8 “bí kíp” để bạn nói chuyện với bố mẹ - đảm bảo bố mẹ sẽ lắng nghe!

8 “bí kíp” để bạn nói chuyện với bố mẹ - đảm bảo bố mẹ sẽ lắng nghe!
HHT - Nhiều bậc phụ huynh thấy rằng khi con cái đến tuổi dậy thì là lúc bắt đầu “hỗn láo”, “vô lễ”, "cứng đầu khó dạy bảo",... Vậy teen nên nói chuyện thế nào để tránh bị bố mẹ nghĩ tiêu cực về mình như thế?

Nhiều người có lý do khi gọi tuổi dậy thì là “tuổi dở dở ương ương”. Đó là vì lúc này, do tâm sinh lý thay đổi, chúng ta bắt đầu giảm sự tương tác với bố mẹ. Không những thế, do cách nhìn sự việc của hai thế hệ khác nhau, cộng với tác động của quá trình hình thành tính cách khiến chúng ta hay phản đối, hay thể hiện ý kiến (chưa cần biết sai hay đúng), thậm chí là ương ngạnh, dẫn tới sự bất đồng ngày càng lớn giữa con cái với bố mẹ. Sự bất đồng này lại có thể dẫn tới những hậu quả rất tiêu cực, như là bố mẹ cho rằng con hư, hỗn, phải “dạy cho một trận” - đôi khi là bằng bạo lực!

Trong khi, sự thật là bố mẹ rất yêu thương và quan tâm đến bạn. Sự thật là bố mẹ có thể cho bạn rất nhiều lời khuyên hữu ích (dù đôi khi, bạn không nhất thiết phải làm theo tất cả những lời khuyên đó). Sự thật là bố mẹ muốn che chở cho bạn. Chỉ cần bạn biết cách nói chuyện với bố mẹ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi chỉ thay đổi cách trò chuyện mà có thể thay đổi cả mối quan hệ của bạn với bố mẹ đấy!

“Bí kíp” thứ 1: Chuyện phiếm

Hãy cố gắng nói chuyện với bố mẹ mỗi ngày một chút, về những chuyện lặt vặt như môn bóng đá ở trường, tối nay ăn gì, con chó nhà hàng xóm… Những chuyện này tưởng như vô nghĩa, nhưng lại giúp giữ mối kết nối giữa bố mẹ và bạn, để rồi, khi cần nói những chuyện quan trọng hơn thì bạn thấy cũng không khó khăn lắm.

Chuyện phiếm mỗi ngày sẽ làm tăng sự kết nối giữa bố mẹ với con cái.

“Bí kíp” thứ 2: Thả “chim mồi”

Nếu bạn muốn nói về một chuyện to tát, thì đôi khi, sẽ dễ hơn nếu bạn “tung hỏa mù” một chút, thay vì phăm phăm nói huỵch toẹt ra một cách căng thẳng. Ví dụ, bạn có thể nói: “Bọn bạn con có người yêu hết rồi bố mẹ ạ...” (để “mào đầu” một câu chuyện về tình cảm của bạn).

“Bí kíp” thứ 3: Biết rõ mình muốn đạt được điều gì

Bạn cần thông báo với bố mẹ một tin tức không vui lắm? Hay cần xin phép bố mẹ làm gì đó? Hay bạn chỉ muốn bố mẹ lắng nghe, mà không cần lời khuyên nào cả? Vậy trước khi trò chuyện với bố mẹ, bạn hãy viết ra điều mà bạn muốn từ cuộc trò chuyện đó. Việc này sẽ giúp bạn tìm ra được cách truyền tải đến bố mẹ những gì bạn cần.

“Bí kíp” thứ 4: Có thể nói chuyện với bố hoặc mẹ

Nếu bạn thấy rất khó để đề cập đến một chủ đề nhạy cảm, hãy chọn cách trò chuyện với bố hoặc mẹ thôi - tùy vào việc bạn cảm thấy thoải mái với ai hơn.

Nếu thấy ngại nói chuyện với cả bố và mẹ, bạn có thể chọn nói chuyện với một trong hai người thôi.

“Bí kíp” thứ 5: Chọn các “trận chiến” của bạn

Các cuộc trò chuyện đều dễ dàng hơn khi chúng không trở thành những cuộc cãi vã. Bởi nếu chuyện gì bạn nói ra cũng căng thẳng, thì cả bố mẹ lẫn bạn đều rất mệt mỏi. Cho nên, hãy tự chọn xem chuyện gì thì bạn nên xin phép/ phản đối, còn chuyện gì thì nên nghe lời bố mẹ. Ví dụ, nếu bạn muốn thỉnh thoảng có thể đi chơi về muộn, hãy tuân thủ giờ “giới nghiêm” của bố mẹ hàng ngày. Như thế, nếu lâu lâu bạn xin phép một ngày “ngoại lệ” để đi sinh nhật bạn chẳng hạn, bố mẹ sẽ dễ đồng ý hơn.

“Bí kíp” thứ 6: Chọn đúng thời điểm

Thật không hay gì khi thông báo cho bố mẹ một chuyện dở tệ đúng vào buổi sáng, lúc bố mẹ chuẩn bị đi làm. Trò chuyện lúc bố mẹ đang rảnh rỗi hoặc chỉ làm vài việc vặt trong nhà sẽ là hợp lý hơn. Và nếu bạn đang giận dữ hay xúc động mạnh, hãy đợi đến khi bình tĩnh lại hãy nói chuyện. Cứ khóc, hoặc chạy bộ, hoặc làm gì đó để “hạ hỏa” trước đã.

Thông báo một chuyện dở tệ đúng vào lúc bố mẹ đang căng thẳng thì rõ ràng là không hay rồi.

“Bí kíp” thứ 7: Lắng nghe khi bố mẹ nói

Khi bạn không nhất trí với ý kiến của bố mẹ, bạn sẽ rất muốn phản đối ngay lập tức. Nhưng nếu bạn để bố mẹ có thời gian nói cho bạn biết những gì bố mẹ nghĩ, thì khả năng bố mẹ sẽ lắng nghe bạn cũng cao hơn. Hãy thử “nguyên tắc 5 giây”: bạn hãy đợi 5 giây sau khi bố mẹ nói xong, rồi mới nói ý kiến của mình.

“Bí kíp” thứ 8: Tìm những người lớn khác mà bạn tin tưởng

Trong một số trường hợp, có thể việc nói chuyện với bố mẹ là bất khả thi. Có thể mẹ không lắng nghe bạn được vì mẹ còn có những khó khăn của riêng mình. Hoặc thậm chí bố của bạn không bao giờ sẵn sàng lắng nghe ai cả. Hoặc là, bố hoặc mẹ không thường xuyên có mặt trong cuộc sống của bạn. Nếu thế, hãy tìm một người lớn khác mà bạn tin tưởng - như một người họ hàng, hay một thầy/ cô giáo. Điều quan trọng nhất chính là có một người lớn đáng tin cậy mà bạn có thể trò chuyện khi bạn cần. Chỉ cần biết như vậy thôi cũng đủ để bạn thấy nhẹ nhõm, được an ủi, và bớt “đối đầu” hơn mỗi khi cần nói chuyện với các thành viên trong gia đình mình.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đón năng lượng bằng các phương pháp detox buổi sáng giúp cơ thể bớt mệt mỏi

Đón năng lượng bằng các phương pháp detox buổi sáng giúp cơ thể bớt mệt mỏi

HHT - Có rất nhiều biện pháp để giúp cơ thể detox buổi sáng, giảm bớt mệt mỏi sau một đêm làm việc quá sức hoặc tiệc tùng quá đà. Từ những việc đơn giản như uống nhiều nước điện giải, vận động ngoài trời, đi bộ nhẹ nhàng, hay phức tạp hơn là tập các bài tập thở giúp cơ thể detox nhanh và hiệu quả hơn.