làm sách ảnh? Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng ý tưởng sách ảnh khá hay. Thời buổi này xem hình ảnh là chính, mấy ai có thời gian đọc chữ.

Người thắng cuộc là Tổng thống Biden chắc cũng đang tìm cách "move on". Tỷ lệ đánh giá chất lượng công việc của ông đang xuống thấp; các chỉ số kinh tế có vẻ bất lợi trong mắt dân chúng: lạm phát, giá xăng, giá bất động sản tăng cao; kỷ niệm một năm vắc xin ra đời mà tình hình đại dịch vẫn phức tạp. Ngoài những tranh tụng pháp lý về các quy định bắt buộc đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID và tiêm vắc xin, là những nghi ngờ về tác dụng của vắc xin và thuốc đặc trị COVID.

Mọi chuyện tỏ ra không ổn như ông từng hứa hẹn, ông còn vấp phải sự phản kháng của một số nghị viên Dân chủ về các gói đầu tư hạ tầng hay kế hoạch nâng mức nợ trần của chính phủ. Vậy mà ông vẫn tỏ ra khá lạc quan cho rằng đảng Dân chủ sẽ thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Đảng nào thắng nhiều ghế có quá quan trọng không nhỉ? Vừa rồi ở Kentucky, bang chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn lốc xoáy mạnh nhất và dài nhất ở Mỹ trong 125 năm, cuốn qua 4 tiểu bang Cộng hòa (đỏ) và vùng đỏ phía Nam tiểu bang xanh Illinois, ông từng nhấn mạnh: “Không có lốc xoáy màu đỏ, không có lốc xoáy màu xanh”; ý là chính phủ liên bang cánh tả sẽ làm và chi hết mình để trợ giúp các công dân cánh hữu. Thêm một lần tổng thống hứa hẹn, mong thực tế diễn ra đúng như vậy.

Hôm nay sau khi mua củi tôi ghé vào tiệm Whole Foods bán thực phẩm cao cấp để mua vài món Á (tiệm có cả lòng mề gà tươi ngon nửa cân giá 6 đô la). Trước cửa tiệm có hai xe cảnh sát túc trực đề phòng các cuộc cướp bóc các cửa tiệm luôn xảy ra gần đây. Tuy thế trong tiệm vẫn bình yên, khá đông người dù giá đắt hơn nơi khác mấy chục phần trăm. Thấy tôi tần ngần trước giá bày xà phòng và dầu gội, một chị khách hàng gốc Phi châu mau mắn góp chuyện: “Bà mua thử bánh xà phòng đen này đi, làm tại châu Phi đó, rất tốt cho da”. Chị ăn bận nền nã như mới bước ra từ bộ phim Passing kể về những người lai da đen sống ở New York những năm 1920. Tôi cảm ơn chị rồi vội vã ra tính tiền, ngoài trời mưa đã nặng hạt.

Về nhà nhóm lò, mùi gỗ thông cháy thơm nồng, mở TV xem đoạn kết của Passing, một trong những phim chiếu vào dịp lễ trên Netflix. Hai nhân vật nữ là Irene và Claire trên phim đều lai da đen, người chọn ở lại cộng đồng gốc Phi người muốn hòa nhập vào xã hội da trắng, với những niềm hạnh phúc và nỗi lo âu riêng. Bi kịch mơ hồ nhưng xúc động thấm thía, rất hợp với một đêm mưa lạnh. Hai ngày tới sẽ tiếp tục giông gió, nhưng nắng sẽ lên và trời sẽ ấm trở lại khi năm mới đến.

MỚI - NÓNG