"Chuỗi án mạng ở Hwaseong": Vụ án không lời giải khiến Hàn Quốc chấn động

"Chuỗi án mạng ở Hwaseong": Vụ án không lời giải khiến Hàn Quốc chấn động
HHT - Đã hơn 30 năm kể từ khi vụ án đầu tiên trong chuỗi án mạng thành phố Hwaseong diễn ra, nhưng người dân Hàn Quốc vẫn chưa hết ám ảnh với những thủ đoạn tàn bạo của kẻ sát nhân "giấu mặt".

Ngày 15/9/1986, thành phố nhỏ Hwaseong chấn động khi ở khu vực thị trấn Taean (nay là huyện Taean), người dân tìm thấy thi thể của một người phụ nữ trong tình trạng bị cưỡng bức và siết cổ đến chết. Người phụ nữ này là bà Lee Wanim (71 tuổi) và sinh sống ở gần bãi cỏ mà hung thủ gây án.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu của nỗi sợ hãi bao trùm thành phố này. Từ ngày 20/10/1986 đến ngày 3/4/1991, 9 vụ án mạng khác cũng diễn ra trong phạm vi bán kính 2km của khu vực thị trấn Taean, thành phố Hwaseong. Nạn nhân là phụ nữ và không có độ tuổi nhất định, người trẻ tuổi nhất là 14 tuổi, người lớn tuổi nhất là 69 tuổi. Tất cả thi thể đều ở trong tình trạng vô cùng ám ảnh: bị cưỡng bức, siết cổ đến chết bằng chính trang phục của mình, một số nạn nhân bị đâm 19 nhát dao trên ngực và vết thương có 9 mảnh hạt đào. 

"Chuỗi án mạng ở Hwaseong": Vụ án không lời giải khiến Hàn Quốc chấn động ảnh 1
Danh sách 10 nạn nhân trong chuỗi án mạng ở thành phố Hwaseong.

Vụ giết người hàng loạt đầu tiên ở Hàn Quốc

Ban đầu, cảnh sát chỉ tiếp cận vụ án mạng của bà Lee Wanim (nạn nhân đầu tiên) theo góc độ là một vụ án có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra lại xảy ra các vụ án khác có tính chất tương tự khiến phương hướng điều tra bị nhiễu loạn. Sau cùng, cảnh sát phải công nhận rằng án mạng ở Hwaseong liên quan đến nhau. Sự việc này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dân Hàn Quốc bởi đây là vụ giết người hàng loạt đầu tiên ở nước này. 

Chính phủ Hàn Quốc khi ấy đã huy động khoảng 180 nghìn cảnh sát và 2 triệu nhân viên chức năng tham gia quá trình điều tra. Họ lần theo các dấu vết hung thủ để lại như dịch cơ thể, tàn thuốc lá... nhưng vẫn không thể tìm được hắn, dù đã có hơn 3.000 nghi phạm; 40.116 mẫu vân tay, 570 mẫu ADN và 180 mẫu tóc được gửi phân tích ở nước ngoài. Có sự nhập cuộc của truyền thông, quá trình điều tra lan rộng nhưng cũng ngày càng trở nên bế tắc. Người dân Hàn Quốc nơm nớp lo sợ bởi ngay cả khi bị ráo riết truy lùng, hung thủ vẫn thản nhiên gây án.

"Chuỗi án mạng ở Hwaseong": Vụ án không lời giải khiến Hàn Quốc chấn động ảnh 2
Những chứng cứ ở hiện trường không đủ để cảnh sát tìm ra hung thủ.

Chuỗi án mạng ở thành phố Hwaseong ảnh hưởng tới bất cứ kẻ nào đang có ý đồ sát nhân. Sau khi mọi cuộc điều tra đều đi vào ngõ cụt, cảnh sát mừng rỡ phát hiện ra tóc của hung thủ trên thi thể nạn nhân thứ 8 trong chuỗi án mạng. Cô gái bị sát hại là Park Sanghee (14 tuổi), được tìm thấy trong phòng của mình ở làng Jinan, thị trấn Taean. Dựa theo mẫu tóc, cảnh sát tìm ra tên Yoon Mo (22 tuổi) là hung thủ, tuy nhiên, tên này lại không hề liên quan đến các vụ án trước đó.

Có nhiều tin đồn rằng cảnh sát đã tìm ra ba kẻ tình nghi của vụ án số 7, 9 và 10, nhưng cả 3 đều đã tự sát. Đến năm 2006, chuỗi án mạng ở thành phố Hwaseong khép lại do vụ án số 10 đã hết thời hạn 15 năm khởi tố nhưng hung thủ vẫn ở ngoài vòng pháp luật.

Những manh mối mơ hồ

Các manh mối trong vụ án tưởng chừng như rõ ràng nhưng lại không mấy hữu ích. Chân dung kẻ sát nhân được phác họa thông qua lời kể của một cô gái may mắn trốn thoát. Hắn có nhóm máu B, ở độ tuổi 24-27, cao khoảng 165-170cm, để kiểu tóc thể thao và gương mặt thuộc dạng phổ thông, thân hình khá mảnh mai. Hắn đeo đồng hồ màu xanh lá cây, có hình xăm ở khớp khuỷu tay trái, ngón trỏ phải có vết cắn. 

"Chuỗi án mạng ở Hwaseong": Vụ án không lời giải khiến Hàn Quốc chấn động ảnh 3
Chân dung của hung thủ được phác họa dựa trên lời khai của cô gái may mắn trốn thoát.

Manh mối thứ hai là khoảng cách giữa thời gian gây án của hung thủ. Ngoại trừ vụ án đầu tiên, các nạn nhân tử vong trong khoảng từ 19h đến 23h. Cảnh sát dự đoán hai trường hợp: hung thủ lựa chọn buổi tối để tránh ánh mắt của người khác hoặc đó là thời gian hắn tan làm hoặc tan học. Một giả thiết khác được đưa ra. Sau khi sát hại nạn nhân thứ 7 vào ngày 7/9/1988, phải đến 2 năm 2 tháng sau, hung thủ mới tiếp tục gây án vào ngày 15/11/1990. Vậy nên phía cảnh sát cho rằng rất có thể, hung thủ đã tham gia nghĩa vụ quân sự vào thời điểm đó. Tuy nhiên, có giả thiết lại dự đoán hung thủ đã dừng tay ở vụ án số 7, vì vụ án số 9 và 10 rất có thể là "tác phẩm" của một kẻ khác. 

"Chuỗi án mạng ở Hwaseong": Vụ án không lời giải khiến Hàn Quốc chấn động ảnh 4
Cảnh sát treo thưởng 5 triệu won cho người tìm ra nghi phạm dựa trên các manh mối đã có.

Chuỗi án mạng ở thành phố Hwaseong là vụ án nghiêm trọng nhất ở Hàn Quốc tính đến thời điểm đó. Sự thiếu hụt về công nghệ pháp chứng và kỹ thuật pháp y gây cản trở trong việc phác họa chân dung của hung thủ. Thời gian vụ án càng kéo dài, cảnh sát càng khó điều tra về các bằng chứng và hiện trường gây án. 

Năm 2004, khi một nữ sinh đại học bị sát hại ở Hwaseong, nhiều người cho rằng kẻ sát nhân năm nào đã quay trở lại. Thế nhưng một lần nữa, cảnh sát lại thất bại trong việc tìm kiếm tung tích của hung thủ. Họ không thể xác minh rằng liệu đây có phải là vụ án số 11 hay chỉ đơn thuần là một án mạng thông thường, vì chuỗi án mạng ở Hwaseong đã diễn ra cách đó quá lâu.

"Chuỗi án mạng ở Hwaseong": Vụ án không lời giải khiến Hàn Quốc chấn động ảnh 5
Hình ảnh hiện trường Hwaseong được dựng lại trong bộ phim "Ký ức kẻ sát nhân".

32 năm trôi qua, chuỗi án mạng ở thành phố Hwaseong vẫn là một trong những vụ án bí ẩn và ám ảnh bậc nhất Hàn Quốc. Cảnh sát từng lật hồ sơ vụ án khi điều luật về thời hạn 15 năm bị bác bỏ nhưng không thể tìm ra hung thủ. Năm 2003, vụ án này lại một lần nữa gây chấn động khi được chuyển thể thành bộ phim ăn khách "Ký ức kẻ sát nhân".

Theo KOREA HERALD, JOONGANG DAILY
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?