HHT - Hơi thở "nổi da gà" là điều khiến nhiều bạn đau đầu và xấu hổ. Hãy cùng tìm hiểu cách tối ưu để "hóa giải" hơi thở bốc mùi với Hoa Học Trò nhé!
Những lời đồn thất thiệt về hơi thở có mùi
Chỉ khi ăn tỏi, hành thì hơi thở mới có mùi hôi?
Sự thực là: Tinh dầu trong tỏi và hành chỉ gây ra mùi khó chịu tạm thời. Nguyên nhân chính khiến hơi thở không thơm tí nào là do đội quân vi khuẩn "đóng đô" trong khoang miệng.
Chỉ cần đánh răng đủ 3 lần/ ngày thì sẽ không có mùi hôi?
Sự thực là: Vi khuẩn không những bám trên răng, lợi mà còn rất thích “trú ngụ” ở lưỡi nữa nên nếu chỉ đánh răng mà không vệ sinh lưỡi thật kỹ thì hơi thở vẫn có mùi như thường!
Nếu bạn thở vào tay mình thì sẽ tự biết khi nào hơi thở mình có mùi “chíu khọ” hay không?
Sự thật là: Cách không khí “dịch chuyển” khi chúng ta tự thở vào tay hơi khác với khi chúng ta nói. Hơn nữa, vì cơ thể đã khá quen với “mùi” của chính mình rồi nên tự thở vào tay cũng không biết được mùi hơi thở có “chíu khọ” hay không đâu!
Chỉ cần súc miệng là hơi thở có mùi sẽ hết?
Sự thật là: Nhiều quảng cáo khiến bạn tin rằng hơi thở có mùi sẽ hoàn toàn biến mất chỉ cần súc miệng với nước súc miệng có mùi thơm. Tuy nhiên, cách này chỉ mang tính “chữa cháy” tạm thời trong khoảng thời gian ngắn thôi chứ không có tác dụng dài lâu như bạn tưởng đâu!
Hóa giải "lời nguyền" mùi hôi miệng
Cách tốt nhất để “diệt sạch” vi khuẩn gây mùi trong miệng là đánh răng ít nhất 2 phút/ lần và 2 - 3 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ chân răng nơi vi khuẩn “ẩn nấp”, và đừng quên làm sạch cả lưỡi nữa nhé!
Tuy nhiên, mùi hôi miệng cũng là một dấu hiệu bất thường của sức khỏe nên bạn đừng lơ là bỏ qua. Khi đã vệ sinh răng miệng “sạch bong sáng bóng” rồi mà hơi thở vẫn còn có mùi thì có thể bạn đã mắc bệnh về đường tiêu hóa hoặc bệnh về lợi (nướu răng) rồi, hãy ghé thăm nha sĩ để “bắt bệnh” đúng và tìm cách chữa trị triệt để nha!