Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam
HHT - Mặc dù được các fan dự đoán là một ứng cử viên nặng kí nhưng đáng tiếc "Your Name" lại để "hụt" mất đề cử Oscar năm nay. Tuy nhiên, đây vẫn là bộ phim hoạt hình được bàn tán nhiều nhất ở thời điểm hiện tại.

Món quà quý giá dành tặng tuổi thanh xuân

Theo bạn Thải Lân, một thành viên của Manganetworks, bộ phim Your Name thành công bởi nó như một món quà dành cho người trẻ tuổi. Giới trẻ luôn khát khao có được một câu chuyện của riêng họ và Your Name đã đáp ứng được điều này. Người trưởng thành xem Your Name cũng thấy thích, bởi họ tìm thấy mình ở đó với sự ngông cuồng, bất chấp mọi thứ để đi tìm một điều mình chưa bao giờ gặp, như lúc Taki rời Tokyo đi tìm Mitsuha chỉ với một bức vẽ. Nếu không có những nông nổi ấy, điều kỳ diệu đã chẳng thể xảy ra.

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 1

Với đủ hiệu ứng màu sắc đẹp, hình vẽ chi tiết, âm nhạc thay cho lời nói nội tâm của hai nhân vật, bộ phim hoàn toàn chinh phục được người xem. Bạn Hoàng Thư (TP.HCM) sau khi xem đã chia sẻ: “Khi đi xem rạp, dù phim hay nhưng sau khi ra khỏi rạp được một lúc sẽ quên. Còn với Your Name, tự nhiên đọng lại một cảm giác lâng lâng khó tả lắm!”.

Hiện tại Kimi no Na wa (君の名は / Your Name) đã thu về đến 17,19 tỷ yên. Tại Nhật, Your Name hiện đứng thứ 4 trong số những bộ phim Nhật có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Còn nếu tính cả những bộ phim của Hollywood thì Your Name tạm xếp thứ 7. Hiện tại, sức hút của Kimi no Na wa đang lan rộng đến 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đây quả là một bước tiến cho ngành công nghiệp anime Nhật Bản.

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 2

Bí mật của anime Nhật Bản: Chỉ có thể là Tình yêu!

Một trong những yếu tố đưa anime đi đến đỉnh cao chính là nền văn hóa Nhật Bản. Manga/ anime đã lan tỏa khắp thế giới, cộng đồng yêu thích nền văn hóa này dàn trải ở rất nhiều nước đó chính là vì họ đã sử dụng chiêu thức “lan tỏa tình yêu”. Muốn nước bạn thích nước mình và sản phẩm của nước mình, trước hết bạn phải yêu lấy nước mình trước cái đã. Tiếng Nhật thuộc dạng khó, nhưng tại sao cứ ngày càng nhiều người học tiếng Nhật, ngày càng nhiều người thích xem anime Nhật vậy nhỉ? Bởi vì nền văn hóa đó lan tỏa đến mọi người bằng tình yêu ở bên trong, từ bên trong truyền ra bên ngoài, nên nó được "tiếp sức" để thêm bền vững.

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 3

Thậm chí điều này còn được quy định cụ thể trong Chiến lược công nghiệp văn hóa của Chính phủ Nhật Bản: “Việc quan trọng trước hết là bản thân người Nhật phải đánh giá và nhận thức lại về “sức hấp dẫn Nhật Bản”, phải coi trọng lợi ích kinh tế và lợi ích ngoại giao của Nhật Bản thông qua sức mạnh mềm để cuốn hút nhân dân các nước khác” (“sức mạnh mềm” có thể hiểu là sức hút của văn hóa như game, truyện tranh, hoạt hình).

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 4

Phải chăng đó cũng là cái mà ta còn thiếu? Chúng mình - những người Việt trẻ, chê nước mình rất nhanh và rất dễ. Nói thẳng ra là chúng ta chưa thực sự tin tưởng và yêu thích những gì xuất phát từ Việt Nam, vẫn còn cái nhìn phán xét thay vì tìm ra sự đổi thay tích cực. Bạn K.M (Q.Tân Bình, TPHCM) cho rằng: “Hoạt hình Việt Nam đồ họa quá kém, đến trẻ con còn chẳng muốn xem nói gì tụi mình”. Nhưng thực tế, điều đó luôn có thể giải quyết bởi mỗi người chúng ta chứ không riêng gì họa sĩ. Bạn nghĩ rằng thuở sơ khai những nước có nền truyện tranh - hoạt hình phát triển thì có vật chất tốt hơn chăng? Không đâu!

Anime cũng có thời "lận đận"

Năm 1920 - 1930, chính quyền Nhật kiểm duyệt nội dung hết sức gắt gao. Trong thế chiến thứ hai, họa sĩ truyện tranh và phim hoạt hình cũng chỉ được phép sáng tác trong giới hạn nội dung nhất định (tranh biếm họa về những kẻ thù của nước Nhật, truyện tranh gia đình và áp phích tuyên truyền...) chứ không phải muôn hình vạn trạng cho mọi đối tượng như bây giờ đâu! Ngày đó, họa sĩ nào phản đối đều bị bắt. Nhưng nhờ cha đẻ của manga Osamu Tezuka khi cho ra đời bộ truyện tranh nổi tiếng Bác sĩ quái dị đã thay đổi tình hình và tạo nên một cộng đồng yêu manga lớn dần và vững mạnh.

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 5

Black Jack - bộ manga nổi tiếng của Nhật Bản.

Thế nên, từ một quốc gia có nền nghệ thuật bị cản trở bởi chính quyền, Nhật Bản giờ đây có rất nhiều thể loại manga khác nhau, được phân chia một cách cụ thể theo độ tuổi và sở thích đọc của nhiều người. Vì suy cho cùng, luật pháp đi theo dòng chảy cuộc sống, chứ không sinh ra để chặn dòng chảy này lại. Một người bạn Nhật đã nhắn tin cho tôi thế này: “Đi xem Kimi No Na Wa đi, phim của nước mình đấy, có thể hơi khó hiểu một chút nhưng mà rất hay, nhất định phải xem nhé!”, và sau đó vài ngày bạn ấy còn hỏi tôi đã xem chưa. Người Nhật luôn lan truyền văn hóa của họ bằng niềm vui xuất phát từ bản thân, làm cho người khác cũng cảm nhận được. Và đó là cách sự “lan tỏa tình yêu” vận hành đấy!

Teen Việt, hãy chung tay lan tỏa tình yêu!

Chắc teen mình đều biết đến tác giả Châu Chặt Chém với bộ truyện Bad Luck và fanpage “Vựa ý tưởng đồng nát” hài “lộn ruột” của chị ấy. Ngày nay, nhiều người Việt trẻ sử dụng Internet như một công cụ để PR bản thân và tác phẩm (miễn phí và bấm "share" cũng nhanh nữa). Vậy cũng có thể thấy teen Việt vẫn “hừng hực” tình yêu với truyện tranh. Những truyện chất lượng vẫn được truyền miệng nhau rất nhanh.

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 6

Bad Luck - truyện tranh gây sốt trong giới trẻ của tác giả Châu Chặt Chém.

Đó cũng là một cách “lan tỏa tình yêu” rồi đấy! Bạn cũng có thể lan truyền sự yêu thích của mình cho những người bạn quốc tế của mình để “phổ cập” văn hóa nước mình cho họ.

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 7

Phim hoạt hình ngắn Dưới bóng cây của Việt Nam sẽ ra rạp dưới hình thức phim dài trong tương lai. 

Nhưng đó chỉ mới là sản phẩm miễn phí trên mạng. Vậy còn sản phẩm được xuất bản thành sách hay phim? T.B (18 tuổi, TP.HCM) bộc bạch: “Nói thật, với truyện Việt mình chỉ mới thấy Thần Đồng Đất Việt là okie nhất. Nhưng mình cũng chỉ đọc cọp ở hiệu sách chứ không mua. Thấy cái gì “kinh tế” nhất thì làm thôi!”.

Cơn sốt "Your Name" và vai trò của teen với phim hoạt hình Việt Nam ảnh 8

Chị Dậu do Phan Thị chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Thế nhưng, nghề nào mà không cần tiền để sống nhỉ? Để làm ra tiếp những sản phẩm hay để độc giả thưởng thức, nếu thiếu tiền, thì sẽ không làm được gì. Các bạn ơi, nếu thấy tác phẩm nào hay của họa sĩ Việt, đừng tiếc tiền mua sách gốc nhé! Làm như thế là đã góp sức vào nền truyện tranh - hoạt hình Việt rồi đấy! Manga - Anime hùng mạnh cũng từ những đóng góp nhỏ như thế mà thành thôi.

HY DI

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm