Rạng sáng ngày 18/9, bão số 5 (bão Noul) bắt đầu phát tín hiệu sắp dừng chân tại Đà Nẵng: Gió nổi mạnh hơn, mưa bắt đầu to và dai dẳng, sấm sét kèm theo những tia chớp kéo dài,… Người dân Đà Nẵng dù đã chuẩn bị phòng tránh bão đâu vào đấy nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh đi ngủ trong tâm trạng lo âu vì Noul là một cơn bão được dự báo rất mạnh.
Đến khoảng 6 - 7h sáng ngày 18/9, bão Noul chính thức đổ bộ vào Đà Nẵng. Mưa to như trút nước, gió thổi vù vù, sấm sét vang trời, những tia chớp lóe lên liên tục, bầu trời tối đen, cây cối gãy đổ,... Sau khi tung hoành khoảng hơn 2h đồng hồ, cơn bão dần tan nhưng mọi người vẫn được khuyến cáo ở trong nhà ít nhất đến 12h trưa 18/9 để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, trong sự hoành hành của cơn bão, nhiều người dân Đà Nẵng bất ngờ phát hiện ra một điều kỳ diệu đến từ cầu Nguyễn Văn Trỗi, cây cầu lịch sử bắc qua dòng sông Hàn.
Bình thường, cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn như đa số các cây cầu khác, tức không thể nhúc nhích hay di chuyển được. Thêm nữa, nhắc đến “biến hình” thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến Cầu quay Sông Hàn. Ấy thế mà sáng ngày 18/9, nhiều người dân Đà Nẵng mới biết thành phố mình có thêm một cây cầu biết “biến hình” nữa, chính là cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Những tay máy không ngại mưa bão đã chụp được khoảnh khắc kỳ diệu: Cầu Nguyễn Văn Trỗi được nâng nhịp để thành nơi tránh bão cho tàu thuyền.
Nhịp cầu được nâng lên...
...để tàu thuyền có thể vào tránh bão.
Được biết ý tưởng nâng nhịp cầu này là của ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Theo đó, độ cao tối đa của nhịp nâng cầu Nguyễn Văn Trỗi là 3,6 mét, bằng với chiều cao thông thuyền của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Chiều dài nhịp thông thuyền khi cầu được nâng là 36,45m. Thú vị là việc lắp đặt, nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015 nhưng đến nay, vì bão số 5 đổ bộ nên người dân Đà Nẵng mới biết về chức năng thú vị này.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được hãng RMK của Mỹ thiết kế, thi công vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Cây cầu được hoàn thành vào năm 1965 với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam và được phục vụ cho mục đích quân sự. Ban đầu, người dân Đà Nẵng thường gọi là cầu Đờ-lát vì nó từng được đặt theo tên của vị tướng người Pháp de Lattre de Tassigny. Sau năm 1975, cầu được đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi. Suốt một thời gian dài, đây là tuyến đường huyết mạch nối hai bờ sông Hàn trước khi cầu Sông Hàn được xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 2000.
Hiện tại, do tuổi thọ đã cao và không đáp ứng được nhu cầu giao thông nên từ năm 2013, cầu Nguyễn Văn Trỗi đã được chuyển thành cầu đi bộ để phục vụ khách du lịch.